MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM TRONG TRƯỜNG THPT

       Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) giữ vai trò quan trọng thực hiện mục tiêu, kế hoạch giáo dục của nhà trường trong một lớp học. Theo đó, các nhà trường đã tìm nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác chủ nhiệm: thành lập tổ chủ nhiệm; xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên về công tác chủ nhiệm; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động của tổ chủ nhiệm... Để nâng cao hiệu quả quản lý công tác chủ nhiệm, các trường cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

     1. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chủ nhiệm: Thay vì GVCN nhận xét cuối tuần, kiểm điểm học sinh... bằng cách cho các tổ trong lớp tự nhận xét, đánh giá về ý thức, kết quả học tập, xếp loại về hạnh kiểm. Tổ chức các hình thức đổi mới giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề. Mỗi tổ đảm nhận một chương trình trong tiết sinh hoạt lớp. Hình thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng và khả năng của học sinh. Học sinh được làm chủ chương trình, được trải nghiệm sáng tạo, chủ động trong xây dựng, phân công nhiệm vụ cho các tổ viên đến tổ chức thực hiện kế hoạch. Phát huy vai trò tự chủ, tự quản, tự tổ chức của học sinh.

     2. Nâng cao năng lực của GVCN thông qua hoạt động bồi dưỡng năng lực làm công tác chủ nhiệm cho giáo viên. GVCN không chỉ là người nắm vững tình hình lớp, hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách, khả năng từng học sinh mà GVCN còn phải là một “tư vấn viên”, là người có kỹ năng giao tiếp, đối thoại, thuyết phục và tuyên truyền vận động. Tổ chức thi GVCN giỏi; nâng cao khả năng tự học, tự bồi dưỡng trong giáo viên, đề ra các chuyên đề bồi dưỡng để giáo viên lựa chọn hoặc cho giáo viên đăng kí những chuyên đề mà họ thấy cần thiết, tập hợp và lập kế hoạch bồi dưỡng.

     3. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể, các giáo viên bộ môn trong giáo dục học sinh: Thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và thông báo kịp thời với cha mẹ học sinh. Tranh thủ sự đóng góp ý kiến của cha mẹ học sinh về phương pháp giáo dục, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, xây dựng nhà trường. Tuỳ theo tính chất của từng hoạt động để vận động, kêu gọi cha mẹ học sinh hỗ trợ, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất, tham gia tổ chức các hoạt động, cùng quản lý con em mình với GVCN. Phối kết hợp với các đơn vị hành chính trên địa bàn, các trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở... tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động sự kiện, trải nghiệm sáng tạo. Nhà trường phân công trách nhiệm cho từng khối, nhóm lớp, tổ, nhóm chuyên môn, tuỳ thuộc vào đặc điểm chuyên môn của tổ, nhóm mình để xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động cho lớp chủ nhiệm. Sau mỗi tiết học, ngày học GVCN nắm bắt thông tin về học sinh qua giáo viên bộ môn.

     4. Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong từng giai đoạn thực hiện: Việc đánh giá rút kinh nghiệm phải được thực hiện từ cơ sở: Từ lớp học, các bộ phận phụ trách; lấy ý kiến của học sinh, giáo viên và tổ chú nhiệm. Tổ chủ nhiệm xây dựng lực lượng kiểm tra bao gồm: lãnh đạo nhà trường, đại diện các GVCN giỏi, đại diện Đoàn thanh niên, Công đoàn, tổ chuyên môn. Nhiệm vụ: theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các Chi đoàn; của GVCN, lớp chủ nhiệm.          Kết quả đánh giá hoạt động tổ chủ nhiệm là một tiêu chí thi đua quan trọng của tập thể, cá nhân để xếp loại thi đua cho cả năm học.

     5. Xây dựng các tiêu chí thi đua gắn với việc đánh giá xếp loại GVCN:

Tuần đầu tiên của tháng 8 tổ chức cho giáo viên toàn trường tiếp thu nội dung tổ chức hoạt động của tổ chủ nhiệm, kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, kế hoạch hoạt động GDNGLL của năm học do giáo viên cốt cán đã đi tập huấn hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi triển khai; Xây dựng tiêu chí thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức hoạt động của tổ chủ nhiệm đối với giáo viên, học sinh trong học kỳ và cả năm học. Các giáo viên được giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp, học sinh các lớp được học nội qui, Điều lệ trường học từ Tuần hoạt động tập thể; được thảo luận về các tiêu chí thi đua, điểm thi đua của lớp. Trong đó, nền nếp, việc tổ chức các hoạt động, quản lý Sổ ghi đầu bài, Sổ gọi tên ghi điểm, số lượng, chất lượng giải trong các kỳ thi, cuộc thi, chất lượng hai mặt giáo dục... là các căn cứ đánh giá xếp loại lớp chủ nhiệm. Kết quả đánh giá, xếp loại lớp chủ nhiệm là căn cứ đánh giá, xếp loại giáo viên về công tác chủ nhiệm.

Chi bộ, nhà trường giao cho lớp trực tuần, GVCN lớp trực tuần, Ban chấp hành Đoàn trường theo dõi, đánh giá. Cuối tuần, công khai kết quả thi đua trên bảng tin và hệ thống Gmail toàn trường.

       Căn cứ vào điều kiện của nhà trường, chúng tôi đã lựa chọn các tiêu chí và qui định về cách chấm điểm thi đua của lớp chủ nhiệm như sau:

     1. Qui định về tổng điểm: Mỗi lớp thực hiện tốt Nội qui học sinh được 100 điểm. Điểm thi đua xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.

     2. Qui định về điểm thưởng: Đối với lớp Chất lượng cao: Mỗi giải trong các kỳ thi, cuộc thi được tính như sau: Giải cấp tỉnh: giải Nhất cộng 5 điểm, giải Nhì cộng 3 điểm, giải Ba cộng 2 điểm, giải Khuyến khích cộng 1 điểm. Đối với các lớp đại trà: Điểm cộng cho mỗi giải được nhân đôi; Cấp quốc gia: giải Nhất cộng 10 điểm, giải Nhì cộng 9 điểm, giải Ba cộng 7 điểm, giải Khuyến khích cộng 5 điểm. Điểm thưởng cho HS giỏi: Các lớp chất lượng cao, cộng 5 điểm cho 1 HS giỏi, cộng 3 điểm cho HS tiên tiến; Lớp đại trà, điểm cộng được nhân đôi.

     3. Qui định về điểm trừ

     3.1. Thực hiện giờ truy bài:( 3 điểm/ ngày, điểm cả tuần là điểm trung bình cộng của các ngày trong tuần): Yêu cầu: Sĩ số đầy đủ, đúng giờ, ổn định nền nếp, tự quản tốt, ghi sĩ số trên góc bảng. Vệ sinh sạch sẽ, đúng giờ. Thực hiện nghiêm túc qui định trong giờ truy bài. Thực hiện không tốt: Mất trật tự trong giờ truy bài, HS đi lại tự do, nói chuyện riêng... trừ 1 điểm. Vệ sinh muộn hoặc vệ sinh bẩn: trừ 0,5 điểm. Lớp không đổ rác: trừ 0,5 điểm. Không ghi sĩ số trên góc bảng: trừ 0,5 điểm. Mở cửa lớp muộn : trừ 1,0 điểm. Không thực hiện đúng quy định (không tập hát khi có kế hoạch): trừ 2 điểm. Có HS đánh nhau, nói tục, mang hung khí đến lớp: trừ 3 điểm. HS ăn quà trong lớp: trừ 0,5 điểm/ 1 học sinh. Một học sinh sử dụng điện thoại trong giờ truy bài: trừ 1,0 điểm.

    3.2. Thực hiện nội quy nền nếp đầu giờ, cuối giờ, giờ ra chơi. Trực Cổng trường giao thông an toàn (3 điểm/ ngày, điểm cả tuần là điểm trung bình cộng của các ngày trong tuần): Thực hiện tốt nội quy HS: 3 điểm. Thực hiện không tốt: Có 1 HS đi học muộn: trừ 0,5 điểm. HS vi phạm một trong số các lỗi (mặc áo không có logo của nhà trường, không sơ vin, đi dép lê: trừ 0, 25 điểm/1hs. Mặc quần bó, quần bò, nhuộm tóc, vuốt keo: trừ 0,5 điểm/1 HS); Có 1 HS gửi xe đạp ngoài trường: trừ 0,5 điểm; Có HS vi phạm luật giao thông (vượt đèn đỏ, không đội mũ, đi xe đạp cầm ô...): trừ 3 điểm. Phá hàng rào giao thông: trừ 1,0 điểm; Có HS hút thuốc lá : trừ 3 điểm; Có học sinh đi xe đạp trong sân trường: trừ 0,25 điểm. Cờ đỏ trực nền nếp nộp sổ muộn hoặc không nộp sổ: trừ 0,5 điểm. Bỏ trực cờ đỏ: trừ 1,0 điểm.

     3.3. Chấm điểm giờ chào cờ ( 3 điểm): Thực hiện tốt: 3 điểm; Thực hiện chưa tốt: Không khóa cửa chính: trừ 1 điểm. Không tắt điện, quạt: trừ 0,5 điểm. Không đủ ghế ngồi: trừ 0,25 điểm/1 học sinh. Cả lớp không có ghế: trừ 3,0 điểm. Có học sinh vi phạm: Mất trật tự, ý thức kém: trừ 0,5 điểm/ 1 học sinh. Tập trung muộn: trừ 1 điểm.

      3.4. Chấm điểm thể dục giữa giờ (3 điểm): Thực hiện tốt: 3 điểm; Thực hiện chưa tốt: Xếp hàng chậm (muộn): trừ 1 điểm. Học sinh tập thể dục chưa nghiêm túc hoặc chưa đều: trừ 1 điểm. Có học sinh trốn thể dục: trừ 0,25 điểm/1 học sinh.

     3.5. Chấm điểm tổ chức các hoạt động đổi mới giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần và tham gia các hoạt động NGLL (3 điểm): Thực hiện tốt: 3 điểm; thực hiện chưa tốt: Duyệt kịch bản chậm (muộn): trừ 1 điểm; nội dung chưa sâu sắc: trừ 1 điểm; chưa có tính nghệ thuật: trừ 1 điểm.

      3.6. Chấm điểm việc thực hiện giờ học chính khóa (3 điểm): Thực hiện tốt: 3 điểm; thực hiện chưa tốt, giờ học khá: trừ 1 điểm; Giờ trung bình: trừ 2điểm; Giờ học yếu: trừ 3 điểm./.
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập