Sáp nhập trường nghề: Gọn đầu mối, nâng cao chất lượng đào tạo
Chuyển biến tích cực

Năm học 2018 - 2019, trong điều kiện mới sáp nhập, khối lượng công việc lớn nhưng Trường Cao đẳng Lào Cai vẫn duy trì ổn định các hoạt động chuyên môn; cơ cấu tổ chức, bộ máy được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, giảng viên được bố trí bước đầu đáp ứng nhiệm vụ, tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến, hợp tác với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị doanh nghiệp… được tăng cường.


Tư vấn hướng nghiệp.
Nhà trường đã tuyển sinh được 5.727 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó có 1.724 HSSV hệ cao đẳng, trung cấp chính quy; 2.492 học viên sơ cấp và đào tạo thường xuyên; 1.154 học viên tin học và ngoại ngữ; liên kết đào tạo trình độ đại học, cao đẳng: 471 sinh viên. Nhà trường tích cực phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Hiện số ngành nghề đào tạo của trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chứng nhận sau sáp nhập là 76 nghề ở 11 lĩnh vực. Các chương trình được bổ sung nhiều nội dung kiến thức, kỹ năng mới, cập nhật sự phát triển của khoa học, công nghệ và thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp cận với trình độ tiên tiến trong nước, được áp dụng đào tạo các ngành nghề từ năm học 2019 - 2020.

Sau 1 năm sáp nhập, kết quả học tập và rèn luyện của HSSV có nhiều chuyển biến. Số HSSV cao đẳng, trung cấp chính quy có kết quả học tập từ loại khá trở lên đạt 61,3% (trong đó loại xuất sắc chiếm 5,8%); số HSSV đạt kết quả rèn luyện từ loại khá trở lên chiếm 73,38% (trong đó loại xuất sắc chiếm 8,1%); hơn 95% HSSV đủ điều kiện học tiếp, 98% đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Có 1.920 người HSSV tốt nghiệp, chiếm 98% tổng số HSSV dự thi. Trong năm học đã có 173 HSSV được nhà trường cấp học bổng.

Công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho HSSV được đẩy mạnh. Nhà trường đã tổ chức “Ngày hội việc làm cho HSSV”, đồng thời ký kết các văn bản và hợp tác với hơn 40 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nghề điện, cơ khí, du lịch, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, nông - lâm nghiệp - thú y và các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để đưa HSSV đến tham quan, thực hành, thực tập và tuyển dụng vào làm việc, trong đó có một số đơn vị lớn như Tập đoàn Sungroup, khách sạn Silk Path Sapa, khách sạn Aristo, Công ty Honda Tiến Thành... Đa số HSSV được các doanh nghiệp trả lương trong thời gian thực tập. Ngoài ra, nhà trường từng bước hợp tác với một số đơn vị để tư vấn cho HSSV xuất khẩu lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn nhiều khó khăn

Về những khó khăn sau 1 năm sáp nhập, ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi sáp nhập, quy mô, ngành nghề đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên đông hơn, trong khi chủ trương của UBND tỉnh thu hồi một số cơ sở đào tạo (Trường Trung học Y tế cũ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai cũ, Trường Cao đẳng Sư phạm cũ và Trung tâm Đào tạo Hán ngữ…) nên cơ sở vật chất hiện nay của trường không đáp ứng được yêu cầu đào tạo, đặc biệt thiếu nhiều phòng học lý thuyết, phòng thực hành và ký túc xá cho HSSV nội trú.

Trụ sở làm việc của trường hiện nay phân tán tại 6 địa điểm khác nhau, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều hạng mục công trình xây dựng từ lâu đã xuống cấp; trang - thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành còn thiếu. Chất lượng đào tạo còn ở mức trung bình thấp, một số ngành nghề có số lượng người học ít hoặc không tuyển sinh được. Thương hiệu của nhà trường chưa đủ mạnh để thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường chưa được tự tổ chức dạy văn hóa song song với dạy nghề nên công tác tư vấn, phân luồng tuyển sinh, đào tạo chưa đạt hiệu quả…

Trong những năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trường phấn đấu quy mô đào tạo năm học 2019 - 2020 đạt hơn 6.000 HSSV ở các cấp, các trình độ đào tạo; phấn đấu HSSV tốt nghiệp đạt 95% trở lên, trong đó loại khá, giỏi từ 30% trở lên và hơn 80% HSSV trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Đồng thời, nhà trường tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giảng viên theo vị trí việc làm, đào tạo giảng viên đảm bảo về số lượng, nâng cao về trình độ, kỹ năng dạy học, kỹ năng nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định.

Có thể thấy, việc sáp nhập hệ thống trường nghề thành một đầu mối trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để tập trung nguồn lực đầu tư cho các nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Lào Cai luôn nỗ lực vượt khó, mục tiêu đến năm 2025 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, trường trọng điểm của vùng và khu vực Tây Bắc. Tầm nhìn đến năm 2030, trường trở thành trường đại học theo hướng ứng dụng - thực hành, có uy tín, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực miền núi phía Bắc.

THANH HUỆ
Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập