Sáp nhập điểm trường - hướng tới hiệu quả và chất lượng. Kỳ 1: Xóa điểm trường lẻ

“Chung về một mối”

Điểm trường Văng Leng là điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố (huyện Mường Khương), có 100% học sinh là người dân tộc Nùng. Học sinh ở đây đa số nhút nhát và chưa thể nói lưu loát tiếng phổ thông, làm hạn chế tiếp thu bài giảng. Tuy nhiên, để đưa học sinh về điểm trường chính lại là vấn đề khó đối với nhà trường. Từ điểm trường Văng Leng đến điểm trường chính phải đi hơn 20 km đường rừng, trong khi tâm lý cha mẹ học sinh ngại cho con nhỏ đi đường xa và lo lắng về nơi ăn, ở khi con phải học xa nhà. Theo thầy giáo Hà Đại Lâm, giáo viên nhà trường, đa số phụ huynh không đồng tình cho con học tại điểm trường chính bởi cho rằng “chỉ cần học chữ thì điểm trường nào cũng như nhau”.

Đảm bảo cơ sở vật chất, trang - thiết bị dạy và học là điều kiện quan trọng để thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học.

Để có được sự đồng thuận của phụ huynh, các thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên đến từng nhà học sinh vận động với mục tiêu “mưa dầm thấm lâu” và nhà trường đã mời phụ huynh tham quan nơi ăn, ở của các em để họ yên tâm. Nhờ sự quyết tâm và tấm lòng vì học sinh, các thầy cô Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố đã tuyên truyền, vận động phụ huynh đồng thuận. Với những gia đình không có điều kiện, thầy cô còn giúp đỡ đưa học sinh đến điểm trường chính học tập. Năm học 2018 - 2019, trường đã đưa 59 học sinh lớp 4 và lớp 5 từ 6 điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính. Hiện tại, Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố có 5 phòng ở dành cho học sinh bán trú. Hằng ngày, ngoài giờ học chính khóa, học sinh ở bán trú được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa do Ban bán trú của trường tổ chức như học thêu, chơi thể thao, trồng rau, nuôi gà, nuôi chim bồ câu...

Ông Nghề Thái Chin (thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố) có con trai đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố cho biết: Khi đến trường, tôi thấy nơi học tập và sinh hoạt của con tốt hơn tại điểm trường lẻ rất nhiều. Lớp học khang trang, nơi ăn, ở rộng rãi và đầy đủ. Tôi hoàn toàn yên tâm khi cho con về điểm trường chính học.

Tại Trường Tiểu học Quang Kim (huyện Bát Xát), ngay từ năm học 2015 - 2016, trường đã đề xuất bổ sung nhân sự, sửa chữa cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, chuẩn bị cho việc đưa học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 từ điểm trường lẻ về trường chính. Trường Tiểu học số 1 Quang Kim và Trường Tiểu học số 2 Quang Kim đã sáp nhập thành Trường Tiểu học Quang Kim, đồng thời xóa 1 điểm trường lẻ (điểm trường Làng Hang). Để nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường chính, trường đã đầu tư 2 phòng tin học với hơn 20 máy tính, 1 phòng học tiếng Anh và liên kết với các trung tâm tiếng Anh mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy tại trường.

Thầy giáo Lê Văn Nhiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Kim cho biết: Ngay từ khi triển khai đưa học sinh về điểm trường chính học tập, trường đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Để tạo điều kiện cho các em nhà xa, trường tổ chức hoạt động bán trú dân nuôi, nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần luôn duy trì ổn định trên 97%.

Hiệu quả thấy rõ

Sau giờ học tại Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố, từng nhóm học sinh nữ ngồi say sưa thêu thổ cẩm, học sinh nam thì sôi nổi với những trò chơi dân gian. Em Lù Thị Nguyễn, học sinh lớp 5A1 hào hứng: Từ khi chuyển về học tại điểm trường chính, mặc dù phải đi học xa hơn nhưng em rất vui vì được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích mà tại điểm trường lẻ không có. Đặc biệt, em được học thêm môn tiếng Anh, tin học và có thêm cơ hội tham gia các cuộc thi do trường tổ chức.

Về hiệu quả của đề án trên địa bàn huyện Mường Khương, bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đánh giá: Sau 3 năm thực hiện, huyện đã xóa được 12 điểm trường lẻ, huy động 1.873 học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 về điểm trường chính. Hiệu quả rõ nhất là chất lượng học sinh được nâng lên, các em tự tin hơn, giao tiếp tốt và hòa đồng hơn. Việc đưa học sinh về điểm trường chính còn góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở các cấp học (cấp tiểu học đạt 99%, cấp THCS đạt 97%); tỷ lệ học sinh khá, giỏi của huyện tăng 3 - 5%.

Đề án cũng mang lại nhiều khởi sắc cho ngành giáo dục huyện Bát Xát. Tính đến hết tháng 10/2018, huyện đã sáp nhập 31 trường thành 14 trường, gộp 51 điểm trường mầm non và tiểu học, xóa 9 điểm trường và đưa 2.083 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 99,9%; học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 đạt 77,3%. Hiện các trường đã có lớp học kiên cố tại trường chính và 97,6% điểm trường chính đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như các điều kiện ăn, ở của học sinh.

Việc sắp xếp trường, lớp học đã góp phần tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện: Trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh và khai thác tối đa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Việc đưa học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường chính giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, khả năng nói tiếng phổ thông được cải thiện và được hưởng các chính sách hỗ trợ của trung ương, địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập 109 trường thành 53 trường (đạt 83,3%); gộp 266 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học (đạt 138%); xóa 54 điểm trường (đạt 128%) và đưa 14.271 học sinh ở điểm trường lẻ về điểm trường chính, đạt 172% mục tiêu đề án. Nổi bật là hai huyện vùng cao Bắc Hà và Si Ma Cai đã đưa hầu hết học sinh lớp 4, lớp 5 từ các điểm trường lẻ về điểm trường chính. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả bước đầu vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi ngành giáo dục có lộ trình phù hợp.

  THANH HUỆ - THI KHANH
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập