Giới thiệu xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Nhằm trao quyền chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục thông qua việc đối chiếu, rà soát nội dung giữa các môn học để điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng cấp học. Năm học 2014 – 2015, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục nhà trường cấp THCS, cấp THPT (văn bản số 1266/SGD&ĐT-GDTrH ngày 10/9/2014).

            Một số nội dung cần lưu ý:

1. Nhiệm vụ: Các nhà trường thực hiện 3 nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.

2. Xây dựng kế hoạch giáo dục cần đảm bảo các nguyên tắc:

Nâng cao được kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; học sinh được cung cấp kiến thức, kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; được hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực.

Đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học và các hoạt động giáo dục.

Tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục không ít hơn thời lượng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; hoàn thành kế hoạch theo biên chế thời gian năm học.

Đảm bảo tính phù hợp, khả thi với đối tượng và điều kiện cụ thể của từng trường.

            3. Các hoạt động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Rà soát nội dung trong chương trình, sách giáo khoa; Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong chương trình theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; Xây dựng các chủ đề liên môn (bao gồm các nội dung dạy học chưa được xây dựng trong chương trình các môn học hiện hành).

            4. Quy trình thực hiện:

Bước 1: Các trường tổ chức cho tổ, nhóm chuyên môn triển khai thực hiện các nội dung trên; dự thảo kế hoạch điều chỉnh nội dung dạy học, kế hoạch dạy học (phân phối chương trình) và kế hoạch hoạt động giáo dục chung của nhà trường; đề xuất giáo viên dạy học các chủ đề liên môn.

Bước 2: Hiệu trưởng tổng hợp, tổ chức thảo luận thống nhất trong Hội đồng giáo dục nhà trường.

Bước 3: Các tổ, nhóm chuyên môn điều chỉnh sau khi được góp ý.

Bước 4: Hiệu trưởng phê duyệt ban hành kế hoạch (có quyết định phê duyệt) và tổ chức thực hiện.

5. Sản phẩm: Quyết định ban hành Kế hoạch giáo dục của Hiệu trưởng. Cấu trúc của bản kế hoạch gồm: Phân phối chương trình; nội dung dạy học (các nội dung điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế, các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn); hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

6. Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực:

Về phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục: Vận dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh; từ đó hình thành và phát triển năng lực học sinh. Đa dạng hình thức tổ chức dạy học: Dạy học dự án, dạy học nghiên cứu, dạy học trải nghiệm,...

Vê đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh: Vận dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng coi trọng phát triển năng lực học sinh; khuyến khích học sinh tự đánh giá và tham gia đánh giá lẫn nhau; có thể phối hợp với cha mẹ học sinh trong quá trình đánh giá,...

7. Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục: Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục theo các quy định hiện hành và theo Kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh của nhà trường; tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện cấu trúc nội dung, phân phối chương trình, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua hội thảo, hội nghị, học tập, giao lưu giữa các nhà trường.

8. Các trường chỉ đạo điểm: Các trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, THPT: số 1 Bát Xát, số 1 Bắc Hà; THCS Bảo Nhai (Bắc Hà), THCS Phố Ràng 1 (Bảo Yên), THCS Thị trấn Mường Khương (Mường Khương),...

Ví dụ minh họa về xây dựng chủ đền liên môn – tích hợp:

Ví dụ 1: Trong chương trình Ngữ văn 12: Tên bài dạy: “Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12/2003” (1 tiết), có thể dạy học tích hợp - liên môn với môn Sinh học, cụ thể:

Nội dung tích hợp: Sự nhân lên virut trong tế bào chủ (mục II. HIV-AIDS).

Mục tiêu cần đạt: Thấy được tầm quan trọng và sự bức thiết của công cuộc phòng chống HIV - AIDS đối với toàn nhân loại và mỗi cá nhân. Cảm nhận được sức thuyết phục to lớn của bài văn.

Ví dụ 2: Trong chương trình Giáo dục công dân lớp 7: Bài 15 (Bảo vệ di sản văn hóa) có thể xây dựng chủ đề dạy học liên môn – tích hợp với Bài 28 (Sự phát triển của văn hóa dân tộc cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX) môn Lịch sử   

Hình thức: Tích hợp nội dung bài học môn GDCD vào bài học môn Lịch sử; giáo viên lịch sử thực hiện hoạt động dạy học (trong 2 tiết).

            Mục tiêu: Học sinh biết được những thành tựu văn hóa của dân tộc cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX; được giáo dục tinh thần tự hào về nền văn hóa mang nhiều bản sắc của dân tộc; đồng thời được giáo dục về trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa và biết những quy định của pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa. Số tiết dư do thực hiện tích hợp nội dung dạy học (02 tiết): Tổ chức để học sinh được tìm hiểu thực tế tại một số di tích, di sản văn hóa ở địa phương (dưới hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo) hoặc sử dụng để bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu và các hoạt động khác.

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập