Lào Cai: Dạy trẻ mẫu giáo đi giữa đường mòn để tránh rơi xuống vực.

 

Từ năm học 2002 - 2003, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai bắt đầu triển khai giáo dục pháp luật ATGT đến tất cả các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với hệ thống các trường mầm non, ngành giáo dục đã thực hiện lồng ghép với chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình này, Sở đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo đến 177 trường mầm non trong toàn tỉnh. Đồng thời sâu sát việc lập kế hoạch chuyên đề, xây dựng các tiêu chí đánh giá chuyên đề sao cho các trường, các lớp thực hiện có hiệu quả việc tích hợp nội dung giáo dục ATGT vào các chủ điểm và các nội dung hoạt động của chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non.
Một tiết học ATGT ở trường mầm non Hoa Hồng (TP Lào Cai).
Đối với các lớp mẫu giáo lớn, chủ đề ATGT là chương trình điểm được giảng dạy liên tục từ 3 đến 4 tuần trong tháng 3 hàng năm. Nội dung chủ đề "Phương tiện và Luật giao thông" trong trường mầm non cung cấp cho trẻ phù hợp với nhận thức độ tuổi và từng vùng; xoay quanh một số nội dung, như đặc điểm của một số phương tiện giao thông; các loại phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không; các thiết bị của phương tiện (còi, đèn, phanh và hệ thống biển báo đèn tín hiệu…); Luật Giao thông quy định đối với người đi bộ, đi tàu xe, không cản trở giao thông và vui chơi an toàn…
Đến nay, đã có trên 31 nghìn trẻ được giáo dục pháp luật ATGT, trong đó có hơn 1.500 cháu ở độ tuổi nhà trẻ, gần 30 nghìn cháu ở độ tuổi mẫu giáo.
Bên cạnh việc bám sát nội dung giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục Lào Cai còn đưa thêm nhiều nội dung giáo dục an toàn giao thông ở vùng cao để phù hợp với điều kiện tình hình của từng địa phương. Cụ thể, khi trẻ đi học phải có người lớn chở bè, mảng đưa qua suối, sông; đi vào lề đường rừng, đèo bên phải; đi vào giữa đường mòn để tránh rơi xuống vực…
Các bài học được truyền tải qua những dụng cụ trực quan sinh động hoặc qua các trò chơi đóng kịch, đóng vai để thực hành những tình huống về an toàn giao thông.
Hàng năm, Sở GD và ĐT đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp giáo dục pháp luật an toàn giao thông theo đối tượng, theo vùng vào các đợt bồi dưỡng hè, bồi dưỡng thường xuyên trong năm cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.
Đến nay, đã có gần 2.900 cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng về pháp luật ATGT, đạt 100%.
Công tác này còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ phía các ngành chức năng, phụ huynh học sinh, nhất là Ban An toàn giao thông tỉnh, Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Lào Cai.
Bên cạnh đó, các trường còn phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT khu vực cổng trường. Vận động phụ huynh học sinh gương mẫu chấp hành Luật Giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ.
Một trong những điểm sáng về giáo dục pháp luật an toàn giao thông mầm non tại thành phố Lào Cai là trường mầm non Hoa Hồng. Ngoài những đồ dùng học tập do các giáo viên tự làm, năm 2007, trường mầm non Hoa Hồng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp 1 bộ mô hình ATGT.
Nhờ có mô hình này, các em học sinh được thực hành tham gia giao thông qua những tình huống cụ thể, bằng những phương tiện sinh động, từ đó các em có những nhận thức chính xác về các phương tiện giao thông, đồng thời hiểu được khi tham gia giao thông thế nào là đúng, thế nào là sai.
Cô Phạm Thị Phượng, giáo viên trường mầm non Hoa Hồng cho biết: Nhờ có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, cô và các đồng nghiệp đã tạo được hứng thú học tập cho các em học sinh qua những tiết học về an toàn giao thông rất sinh động bằng tranh, ảnh, phim video, sa hình giao thông…
Trường mầm non tư thục Việt Hà (thành phố Lào Cai) mới đi vào hoạt động nhưng đã triển khai giáo dục pháp luật ATGT ở mức độ phù hợp với các độ tuổi 24 đến 36 tháng, lớp nhà trẻ và lớp mẫu giáo với các nội dung bám sát chương trình yêu cầu của Bộ. Nhằm làm phong phú thiết bị dạy học, các cô giáo ở đây còn tích cực tự tạo ra các đồ dùng học tập phục vụ giảng dạy như vẽ tranh về các phương tiện giao thông; tự tạo các mô hình về giao thông như các biển báo, hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh chuẩn bị các phương tiện giao thông như xe đạp, xe ô tô điện… để tạo điều kiện cho các em được tham gia hoạt động giao thông ngoài sân trường. Tiết học về an toàn giao thông trở thành tiết học thu hút được sự quan tâm không chỉ của các cô mà các cháu học sinh cũng vô cùng hứng thú.
Một buổi dã ngoại của các cháu trường mầm non tư thục Ánh Tuyết (TP Lào Cai).                                                               Ảnh: Phạm Đức
Giáo dục pháp luật an toàn giao thông đã thực sự trở thành bài học không thể thiếu và cũng rất sinh động ở các trường mầm non ở Lào Cai. Qua những bài học sáng tạo và cụ thể, trẻ em đã trở thành những tuyên truyền viên nhỏ tuổi cho xã hội về ý thức chấp hành pháp luật ATGT từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi trưởng thành và trở thành chủ nhân khi tham gia giao thông./.
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập