Nỗi niềm giáo viên hợp đồng
Cô giáo Triệu Thị Thanh Hoa dạy cùng lúc 2 trường tiểu học trên địa bàn xã Thanh Bình.

Cô giáo Triệu Thị Thanh Hoa, hiện là giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học số 1 Thanh Bình. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm từ năm 2015, năm học 2016 - 2017, cô là giáo viên hợp đồng tại Trường THCS La Pán Tẩn, sau đó 1 năm, cô làm đơn xin nghỉ vì vướng bận việc gia đình. Năm học 2018 - 2019, cô mới lại có cơ hội đứng lớp khi chỉ tiêu giáo viên dạy tiếng Anh tại Mường Khương thiếu. Ngoài công việc chính là dạy tiếng Anh cho học sinh các lớp 3, 4, 5 tại Trường Tiểu học số 1 Thanh Bình và thực hiện các công việc khác do nhà trường phân công, cô Hoa còn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường sang dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học số 2 Thanh Bình do trường này chưa có giáo viên tiếng Anh. Công việc vất vả, nhưng cô Hoa luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với mong muốn mình có cơ hội được tuyển dụng chính thức. Tuy nhiên, từ mong muốn đến thực tế còn khoảng cách xa, trước mắt chỉ vài tháng nữa là cô hết hợp đồng.

Với những giáo viên khác, hè là dịp để nghỉ ngơi, thì với những giáo viên hợp đồng như cô Hoa là những tháng ngày thấp thỏm chờ đợi không biết năm học sau mình sẽ ra sao, có được ký hợp đồng tiếp không, nếu có cũng không biết mình sẽ được phân công đi đâu, liệu có sắp xếp được công việc gia đình để bám trường, bám lớp. Cô Hoa tâm sự: Ngày ra trường, cũng có một số doanh nghiệp du lịch ở thành phố Lào Cai cần hướng dẫn viên tiếng Anh ngỏ ý tạo cơ hội cho mình về làm việc, nhưng mình chỉ muốn được đứng trên bục giảng.

Rời Trường Tiểu học số 1 Thanh Bình, chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS La Pán Tẩn đúng lúc cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên hợp đồng dạy Toán bắt đầu tiết dạy mới với học sinh lớp 8. Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, tốt nghiệp sư phạm năm 2014, cầm hồ sơ đi xin việc ở nhiều nơi, nhưng phải đến năm học 2018 - 2019, cô mới được nhận vào dạy hợp đồng tại trường vùng cao này. Là 1 trong 2 giáo viên dạy Toán của trường, nên lịch lên lớp của cô gần như kín tuần, bên cạnh đó, cô còn tham gia quản lý học sinh bán trú theo sự chỉ đạo của nhà trường. Cô giáo Hà Thị Hải Yết, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trong phân công công việc không phân biệt giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng, tất cả đều đảm nhiệm phần việc theo quy định chung.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc trong giờ lên lớp.

Công tác xa nhà, công việc vất vả, nhưng cô Nguyễn Thị Ngọc luôn hết lòng với nghề nghiệp đã chọn, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện, cô là một trong những giáo viên cốt cán của nhà trường, luôn được Ban Giám hiệu đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm và năng lực công tác. Tuy nhiên, cũng chung tâm trạng với những giáo viên hợp đồng khác, cô Ngọc luôn làm việc trong tâm trạng thấp thỏm, bởi không biết năm học tới, mình còn có cơ hội đứng lớp không. Thầy giáo Nguyễn Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS La Pán Tẩn, cho biết: Chúng tôi rất mong muốn các giáo viên như cô Ngọc được tuyển dụng chính thức và công tác tại trường, bởi điều đó không chỉ giúp các cô yên tâm công tác, mà còn giúp công việc chuyên môn của nhà tường tốt hơn. Bởi thực tế việc tuyển dụng, luân chuyển, điều động giáo viên hợp đồng hằng năm khiến cho công tác rèn luyện, bồi dưỡng học sinh gặp nhiều khó khăn, giáo viên mới lại phải mất thời gian làm quen môi trường mới, không theo các em học sinh một thời gian dài nên không hiểu sức học, tâm lý các em bằng giáo viên gắn bó lâu năm.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Khương, cho biết: Năm học 2018 - 2019, tổng biên chế giao cho ngành giáo dục và đào tạo huyện là 1.742, sau đó điều chỉnh còn 1.713 biên chế. So với định mức giao, hiện còn thiếu 68 biên chế, bao gồm cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Từ yêu cầu về chuyên môn của các nhà trường trên địa bàn, huyện đã ký hợp đồng với 22 giáo viên, chủ yếu ở các môn Tin học, tiếng Anh và một số môn văn hóa khác do thi tuyển chưa đủ.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Các giáo viên hợp đồng có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo huyện. Phòng ký hợp đồng với giáo viên theo năm học bắt đầu từ tháng 9 đến 31/5 hằng năm. Các giáo viên hợp đồng đều được hưởng đầy đủ chế độ như giáo viên biên chế. Trong tuyển dụng, chúng tôi sẽ ưu tiên những thầy cô giáo có trình độ chuyên môn tốt, có thời gian cống hiến cho ngành.

Tiếng trống trường vang lên và những thầy cô giáo hợp đồng vẫn cần mẫn đứng trên bục giảng, vẫn hằng ngày bám trường, bám lớp gieo con chữ trên non cao để con em đồng bào các dân tộc có cơ hội thay đổi cuộc sống, nhưng chính các thầy cô cũng chưa biết rồi đây công việc của mình sẽ ra sao…

MẠNH DŨNG
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập