Mô hình “Trồng một cây, nuôi một con” nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, tỉnh Lào Cai
Mục tiêu của giáo dục mầm non (GDMN) là giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một. Để trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh ngay từ những năm tháng đầu đời cần phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thời gian hoạt động, ăn, ngủ của trẻ ở trường mầm non chiếm tỷ lệ khá lớn so với thời gian trong ngày. Vì vậy, cùng với gia đình, nhà trường có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. 
Từ năm học 2013-2014 Sở GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện mô hình “Trồng một cây nuôi một con” trong tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh với quy trình và cách thức tổ chức thực hiện như sau:
1. Định hướng mô hình
  Xây dựng mô hình "Trồng một cây, nuôi một con" phải gắn liền với xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non của mỗi nhà trường, với mục tiêu đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ; mục tiêu “Lấy trẻ làm trung tâm”. Đồng thời thông qua mô hình làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, các ngành, cộng đồng, các bậc phụ huynh trong việc thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non mới nhằm cùng chung tay tạo dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn phù hợp đối với trẻ mầm non; Góp phần cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
  Căn cứ quỹ đất hiện có hoặc tham mưu để mở rộng quỹ đất với những nơi có điều kiện để quy hoạch sân, vườn, chuồng. Trường chính và điểm trường đều phải có khuôn viên, có vườn cây của bé, có cây xanh bóng mát, cây ăn quả, cây cảnh... được chăm sóc thường xuyên và xanh tốt quanh năm. Tùy thuộc vào địa hình, khí hậu từng vùng miền để nhà trường lựa chọn những cây trồng và con vật nuôi cho phù hợp với từng mùa đồng thời phải đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn cho trẻ. Đối với những cơ sở GDMN chật, hẹp không có điều kiện nuôi ở trường có thể có hình thức nuôi tại gia đình. Ban đại diện cha mẹ trẻ là đầu mối tổ chức phân công phụ huynh trong trường luân phiên chăm sóc, nuôi trồng và cung cấp sản phẩm cho nhà trường.
  Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ thông qua mô hình nhất là trẻ 5 tuổi, 4 tuổi được tham quan trải nghiệm gắn liền với việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức Hội, Đoàn thể, các ban ngành trong địa bàn cùng chăm lo, xây dựng mô hình, tạo cảnh quan cho các nhà trường.

Vườn rau tại Trường mầm non Bông Sen - huyện Bảo Thắng
  2. Tổ chức thực hiện mô hình
  Bước 1: Các nhà trường tổ chức tuyên truyền rộng rãi, triển khai mô hình trong đó chú trọng, tạo đồng thuận cao trong phụ huynh thông qua các cuộc họp phụ huynh của trường.
  Bước 2: Thực hiện quy hoạch khuôn viên trong trường (vị trí, diện tích trồng rau, trồng cây; chuồng nuôi gia súc, gia cầm…)
  Bước 3: Xác định quy mô thực hiện mô hình gồm: loại rau; cây ăn quả; cây ăn củ; các con vật nuôi… cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, diện tích.
  Bước 4: Phát động ủng hộ cây, con giống hoặc kinh phí để mua giống (ở những nơi phụ huynh có điều kiện).
  Bước 5: Tổ chức thực hiện nuôi, trồng, chăm sóc.
  Bước 6: Thu hoạch, khai thác, chế biến sản phẩm (lưu ý: cần kết hợp thêm với nguồn thực phẩm đảm bảo từ thị trường nếu sản phẩm mô hình không đủ để cân đối về dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ theo từng độ tuổi).
  3. Áp dụng mô hình vào hoạt động giáo dục trên lớp cho trẻ theo chủ đề
Các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch tuần, tháng tổ chức các hoạt động phù hợp với nội dung mô hình trường đang triển khai. Cho trẻ được sử dụng các sản phẩm từ mô hình thông qua hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh như: trẻ làm quen các loại rau, củ, quả ở chủ đề thế giới thực vật; cho trẻ làm quen các con vật ở chủ đề thế giới động vật; cho trẻ làm quen các món ăn chế biến từ các sản phẩm mô hình ở chủ đề bản thân… Giáo viên cần tìm hiểu trong trường mình có cây gì, con gì? Đặc điểm thế nào? Từ đó xây dựng kế hoạch vận dụng những cây, con đó để cung cấp kiến thức cho trẻ.
4. Áp dụng mô hình vào hoạt động giáo dục ngoài trời:
Tổ chức cho trẻ vui chơi, quan sát, tham gia chăm sóc cây trồng, con vật nuôi qua đó hình thành cho trẻ ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên, giáo dục thẩm mỹ…Tuy nhiên, giáo viên lưu ý cần đảm bảo an toàn và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ sau khi trẻ tham gia chăm sóc cây trồng và các con vật nuôi.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, mô hình đã lan tỏa rộng khắp, toàn diện tới toàn xã hội và cộng đồng. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục mầm non nói chung và công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nói riêng của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhân dân được nâng lên; huy động sự vào cuộc của nhân dân, các lực lượng xã hội vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, đặc biệt là việc ủng hộ đóng góp cây, con giống, ngày công để cùng nuôi, trồng trong nhà trường tạo sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. 
Cảnh quan trường, điểm trường có sự thay đổi rõ rệt; sạch, xanh, đẹp, thân thiện và tạo được sức hấp dẫn trẻ em đến trường. Trẻ em có môi trường giáo dục tốt hơn để học tập, vui chơi; 100% trẻ ăn bán trú tại trường được sử dụng sản phẩm sạch từ mô hình; được cải thiện hợp lý về dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, các hoạt động trải nghiệm qua mô hình trực quan, sinh động hơn... từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện ở bậc học mầm non trong toàn tỉnh./.

Dương Bích Nguyệt, PGĐ Sở GD&ĐT


Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập