Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ hòa nhập với trường học

Từ thực tế dạy học…

Hiện nay tự kỷ và tăng động (TK, TĐ) là một vấn đề nóng trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong hoàn cảnh hiện nay thì việc phụ huynh phải cho con theo học hay “tự cứu” bằng việc đứng ra tổ chức các trường giáo dục chuyên biệt cho trẻ tự kỷ là điều bất đắc dĩ. Vậy nếu không lập trường chuyên biệt, không lẽ lại để trẻ TK, TĐ “thất học” hay không được chăm sóc giáo dục? Việc giáo dục trẻ TK, TĐ là điều rất quan trọng và cần thiết, vì cho đến nay việc cải thiện tình trạng cho trẻ TK, TĐ chỉ có thể thông qua con đường giáo dục và được xem đó là một hoạt động trị liệu tốt nhất.

Đã nhiều năm làm GVCN khối lớp 1 tại trường Tiểu học Trưng Vương, năm nào trong lớp tôi chủ nhiệm cũng có HS mắc chứng bệnh TK và TĐ. Trong một tập thể lớp khoảng 46 học trò, chỉ cần có 1 đến 2 học trò mắc TK hoặc TĐ thì đã là một việc rất khó khăn cho GV, đồng thời cũng khiến các trò khác trong lớp gặp không ít trở ngại khi học chung với các bạn không may mắn như trên. Thông thường tâm lí cha mẹ HS khi con mình mắc chứng bệnh TK hoặc TĐ đều không muốn chấp nhận sự thật là như vậy. Chính vì vậy khi đưa con đến trường học, nhiều phụ huynh đã không nói cho GV biết tình trạng thực của con mình, chỉ trong quá trình dạy học thì GV do gần gũi các con nhiều mới nhận ra điều đó. Cũng có những PH nhận ra bệnh của con, nhưng không muốn đưa con vào trường chuyên biệt mà muốn con được học chung lớp với các bạn bình thường đã nói riêng với cô giáo, để cô có hướng cùng kết hợp với gia đình tìm ra những phương pháp giáo dục tốt nhất cho trẻ. Riêng cá nhân tôi thật sự không muốn các trò của mình khi không may mắn bị TK hoặc TĐ phải học ở trường chuyên biệt, nếu như vậy các con vẫn bị tách riêng ra thành nhóm trẻ khuyết tật và khó có thểcó cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Và nếu đặt ra mục tiêu hội nhập xã hội cho trẻ TK và TĐ thì tại sao lại khép kín cánh cửa tốt nhất dẫn đến sự hội nhập là các môi trường giáo dục bình thường. Chính vì vậy tôi đã chọn đề tài cho SKKN của mình là “Một số kỹ năng tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ, tăng động hội nhập với môi trường giáo dục bình thường (Khối lớp 1)”

Đến những cách làm cụ thể…

Trước tiên cần nhận biết những dấu hiệu của trẻ tự kỷ:

Những trẻ này thường quá say mê một vật gì đó, lúc nào cũng giữ và ôm khư khư trong tay. Chúng rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn.

Trẻ TK có kỹ năng cao về nhìn nhận không gian, giỏi học vẹt, hình thức bề ngoài có vẻ linh hoạt, thông minh khác hẳn với các trẻ chậm phát triển trí tuệ. Tình trạng này có thể phát hiện sớm nếu cha mẹ, GV thường xuyên chú ý đến trẻ.

Trẻ TK rất hạn chế trong vấn đề giao tiếp xã hội. Khi giao tiếp thì trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt, không có những giao tiếp "không lời" bằng những cử chỉ cơ thể. Tình cảm rất hạn chế ngay cả với bố mẹ và người thân trong gia đình. Không chia sẻ cảm xúc buồn vui, không quan tâm đến những hoạt động xung quanh trẻ.

Trong lớp học, trẻ TK thường lầm lì, ít nói, cô giáo hỏi không trả lời, ít biểu hiện cảm xúc, không giơ tay phát biểu ý kiến. Không thích hoạt động theo nhóm, và không thiết lập được quan hệ với bạn cùng tuổi. Nếu trẻ phát triển lời nói, thường lời nói cũng sẽ có bất thường. Trẻ không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa hoặc không ăn nhập với hoàn cảnh. Trẻ có thể nhại lại lời nói của người khác một cách chính xác, nhưng thường ít hoặc chẳng hiểu được ý nghĩa của chúng.

Trẻ TK có những sở thích, thói quen kỳ lạ nên trẻ thường ứng xử không đúng với những chuẩn mực xã hội thông thường. Khi người lớn thấy vậy và ngăn chặn hành vi bất thường đó sẽ làm trẻ rất khó chịu và có những hành vi nổi cáu, gây hấn. Đồng thời do trẻ TK gặp khó khăn về ngôn ngữ, không biểu đạt được những ý nghĩ của mình ra ngoài nên người lớn không hiểu trẻ và những nhu cầu của trẻ. Vì vậy, sự khó chịu của trẻ xuất hiện khá thường xuyên so với trẻ bình thường.

Trẻ tự kỷ có thể đặt tên riêng cho đồ vật theo cách của mình, hoặc dùng những từ riêng mà người khác không thể hiểu được. Nhưng trẻ không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng các giới từ, liên từ và đại từ.

Những dấu hiệu cho biết trẻ tăng động:

Không chú ý nhiều đến các chi tiết nhỏ nhặt, hay mắc lỗi do không cẩn thận trong học tập, trong công việc và các hoạt động khác.

Gặp khó khăn trong học tập, công việc, trò chơi…đòi hỏi phải có sự tập trung.

Thường không nghe lời chỉ dẫn và không hoàn thành bài  tập ở trường, các việc vặt ở nhà (không phải do năng lực, mà do không nắm được chỉ dẫn)

Thường do dự, không thích hoặc không muốn làm những việc cần phải có nỗ lực về trí tuệ trong một thời gian dài.

Không ngồi yên, luôn vận động tay chân, vặn vẹo, uốn éo khi ngồi, chạy nhảy, trèo leo không đúng lúc, đúng chỗ. Không thích chơi và thưởng thức những hoạt động giải trí yên tĩnh.

Nói nhiều, không kiên trì, hay cướp lời hoặc ngắt lời người khác.

Hay đánh bạn, chơi các trò chơi bạo lực.

Trẻ tăng động, kém chú ý thường có các biểu hiện rối loạn như hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém tập trung chú ý trong mọi lĩnh vực, đưa đến những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp và các sinh hoạt khác.

Kết quả là sẽ rất khó để yêu cầu trẻ lắng nghe cô giáo giảng hay hoàn thành tốt một việc nào đó. Trẻ thường gặp các rắc rối khi lắng nghe ai đó nói, hướng dẫn; khó khăn khi phải hoàn thành nhiệm vụ hay một sinh hoạt cá nhân. Trẻ cũng thường hay mơ mộng và mắc lỗi, có xu hướng tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung hay có thể gây ra sự buồn chán.

Đối tượng nghiên cứu:

Ba học sinh mắc hội chứng tự kỷ, tăng động đang học lớp 1C trường tiểu học Trưng Vương.

Dạy trẻ TK-TĐ, giáo viên ngoài tình yêu thương còn phải thật sự kiên nhẫn với HS: Tìm hiểu HS mắc bệnh thuộc dạng nào (TK - TĐ); Những biểu hiện của trẻ khi mắc chứng bệnh đó; Tìm phương pháp giáo dục thích hợp. Qua thực tế giảng dạy, tôi cố gắng hết sức tìm ra những biện pháp giáo dục tốt nhất phù hợp với từng học sinh để các con đạt kết quả cao trong học tập.

* Biện pháp 1: Tìm hiểu sở thích

Khi HS không thích viết bài thì GV phải tìm hiểu sở thích của HS để vận dụng một cách khéo léo giúp HS có hiệu quả học tập tốt nhất. Tìm hiểu HS thích cái gì (thích ăn gì, uống gì) thích đồ chơi gì, thích học môn nào, đồ dùng học tập cũng đặc biệt hơn.

* Biện pháp 2: Gần gũi, khuyên bảo:

GV dành thời gian phân tích, nói cho các con hiểu bằng hành động nhẹ nhàng, có những phần thưởng nho nhỏ mỗi khi các trò trở nên ngoan hơn, hoặc hòa đồng cùng các bạn hơn. Bảo ban, khuyến khích các trò khác trong lớp có cái nhìn thân ái, gần gũi với bạn, thường xuyên rủ bạn ra chơi cùng, khi không may bị bạn làm đau cũng không giận, không buồn. Trong những buổi họp phụ huynh, tôi thường đưa ra những tình huống để các bậc cha mẹ đưa ra cách giải quyết tích cực nhất và có lợi nhất cho tất cả HS mà không phân biệt, kì thị với những trò không may mắn.

* Biện pháp 3: Quan tâm chăm sóc

Dành thời gian cho những HS trên vào các giờ nghỉ cá nhân, chăm sóc, hỏi han, dạy dỗ, tạo điều kiện cho các con hòa nhập với các bạn, bổ sung thêm những kiến thức mà các con chưa nắm được do tiếp thu chậm. Thường xuyên gọi lên bảng, nếu trẻ sai thì khuyến khích HS khác giúp đỡ bạn, không phân biệt kì thị tạo cho trẻ cảm giác cô độc và bị xa lánh.

Cuối tuần tổ chức cho HS chơi các trò chơi và hướng dẫn cụ thể,khi chơi với các bạn con nên như thế nào và theo dõi chặt chẽ để ý hành động của trẻ,tránh để cho trẻ bị rơi vào tình trạng cô lập hoặc gây những hành động ảnh hưởng đến các bạn khác.

Thường xuyên trao đổi với phụ huynh vào thứ 6 cuối tuần về các biểu hiện của con và thống nhất phương pháp giáo dục tốt nhất. 

Ảnh minh họa
                             Lớp học cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương


Trẻ TK, TĐ cần được giáo viên quan tâm bằng cách cho ngồi bàn đầu trước mặt giáo viên để giúp trẻ tập trung hơn, tránh ngồi gần cửa sổ.

Khi giao việc cho trẻ, GV nên chia công việc theo từng bước nhỏ để trẻ dễ thực hiện. Khi trẻ phá phách hoặc ngang bướng và không biết nghe lời, để giúp trẻ kiềm chế cảm xúc, GV nên đưa trẻ ra chỗ khác trong vài phút (tối đa không quá 5 phút). Chọn một cái ghế hoặc một góc yên tĩnh nào đó và nhẹ nhàng bảo trẻ ngồi xuống (lưu ý đây không phải hình phạt). Khi thời gian “nghỉ một chút” đã qua, GVtrao đổi với trẻ xem có còn quậy phá khi quay lại chơi với các bạn không. Chắc chắn trẻ sẽ có sự thay đổi.

Khi trẻ quá nghịch ngợm, la mắng hay giận dữ với trẻ sẽ phản tác dụng.Tốt nhất là nói chuyện với trẻ bằng giọng nói bình thường, êm dịu.

Và những khoảng thời gian tập trung trên lớp, những biểu hiện cư xử tốt nên được thầy cô khuyến khích. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách cư xử đúng đắn và thích hợp, chẳng hạn như chờ đến lượt mình, chia sẻ đồ chơi, yêu cầu sự giúp đỡ khi bị trêu chọc. Sau đó trẻ sẽ được thực tập những điều học được. Ngoài ra trẻ sẽ được học cách “đọc” cảm xúc của người khác qua biểu hiện trên khuôn mặt, giọng nói, để từ đó trẻ có sự phản kháng đúng đắn nhất.

* Biện pháp 4: Kết hợp với cha mẹ học sinh

Xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa trẻ với gia đình (đặc biệt là với mẹ), quan hệ giữa trẻ với giáo viên, với bạn bè và môi trường xung quanh để thiết lập mối quan hệ tương tác xã hội.

Mạnh dạn trao đổi với phụ huynh rằng trường học, bác sĩ tâm lí chỉ là nơi cung cấp cho bố mẹ những kiến thức, hỗ trợ và giám sát chương trình chăm sóc, giáo dục và trị liệu tại chính gia đình các con. Bởi vì sự giao tiếp và hội nhập của các em phải được điều chỉnh ngay chính từ gia đình.

Trao đổi với cha mẹ HS những tiến bộ của con khi ở trường, lúc về nhà, những điều chưa khắc phục được và bàn bạc, tìm ra phương pháp có lợi nhất cho sự phát triển của con.

Ở nhà, cha mẹ cần giao tiếp với con nhiều hơn. Nhìn thẳng vào mắt trẻ và trò chuyện, gọi tên con thường xuyên là cách chăm sóc cũng như điều trị tốt.

Nếu trẻ có yêu cầu gì mà chỉ ra hiệu, không nói thì nhất quyết không đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, nếu trẻ chỉ tay ra đường đòi đi chơi, cần dạy con nói “đi” thì mới được đi. Nếu cháu nói được thì cần có lời ngợi khen. Kiên nhẫn, trò chuyện với con nhiều hơn là một trong những cách để giúp trẻ TK, TĐ hòa nhập với cộng đồng.

Hiệu quả của giáo dục hòa nhập với trẻ TK, TĐ

Tôi đã áp dụng những phương pháp, hình thức trên vào những HS TK, TĐ nhiều năm và cả năm học 2010 - 2011. Kết quả: HS rất yêu cô, thích đến lớp, đến với bạn bè, tiếp thu chậm nhưng không sợ học. Các con hòa đồng với các bạn, mạnh dạn tham gia các trò chơi tập thể, ít cáu giận hơn sau 1 năm học. Kết quả học tập cũng có nhiều chuyển biến. Đó là những năm đầu đời của các con nên những biểu hiện như vậy rất tích cực.

Thực tế, có nhiều trường, nhiều GV không muốn nhận học sinh TK và TĐ, đó là sự thiệt thòi lớn đối với trẻ. Chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa chú ý nhiều đến việc đào tạo kiến thức cho GV về biểu hiện cũng như phương pháp giáo dục trẻ TK và TĐ. TK và TĐ là một hội chứng không nguy hiểm đến thể chất nhưng có ảnh hưởng lớn đến nhân cách và tương lai của các em sau này. Có thể nói nếu như không được điều trị, hầu hết trẻ không bao giờ có thể giao tiếp hoặc sống cuộc sống bình thường, chính vì vậy cung cấp kiến thức cho sinh viên ở các trường sư phạm, đặc biệt là sinh viên các trường sư phạm mẫu giáo, những sinh viên khi ra trường sẽ là GV dạy HS Tiểu học về dấu hiệu của trẻ TK và TĐ là vô cùng quan trọng. Hiểu đúng, chính xác về TK và TĐ sẽ giúp các GV trẻ khi bước vào nghề sẽ không ngại gặp những HS TK và TĐ, giúp cho nền giáo dục nước nhà phát triển đúng hướng và đặc biệt tạo cơ hội cho học sinh TK và TĐ được hòa nhập cộng đồng.

 

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 29+30, tháng 5,6/2012

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập