TÌM HIỂU VĂN HÓA THÊU CỦA DÂN TỘC H’MÔNG – DAO

Hôm nay, chúng tớ sẽ kể cho các bạn nghe một hành trình thú vị của chuyến trải nghiệm thực tế của chúng tớ - những bạn học sinh trường PTDTNT THCS & THPT huyện Bát Xát, tại Tả Ngảo – xã Bản Qua, xã Mường Hum huyện Bát Xát. Đây là một trong những chuỗi hoạt động của chúng tớ để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Giữ gìn và bảo tồn văn hóa thêu dân tộc H’mông – Dao thông qua các hoạt động trải nghiệm của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trường PTDTNT THCS & THPT Bát Xát”.

Hãy theo chân chúng tớ đến địa điểm đầu tiên của hành trình, đó là gia đình nghệ nhân thêu người Dao đỏ là bác Tẩn Mủi Chình tại thôn Tả Ngảo – xã Bản Qua – huyện Bát Xát. Tại đây, chúng tớ đã có một buổi phỏng vấn thú vị với bác, qua đó chúng tớ biết được nhiều thông tin về nghề thêu truyền thống của người Dao đỏ.

Sau đây là những điều chia sẻ của chúng tớ :

                 Người phụ nữ Dao có trách nhiệm, say mê và tự hào về công việc tạo hình, tạo ra các hoa văn trang trí trang phục. Giá trị bộ trang phục được quyết định bởi hệ thống hoa văn in trên nó. Hoa văn biểu hiện quan niệm thẩm mỹ. Hoa văn chứa đựng những thông tin về tâm lý, xã hội, tín ngưỡng, về quá trình phát triển lịch sử, quá trình tiếp biến của văn hóa.

Các kiểu thêu, trang trí trên trang phục của người Dao gồm: thêu chữ thập, thêu đường thẳng (hình que), ghép vải, ghép tơ (len). Với kiểu thêu hình que người thêu đã ghéo những hình que tưởng chừng rất thô cứng, đơn giản để được hình cụ thể với các thế song hành, đối lập và giữ lại những đặc điểm cơ bản của hình thù thực tế. Hình que thực chất là những đường thẳng được người thêu cắt bớt cho ngắn hoặc kéo dài để phù hợp với từng chi tiết thêu. Ví dụ như hình người – chằn ton …Người phụ nữ đã bỏ đi những chi tiết rườm rà, khó thêu làm cho cho hình thể được giản ước tối đa nhưng không vì thế mà các họa tiết mất đi dáng vẻ vốn có từ thực tế. Chính những nét thẳng dễ tạo được độ dài, ngắn và thế cân bằng đối xứng khi mà người Dao sử dụng kĩ thuật thêu ngược hình.

Với kiểu thêu chữ thập là cách cấu tạo hai đường thẳng ở hai hướng đối lập vuông góc với nhau, kết hợp tạo thành một góc vuông. Nó chính là sự phát triển cao độ các kiểu thêu đường thẳng. Từ chỗ chỉ sử dụng một đường thẳng, chắp nối lại với nhau để tạo ra hình thù, họa tiết cụ thể thì người ta đã phát triển thành việc sử dụng hai đường thẳng cắt nhau để tạo ra hình mong muốn. Nếu các đường thẳng tạo cho ta cảm giác hình thể mong manh thì các hình chữ thập này tạo cảm giác cho ta những mảng, miếng cụ thể vững chãi và liên tiếp chuyển động.

Chúng tớ còn được trải nghiệm tập thêu họa tiết của người Dao nữa nhé. Cách thêu của người Dao khá đặc biệt. Không giống như người Kinh dùng chỉ thêu vắt lên các sợi vải, thêu ở mặt phải thì hình thêu nổi ở mặt phải mà người Dao lại luồn chỉ thêu vào kẽ các sợi vải ở mặt trái để hình thêu thể hiện lên ở mặt phải. Các hình thêu không vẽ sẵn mà được nhớ trong đầu rồi thêu theo trí nhớ. Các cô gái khi học thêu thường phải rất kiên nhẫn thì mới có thể nhớ được cách thêu các hình hoa văn.

Người phụ nữ thường thêu bất kì khi nào rảnh rỗi, vào buổi trưa, buổi tối, ngày mưa, rét không đi làm, hầu như không lúc nào họ có thời gian nghỉ ngơi. Các cô gái thường được bà, mẹ dạy những cách thêu cơ bàn, rồi dần dần tự học qua bạn bè.

Cuối cùng, chúng tớ còn được nghe các cụ trong làng kể câu chuyện về nguồn gốc của người Dao, về cả cuộc đời người phụ nữ Dao gắn liền với từng đường kim mũi chỉ để thêu may trang phục cho mình, cho chồng và con cái.

Chúng tớ thực sự rất trân trọng những chia sẻ thú vị đó, và biết ơn sự đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình của gia đình bác và bà con hàng xóm trong làng. Mong muốn có dịp được quay lại mảnh đất này!

Hành trình thứ hai trong chuyến đi thực tế của chúng tớ là tới gia đình nghệ nhân Sùng Thị Xoa tại xã Mường Hum – huyện Bát Xát để tìm hiểu về nghệ thuật thêu truyền thống của người H’mong.

Theo lời kể của bác thì cả cuộc đời mình đã gắn bó với công việc thêu thùa. Từ lúc  9 – 10 tuổi đã được các bà các mẹ, các chị tập cho thêu thùa đúng như câu tục ngữ mà người H’mông vẫn truyền tai nhau:

Lớn lên anh theo cha đi cày nương.

Theo anh đi vào rừng săn thú

Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới.

Đến tuổi trưởng thành, bác cũng như các thiếu nữ Hmông khác không tiếc thời gian, làm đêm, làm ngày thêu bộ váy áo cưới. Tập quán của người Hmông đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu thùa, qua bộ trang phục trong lễ cưới. Tục ngữ Hmông có câu Muốn biết người tốt xem gác bếp, muốn xem người đẹp xem quần áo. Và nghề dệt vải, thêu hoa văn là thước đo giá trị của người phụ nữ:

Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu

Gái xinh chưa biết cầm kim là hư.

Cô gái đẹp được quan niệm là cô gái phải thêu thùa khéo léo như trôn con

ốc. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng.

Chúng tớ cũng được quan sát rất nhiều họa tiết trên trang phục truyền thống của dân tộc H’mông.  Có thể nói hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục Hmông. Mọi hoa văn ở đây đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Hmông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc. Thường thấy các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, đinh, công cách quãng kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép (dấu móc hoặc chữ S), răng cưa, đường cong, đường lượn sóng... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh - sáu cánh- tám cánh, hoa bí, hoa tỏi, hoa cà, hoa mận, hoa đào, hoa sen, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá, lá ngải cứu, cành tùng, búp tre, lưỡi câu, núi sông, đuôi rồng, con ốc, con rắn, sừng dê...

Kết thúc chuyến trải nghiệm, chúng tôi – như vẫn còn rất ấn tượng với những nét họa tiết hoa văn trên trang phục dân tộc H’mông – Dao. Họa tiết hoa văn trên trang phục của họ không chỉ tăng giá trị thẩm mỹ cho bộ trang phục, thể hiện sự đặc sắc trong nét văn hóa mà còn là biểu hiện của nếp sống tộc người, thể hiện trình độ lao động thủ công truyền thống và quan niệm về thẩm mỹ. Đó thực sự là một kho tư liệu quý quá mà chúng em cần phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy những bản sắc truyền thống đó.

Người viết: Lù Thị Hương - Vàng Minh Khôi     

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập