THIẾT LẬP BẦU KHÔNG KHÍ VĂN CHƯƠNG TRONG SUỐT GIỜ HỌC NGỮ VĂN

         Môn Ngữ văn là một môn học vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật. Hiệu quả giờ văn chính là hiệu quả thẩm mĩ, đánh thức những rung động, xúc cảm và khao khát vươn tới cái Chân - Thiện - Mĩ của học sinh. Bầu không khí văn chương là yếu tố không thể thiếu để làm nên “chất văn” cho giờ học. Ở đó, thầy và trò được tự do thể hiện những cảm nhận của mình về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương. Bầu không khí văn chương phải được duy trì trong suốt giờ học: từ hoạt động khởi động, quá trình hướng dẫn học sinh (HS) khám phá tác phẩm, cho đến phần kết thúc giờ giảng; từ hoạt động sôi nổi trả lời câu hỏi, tự thể hiện cảm xúc cá nhân về tác phẩm cho đến việc duy trì khoảng lặng cần thiết khi GV giảng - bình. Thiết lập bầu không khí văn chương được thể hiện qua các biện pháp sau:

            1. Tạo không khí mở đầu

            Tạo không khí mở đầu bằng hoạt động khởi động ấn tượng, mang đậm chất nghệ thuật, sẽ tạo tâm thế cho HS bước vào khám phá tìm hiểu tác phẩm văn chương đầy chất nhân văn, thẩm mĩ. Điều này đòi hỏi người GV phải biết sáng tạo trong các bước lên lớp: có thể bằng những lời giới thiệu gây ấn tượng đưa HS vào trường cảm xúc, hoặc tạo điều kiện và hướng dẫn HS tự giới thiệu về bài học, hoặc ứng dụng CNTT, TBĐDDH hiện đại để thu hút sự chú ý và tạo không khí hứng thú cho HS. Một bài hát Dòng sông ai đã đặt tên đậm chất Huế sẽ có tác dụng vô cùng to lớn, khơi gợi trí tò mò ham muốn khám phá tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hay một cảnh biển sóng vỗ ngút ngàn cộng với âm thanh của bài hát Thuyền và Biển phổ thơ Xuân Quỳnh sẽ giúp các em háo hức đi vào tìm hiểu cuộc đời con người nhà thơ và bài thơ tình Sóng hết sức đặc sắc.v.v…

            2. Tạo không khí bằng đọc diễn cảm

            Đọc diễn cảm là một biện pháp tạo bầu không khí văn chương cho giờ học; làm nổi bật vẻ đẹp ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm. Đọc diễn cảm, trước hết cần phải nhấn mạnh, chú tâm tới âm điệu, vần điệu, thanh điệu, âm thanh, nhịp điệu. Nếu cảm hứng ngợi ca thì giọng điệu sẽ là ca tụng, say sưa, tin tưởng, lạc quan,... Nếu cảm hứng là phê phán thì có giọng điệu lên án, mỉa mai, châm biếm, tố cáo, cùng với nó là các phương thức, phương tiện biểu hiện tương ứng. Cảm hứng thường được nhà văn hóa thân qua hình tượng, qua lời văn nghệ thuật quy định cách dùng từ, đặt câu, xưng hô… Đọc diễn cảm phải đọc đúng giọng điệu của tác phẩm, từ đó có thể thâm nhập vào nội dung cảm hứng của tác phẩm. Có thể đọc ở đầu bài giảng nhằm tạo ấn tượng tươi mới; có thể đọc khi bài giảng đã kết thúc hoặc trước và sau khi phân tích từng đoạn, từng khổ thơ; có thể gọi một hoặc hai HS đọc diễn cảm, một vài em nhận xét cách đọc, hỏi về ấn tượng chung về tác phẩm. Biện pháp đọc diễn cảm cũng cần được GV kết hợp khi diễn giảng, bình giảng sẽ tạo nên chất văn cho giờ học. GV có thể sử dụng các băng hình để cho HS nghe các nghệ sĩ kể chuyện, ngâm thơ, diễn xướng…

            3. Tạo dựng bầu không khí xã hội - lịch sử của tác phẩm

            Mỗi tác phẩm văn chương đều được sinh thành trong bầu không khí xã hội - lịch sử nhất định. Một tác phẩm văn học có thể ví như chiếc vỏ ốc nhỏ bé mà áp tai vào đó ta có thể lắng nghe hơi thở của đại dương mênh mông, từ những hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan giúp ta cảm nhận được bộ mặt của cả thời đại. Đặt tác phẩm vào trào lưu nghệ thuật sẽ thấy lối rẽ, sự bứt phá trong tư tưởng nghệ thuật của tác giả, sự cụ thể hóa những bút pháp, nguyên tắc chung, những tuyên ngôn nghệ thuật của trào lưu bằng bút pháp của họ. Đặt tác phẩm vào thời điểm nảy sinh ra nó, người tiếp nhận mới có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị thời đại của tác phẩm với tư cách là một sinh thể sống động, có hồn. Đồng thời việc tái hiện hoàn cảnh ra đời của tác phẩm có tác dụng khơi dậy trí tưởng tượng và xúc cảm của HS về tác phẩm. GV có thể sử dụng những tư liệu lịch sử, hồi ức của người đương thời hoặc bằng chính hồi kí, nhật kí, bút kí của tác giả, có thể giới thiệu một số đoạn tâm sự của nhà văn về sáng tác của mình ví như Hoàng Cầm khi sáng tác bài Bên kia sông Đuống, Tố hữu khi sáng tác bài Bác ơi, Nguyên Ngọc tâm sự khi sáng tác Rừng xà nu. Thực hiện phù hợp sẽ phát huy hiệu quả trong việc khơi nguồn, nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ cho HS, đồng thời cũng là định hướng về dạy học theo chủ đề tích hợp của ngành Giáo dục đang chỉ đạo.

            4. Tạo tình huống có vấn đề bằng câu hỏi nêu vấn đề

            Tình huống có vấn đề buộc con người phải suy nghĩ, động não, tạo nên những vận động tích cực bên trong trí tuệ con người. Để tạo ra các tình huống có vấn đề đích thực, bản thân GV phải phát hiện trong tài liệu học tập đâu là có “vấn đề”, thiết kế thế nào để chúng trở thành tình huống có vấn đề và phải nêu như thế nào để khơi gợi hứng thú, sự tích cực tham gia giải quyết của HS. Câu hỏi nêu vấn đề đòi hỏi HS phải có khả năng tổng hợp, bao quát tri thức, huy động kiến thức, tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để trả lời. Câu hỏi nêu vấn đề phải luôn chứa đựng tính phức tạp buộc HS phải bám vào nội dung tác phẩm để tìm ra tư tưởng trong đó; đồng thời cần lôi cuốn, đáp ứng nhu cầu hiểu tác phẩm và thâu tóm được sự hiểu biết của các em. Như vậy, việc dạy học nêu vấn đề hết sức cần thiết để phát huy tính năng động, sáng tạo của HS trong giờ học văn.

            5. Tạo dư âm khi kết thúc giờ học

            Thực tế cho thấy, nhiều GV đã giản đơn hóa phần kết thúc giờ học bằng cách tổng kết sơ sài nội dung, nghệ thuật, giao bài tập về nhà cho HS mà ít chú ý đến việc tạo ấn tượng cuối cùng để giờ học đọng mãi trong trí nhớ về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Kết thúc giờ học GV phải tạo cho HS cái nhìn tổng thể, nâng những nội dung phân tích thành những vấn đề có ý nghĩa khái quát về phong cách của tác giả, ý nghĩa nội dung của tác phẩm, vai trò, vị trí của tác giả - tác phẩm. GV có thể dùng lời nói ấn tượng, hoặc cho HS phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm, hoặc cho các em nhập vai tác giả nói về tác phẩm của mình, hoặc có thể dùng hình ảnh, âm thanh ấn tượng để tạo đư ba trong long HS.

            Việc tạo ra một bầu không khí văn chương trong suốt giờ học Ngữ văn đòi hỏi sự say mê, tìm tòi, sáng tạo của GV. Bởi các biện pháp tạo không khí nói trên phải thật sự lôi cuốn HS tham gia thảo luận, thể hiện băn khoăn, thắc mắc, suy tư trăn trở, bộc lộ quan điểm, cảm xúc tình cảm của cá nhân mình. Bầu không khí văn chương lí tưởng phải tạo điều kiện cho HS phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự thăng hoa trong cảm xúc để từ đó có khả năng thanh lọc hóa tâm hồn./.

Ngô Thị Thu Hường – Sở GD&ĐT


Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập