Sáp nhập điểm trường - hướng tới hiệu quả và chất lượng. Kỳ cuối: Còn nhiều nỗi lo

Những khó khăn, thách thức

Do đặc thù ở vùng cao, điểm trường lẻ thường cách xa trường chính. Do đó, nếu xóa điểm trường lẻ thì học sinh phải đi quãng đường rất xa để tới trường, đó là chưa kể nhiều đoạn đường phải trèo đèo, lội suối, vào mùa mưa lũ vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều phụ huynh không muốn con bán trú tại trường vì sẽ không phụ giúp được việc nhà. Chính vì thế, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh là nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện trước khi sáp nhập điểm trường. Hơn nữa, từ điểm trường lẻ quy mô vài chục học sinh, nay sáp nhập về trường chính với hàng trăm học sinh, gánh nặng cơ sở vật chất là điều khó tránh. Lào Cai là tỉnh miền núi, đặc thù địa hình không bằng phẳng, diện tích mặt bằng hẹp, khó có thể xây dựng trường lớp.

Năm học 2018 - 2019, Lào Cai ưu tiên nguồn kinh phí để bổ sung thiết bị dạy học.

Chúng tôi đến Phân hiệu Na Vang thuộc Trường Tiểu học Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), những ngày này sương mù dày đặc, từ trung tâm xã phải mất 30 phút đi xe máy mới đến nơi. Phân hiệu Na Vang nằm chót vót trên một khoảng đất cao. Thầy giáo Lê Đức Thắng, Phân hiệu trưởng Na Vang lo lắng: Phân hiệu Na Vang có 30 học sinh nhưng 28 học sinh có gia đình thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ ít quan tâm đến việc học của con. Thầy cô giáo ở phân hiệu thường xuyên phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đến lớp. Nếu bây giờ chuyển ra điểm trường chính, e rằng nhiều gia đình sẽ cho con nghỉ học.

Mặc dù chính quyền xã và nhà trường đã rất quyết tâm trong việc đưa học sinh tại điểm trường lẻ về học ở điểm trường chính nhưng năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Lùng Khấu Nhin vẫn chưa thể thực hiện được. Hiện tại, cơ sở vật chất của trường chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy và học tập cho học sinh tại điểm trường chính. Điểm trường chính Trường Tiểu học Lùng Khấu Nhin có 6 lớp với 155 học sinh, tuy nhiên chỉ có 1 dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học, một số phòng chức năng chưa được xây dựng, không đảm bảo cơ sở vật chất. Việc thiếu lớp, thiếu phòng là trở ngại lớn nhất, vì trường chưa bố trí được quỹ đất và chưa có kinh phí để xây dựng nhà ở bán trú, bếp ăn cho học sinh và giáo viên, thiết bị dạy học còn thiếu đồng bộ.

Việc xóa bỏ điểm trường lẻ ở thôn, bản và đưa học sinh từ điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính theo mô hình bán trú là phương án thực hiện tối ưu. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần có kinh phí đầu tư, xây dựng nhà ở bán trú, bếp ăn, nhà vệ sinh, đảm bảo điều kiện học và ở cho các em. Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú rất khó khăn vì học sinh tuổi còn nhỏ (9 - 10 tuổi), lại là người dân tộc thiểu số, trung ương chưa có chính sách hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh bán trú đối với những trường chưa đủ điều kiện thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú (Lào Cai có 112 trường có học sinh bán trú nhưng chưa đủ điều kiện thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú).

Cần có lộ trình phù hợp

Đổi mới giáo dục là một yêu cầu mới và là nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong điều kiện của một tỉnh miền núi với 2/3 giáo viên, học sinh ở vùng cao, trên 70% học sinh là người dân tộc thiểu số. Kinh phí đầu tư cho phát triển sự nghiệp mặc dù đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và tăng quy mô giáo dục.

Học sinh trường Tiểu học - THCS Tung Chung Phố (Mường Khương) tham gia hoạt động ngoại khóa sau giờ học.

Theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trong các năm tiếp theo, sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh phương án, lộ trình, giải pháp thực hiện dựa trên kết quả của việc rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp của các huyện, thành phố. Sở sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương quy trình thành lập mới, tách các cơ sở giáo dục và bố trí cán bộ dôi dư sau khi rà soát, đặc biệt là cán bộ quản lý. Ưu tiên dồn các điểm trường, lớp lẻ về điểm trường chính để thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú tại những nơi có điều kiện. Dồn ghép các điểm trường lẻ để tăng số học sinh trong một lớp tại các điểm trường và nâng cao chất lượng giảng dạy. Sáp nhập các trường chung khuôn viên, chung cổng, có cơ sở vật chất xen kẽ thành trường phổ thông có nhiều cấp học. Duy trì các trường phổ thông có nhiều cấp học nếu chưa có điều kiện thuận lợi để tách. Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ giảm được 65 trường do sáp nhập trường có quy mô nhỏ, xóa 42 điểm trường lẻ, gộp 96 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học và giảm 401 lớp do sắp xếp, đưa học sinh ở điểm trường lẻ về học ở trường chính, đưa 8.300 học sinh tiểu học ở điểm trường lẻ về học tại trường chính.

Để nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường, trong năm học 2018 - 2019, Lào Cai ưu tiên nguồn kinh phí để mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học, từng bước đầu tư thiết bị dạy học tiên tiến, phù hợp. Đến nay, toàn tỉnh có 8.203 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 64%. Về cơ bản, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đủ phòng học 2 buổi/ngày, đảm bảo thiết bị tối thiểu. Các trường đã có nước sạch, điện lưới quốc gia và được kết nối internet.

Có thể thấy, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện xóa điểm trường lẻ không phải dễ dàng và có thể làm trong “một sớm, một chiều”, đòi hỏi chính quyền các cấp và ngành giáo dục cần có phương án sắp xếp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Có như vậy, trẻ em vùng cao mới có thể đến trường, đến lớp, chất lượng giáo dục vùng cao được nâng cao.

  THANH HUỆ - THI KHANH
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập