ĐƯA SÁNG KIẾN VÀO THỰC TIỄN NHÀ TRƯỜNG

     Trước thực trạng nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận nhưng rất ít trong số đó được áp dụng vào thực tiễn, nhận thức được điều này, trường THPT số 4 Văn Bàn đã quyết tâm đưa các sáng kiến áp dụng phù hợp với điều kiện của nhà trường. Tôi chia sẻ ba ý tưởng trong một sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong thời gian vừa qua, đó là: Bếp thế hệ xanh; Chai năng lượng mặt trời kết hợp với giếng trời và Móc chống gió.

     Một số học sinh ở bán trú phải tự nấu ăn. Nhiều buổi trưa đi học về, các em không có thời gian nấu cơm, đôi khi bữa cơm chỉ là cơm trắng chan nước mắm hay bát ớt muối hoặc mì tôm, chất lượng bữa ăn của các em thường xuyên không đảm bảo. Trước tình hình đó, nhà trường xác định việc nấu ăn tập thể sẽ giúp học sinh có chế độ ăn uống hợp lý, có nhiều thời gian dành cho việc học tập. Tuy nhiên, khó khăn nhất là chi phí nấu ăn do việc dùng ga và điện rất tốn kém. Vấn đề đặt ra, làm sao phải tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh.

     Đầu năm học 2014- 2015, nhà trường đã trích kinh phí mua 02 bếp ga công nghiệp để nấu ăn tập thể. Hai tháng đầu dùng hoàn toàn bằng ga. Tuy nhiên, lượng ga sử dụng lớn (4-4,5 bình/tháng), kinh phí nấu ăn rất tốn kém, hoạt động tổ chức nấu ăn tập thể khó đảm bảo lâu dài. Để khắc phục vấn đề trên, nhà trường đã đưa giải pháp dùng Bếp thế hệ xanh. Bếp thế hệ xanh là bếp cháy từ trên xuống, đảm bảo ít khói bụi, nhiệt lượng cao, tiết kiệm củi, có thể tận dụng nguyên liệu từ rừng keo nhà trường và củi đóng góp của học sinh. Hai bếp thế hệ xanh được sử dụng chủ yếu để đun nước sôi nấu cơm, nấu canh; bếp ga đóng vai trò hỗ trợ những khi trời mưa, hết củi hoặc việc nấu nướng cần gấp. Sau khi áp dụng giải pháp trên, lượng ga tiêu thụ đã giảm rất nhiều. Chi phí tiết kiệm được bổ sung vào khẩu phần của học sinh. Giải pháp này còn giúp cho các em rèn lối sống tích cực, tiết kiệm hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường thông qua các ứng dụng đơn giản.

     Giai đoạn 2011-2015, nhà trường có 10 lớp phải học ở phòng học tạm do địa phương hỗ trợ dựng lên. Về mùa đông, những lớp học này rất tối, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh. Để đủ ánh sáng, nhà trường đã đưa ra phương án mỗi lớp lắp 06 đèn năng lượng mặt trời. Tận dụng các chai nhựa trắng như chai coca-cola, rửa sạch và cho thêm thuốc tẩy javen để tránh rêu mốc, lắp đặt trên mái nhà (ảnh minh họa). Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, học sinh được trải nghiệm khoa học và ý thức về sự tiết kiệm, có trách nhiệm với môi trường sống.

emoticon
Để giảm thiểu thiệt hại từ tác động gió lớn lên cửa kính các phòng học, nhà trường đã sáng tạo ra Móc chống gió và lắp đặt cho các phòng học (cửa chính, cửa sổ). Móc chống gió có dạng hình chữ T đơn giản, được bọc thêm lớp nhựa hoặc vải để tránh xước sơn cửa. Móc sẽ ép sát, ép chặt thành của cánh cửa với thành khung, tránh được gió đập. Điều đặc biệt ở đây là mỗi chiếc móc rất nhỏ và đơn giản, dễ làm, rẻ tiền (1500đ- 2000đ/chiếc). Việc ứng dụng móc chống gió đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ cơ sở vật chất trường học.

   Các giải pháp trên góp phần bảo vệ môi trường, tài sản giải quyết một phần khó khăn về kinh tế cho học sinh, nhà trường. Các giải pháp này có thể nhân rộng và áp dụng hiệu quả.

Một số kinh nghiệm đươc rút ra từ việc triển khai trên là:

   1. Lãnh đạo nhà trường luôn phải có quyết tâm đổi mới, lợi ích của học sinh, tập thể nhà trường.

   2. Tập thể đoàn kết, dân chủ, dám nhìn nhận và phát hiện ra những bất hợp lí trong thực tế, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết.

  3. Xây dựng được tập thể học tập, luôn tìm tòi, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống.

   4. Các giải pháp sáng kiến đưa ra phải phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường và được áp dụng hiệu quả.

   5. Thường xuyên động viên, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kinh phí kịp thời,.../.

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập