“Học nhóm” mang lại sự tự tin, sáng tạo cho học sinh

Ngày nay, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ xuất hiện một cách hết sức  bất ngờ và nhanh chóng. Theo đó hệ thống giáo dục cũng đặt ra những yêu cầu cần đổi mới. Từ việc thi thố tài năng bằng sự thuộc lòng tri thức “uyên thâm”, quan điểm chuẩn mực của người giỏi là “ thông kim bác cổ”, hiểu biết “ thiên kinh vạn quyển” đã dần được thay đổi bằng năng lực chuyên môn, năng lực giải quyết vấn đề, đưa ra các quyết định sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, thích ứng với đời sống.

Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, TP Lào Cai đã nhanh chóng tiếp cận với phương pháp dạy học theo Mô hình trường học mới, học nhóm là phương pháp hữu hiệu mang lại sự chia sẻ và giúp học sinh có nhiều trải nghiệm.

Việc học nhóm được thực hiện cơ bản qua các việc làm cụ thể: Đầu tiên là việc chuẩn bị bài học, việc này thuộc trách nhiệm của hội đồng tự quản, các nhóm học tập. Học sinh đọc mục tiêu bài học, nhóm  trưởng chuẩn bị cách thức tổ chức cho nhóm. Các thành viên chuẩn bị các câu hỏi và phương án trả lời hay nhất để chia sẻ với nhóm.

Trước khi bước vào tiết học cô giáo cùng các nhóm trưởng thảo luận nhanh thống nhất cách tổ chức thực hiện. Với cách học này học sinh chủ động tìm tòi các câu hỏi, câu trả lời hay để chia sẻ với các bạn trong nhóm, có lần: Em Kiều trang - Phó chủ tịch hội đồng tự quản lớp 3c sau khi tổ chức hoạt động khởi động cho lớp  đã tâm sự :

“Em có ý kiến để lớp mình luôn thay đổi  trò chơi khởi động hấp dẫn em xin có ý kiến mỗi ngày có năm tiết học sẽ tổ chức thi cho năm bạn và bình chọn cho  bạn có phần khởi động vui nhộn và phù hợp nhất”

 

Trong giờ học: Hội đồng tự quản chủ động tổ chức các hoạt động khởi động cho lớp. Nhóm trưởng là những nhân tố tích cực đưa ra rất nhiều ý kiến hay: Nhóm trưởng Việt Trung có ý kiến: ”Để bạn nào cũng được làm nhóm trưởng em muốn làm người tổ chức cho các bạn trong nhóm tranh cử”, còn nhóm trưởng Việt Hoàng nói :”Trong tuần ai được xếp số một trong nhiều hoạt động thì sẽ là nhóm trưởng của tuần tới”, còn nhóm trưởng Thủy Nhi thì đề nghị: “bạn nào có nhiều câu hỏi chia sẻ và có phương án trả lời sáng tạo sẽ được làm nhóm trưởng tuần kế tiếp”. Tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến đề xuất của các em và khuyến khích những đề xuất này vì vậy các em rất phấn khởi, cứ như vậy danh sách nhóm trưởng ngày càng dài hơn. Các nhóm trưởng quả thật đã chủ động tổ chức các hoạt động cho nhóm tìm hiểu, thảo luận và chia sẻ từng yêu cầu, từng hoạt động. Sau các hoạt động học tập nhóm trưởng  tổ chức cho các thành viên đánh giá quá trình thực hiện  mỗi cá nhân qua  từng hoạt động.

Ban đầu, các nhóm hoạt động cũng chưa thực sự hiệu quả mà chủ yếu phụ thuộc vào nhóm trưởng, một số bạn còn nhút nhát. Sau một tháng học, tôi đề nghị các em đánh giá thi đua giữa các nhóm trên tinh thần đánh gia thành công của từng cá nhân trong nhóm. Các em đồng ý thử nghiệm, sau một tháng các em tự rút ra rằng “Thành công của nhóm chính là thành công của từng thành viên trong nhóm chứ không phải là chỉ có nhóm trưởng xuất sắc”. Nhóm Hoa Núi có sáng kiến “Các thành viên tích cực trao đổi, những bạn yếu hơn là người đưa ra đáp án trước nhất và dễ nhất để các bạn này có cơ hội tham gia vào hoạt động chung của nhóm”. Nhóm Bình Minh có sáng kiến: “Phân công các bạn giỏi giúp đỡ bạn yếu, tuần nào bạn được giúp đỡ (bạn yếu) tiến bộ thì hai bạn cùng được khen”. Kết quả thật bất ngờ các em rất tiến bộ, nhanh nhẹn và tự tin, khi được đón Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đến dự giờ các em nói chuyện với Bác Bộ trưởng rất hồn nhiên, em Châu Giang còn nhờ Bác Bộ trưởng góp ý cho chương trình tranh cử chủ tịch Hội đồng tự quả của em, em Hoàng còn hỏi Bác Bộ trưởng làm ở trường nào… và nhiều câu hỏi hồn nhiên và ngộ nghĩnh khác của các em đã làm Bác Bộ trưởng rất xúc động.

Sau một thời gian áp dụng cách dạy và học mô hình trường học mới, học sinh thực sự chủ động trong việc khám phá kiến thức và phát triển kĩ năng giao tiếp, kĩ năng chia sẻ và sức lan tỏa giữa học sinh với học sinh tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả; Học sinh có cách học và tự học được về tinh thần tự chủ, độc lập, tự tin, lòng tự trọng cũng như hoà hợp gần gũi cộng đồng và các giá trị dân chủ khác. Đặc biệt tập thể lớp xây dựng được nền nếp học tập tốt, hội đồng tự quản có kỹ năng điều hành, chia sẻ, phản hồì, đánh giá cho mình, cho bạn chính xác

 

Còn ngoài sân trường, các giờ học ngoại khóa cũng được tổ chức theo nhóm Học sinh chủ động lự chọn trò chơi, chủ động chọn tham gia các câu lạc bộ mình yêu thích.

Sự chủ động, tính hợp tác cũng như năng lực của mỗi học sinh được biểu hiện ở đây qua từng giờ học, giờ chơi.

Sự chủ động tích cực của học sinh thông qua hoạt động nhóm là cực kì cần thiết. Ở đó các kỹ năng phối hợp, cộng tác, năng lực nhận thức, tổ chức, lĩnh hội kiến thức được phát huy một cách hiệu quả ở các đối tượng học sinh. Sức ép về kiến thức, thời gian được hoạt động hóa, thực sự làm cho công tác giáo dục học sinh ngày càng đổi mới linh hoạt và hiệu quả hơn. Mỗi giờ học, tiết học hay mỗi hoạt động vui chơi trong khuôn viên nhà trường không thể thiếu hoạt động nhóm, chắc chắn nó sẽ là đòn bẩy kích thích tư duy, trí tưởng tượng và nhất là tinh thần đoàn kết mà học sinh có được thông  những hoạt động giáo dục này.

Trần Thị Liên - Giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Lào Cai

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập