Học kỹ năng sống như thế, liệu có ổn?

Mới đây, khi đưa con đến trường tham gia hoạt động trải nghiệm, tôi giật mình trước kỹ năng sống của học sinh tiểu học. Chuyện là thế này, khi giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh xếp hàng ngay ngắn để điểm danh, các cháu thực hiện rất chuẩn mực. Sau đó, cô giáo bảo học sinh lên xe ô tô, thì tất cả như “ong vỡ tổ”, chen chúc, xô đẩy nhau, cháu nào nhanh chân thì lên trước, thậm chí có cháu bị xô ngã trước bậc lên xuống trong sự bất lực của giáo viên. Phụ huynh phải “vào cuộc” thì các cháu mới tìm lại được chuẩn mực như khi xếp hàng.

Trong khi đó, qua phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ tôi và nhiều người biết câu chuyện đầy cảm động về một cậu bé người Nhật Bản. Cách đây 7 năm, sau trận sóng thần khủng khiếp, rất nhiều người Nhật gặp hoạn nạn, trông chờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Trong hàng người ở Fukushima chờ phát thực phẩm, có một cậu bé khoảng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi, trong khi trời rất lạnh. Do xếp cuối hàng, sợ đến lượt cậu bé thì không còn thức ăn, nên một tình nguyện viên đến hỏi thăm, đồng thời cởi áo khoác của mình để choàng lên cơ thể cậu bé. Vô tình, túi lương khô - khẩu phần ăn tối của tình nguyện viên rơi ra ngoài. Tình nguyện viên nhặt lên đưa cho cậu bé và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn. Khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn, rồi cầm túi lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm đang phân phát, rồi quay lại xếp hàng. Tình nguyện viên hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó? Cậu bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng, chú ạ”.

Đưa ra hai câu chuyện để thấy, rõ ràng cần phải xem lại cách giáo dục kỹ năng sống tại trường học. Một chuyên gia tâm lý của Trung tâm chăm sóc tinh thần ý tưởng Việt cho rằng, hiện nay thuật ngữ kỹ năng sống được sử dụng phổ biến, thậm chí bị “lạm dụng” trong khi chính những người truyền đạt tới học sinh cũng chưa thật hiểu về kỹ năng sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới, kỹ năng sống giúp học sinh tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp, ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông.

Thay vì dạy học sinh những kiến thức về kỹ năng sống mang nặng sách vở, hãy kể cho các cháu về câu chuyện cậu bé 9 tuổi người Nhật Bản sẽ hiệu quả hơn nhiều và chắc chắn rằng sẽ không có chuyện học sinh ở trường tiểu học kia chen lấn, xô đẩy chính bạn mình để lên xe.

    KIỀU LÊ
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập