Bố trí, sắp xếp giáo viên cho năm học mới

Chú trọng sắp xếp đội ngũ giáo viên

Những ngày đầu tháng 8/2018, chúng tôi đến một số trường học trên địa bàn huyện Bát Xát và cảm nhận được không khí năm học mới đã rộn ràng. Sau đợt học tập chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, các thầy cô giáo đã có mặt tại trường học, chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh tới trường.

Trên 700 cán bộ quản lý giáo dục được tập huấn nâng cao năng lực quản lý trường học.

Năm học 2018 - 2019, huyện Bát Xát có 61 trường học với 967 lớp và 21.500 học sinh, giảm 54 lớp so với năm học trước do sáp nhập trường hoặc đưa học sinh về học tại trường chính. Quy mô trường lớp thay đổi nên việc bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên các trường như thế nào cho hợp lý đang được huyện quan tâm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát hiện có 1.858 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (157 cán bộ quản lý, 1.548 giáo viên, 153 nhân viên). Theo chỉ tiêu biên chế năm học 2018 - 2019 thì còn thiếu 156 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (10 cán bộ quản lý, 102 giáo viên, 44 nhân viên). Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện thông báo về việc sẽ hợp đồng tuyển dụng 102 giáo viên, trong đó có 60 giáo viên mầm non, 20 giáo viên tiểu học, 22 giáo viên THCS. Thời hạn hợp đồng từ ngày 1/9/2018 đến hết ngày 31/5/2019.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, hiện nay, không chỉ một số trường mầm non mà bậc THCS cũng đang thiếu giáo viên tại các xã: Ngải Thầu, Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo, Y Tý…Trong khi đó, một số trường tiểu học lại thừa giáo viên so với số lớp và số học sinh như Tiểu học Bản Qua, Tiểu học Cốc Mỳ, Tiểu học Y Tý… Để bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý giữa vùng thấp và vùng cao, giữa các cấp học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát dự kiến bổ nhiệm lại 9 cán bộ quản lý trường học, điều động 15 cán bộ quản lý (trong đó có 5 hiệu trưởng xuống làm phó hiệu trưởng), luân chuyển 10 giáo viên từ vùng cao về vùng thấp và 7 giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao công tác…

Đối với huyện Bảo Thắng, theo bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, năm học 2018 - 2019, công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường học cũng được chú trọng, nhằm đảm bảo việc dạy và học tại các trường. Theo đó, huyện Bảo Thắng sẽ điều động, bổ nhiệm 21 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; luân chuyển theo nguyện vọng 50 giáo viên, nhân viên; luân chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ 32 giáo viên. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, huyện điều động biệt phái 37 giáo viên bậc tiểu học, THCS xuống dạy ở bậc học mầm non. Ngoài ra, đầu năm học mới 2018 - 2019, huyện Bảo Thắng tiếp nhận 13 giáo viên ở các huyện khác luân chuyển về. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, ngay trong dịp hè vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Bảo Thắng đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho trên 2.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học. Trong thời gian bồi dưỡng, Phòng tổ chức hoạt động ngoại khóa trải nghiệm về văn hóa Việt Nam, thi sáng tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và đã thu được kết quả tốt, qua đó đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 17.170 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó: Mầm non có 4.829 người; tiểu học 6.872 người; THCS 4.224 người THPT: 1.785 người. Do việc sáp nhập các trường học, giảm 15 trường học và 168 lớp học, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 214 biên chế giáo viên.
Lào Cai có 100% viên chức các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn, trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành, trong đó trình độ trên chuẩn của bậc mầm non đạt 68,45%; tiểu học: 85,69%; THCS: 81,04%; THPT: 17,1%. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là toàn tỉnh còn thiếu 659 giáo viên (260 giáo viên mầm non, 166 giáo viên tiểu học, 194 giáo viên THCS, 39 giáo viên THPT) và trên 1.000 nhân viên các cấp học. Ông Phùng Minh Thái, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học này, việc xác định số biên chế và cơ cấu biên chế cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy đã được tỉnh tính toán cụ thể dựa trên cơ sở định mức hạng trường, số tiết giảng dạy thực tế. Do vậy, việc bố trí giáo viên sẽ hợp lý hơn về số lượng và cơ cấu giữa các bộ môn. Các huyện, thành phố đã xác định được các bộ môn thừa biên chế cần điều chỉnh giảm và bổ sung cho các bộ môn còn thiếu, nên cơ bản đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Thầy cô giáo vùng cao đến thôn, bản vận động học sinh ra lớp đầu năm học mới.

Trong dịp hè 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trường học cho hơn 700 cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục; chỉ đạo bồi dưỡng chuyên môn tập trung cho giáo viên, nhân viên trường học trước khi vào năm học. Toàn tỉnh có 200 giáo viên dạy môn tiếng Anh các cấp được bồi dưỡng chuyên môn, trong đó có 51 giáo viên tiểu học, 109 giáo viên THCS, 40 giáo viên THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, các cấp ủy huyện để chỉ đạo và tổ chức bồi dưỡng chính trị, công tác dân vận cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý tham gia bồi dưỡng tập trung đạt 97%. Một số trường THPT còn chủ động mời giảng viên của các trường đại học trực tiếp bồi dưỡng cho giáo viên.

Năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên trong năm học. Theo đó, 100% cơ sở giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng, 100% giáo viên có kế hoạch tự bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.  

TUẤN NGỌC
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập