Trải nghiệm sáng tạo: Nhìn từ thực tiễn học đường và những khó khăn

(ĐCSVN) - Những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các nhà trường tổ chức thường xuyên trong năm học và trong các kỳ nghỉ hè nhằm đưa học sinh đến gần với thực tiễn cuộc sống. Mỗi chuyến trải nghiệm sẽ giúp các em học sinh có được những bài học vô cùng sinh động và phong phú để thêm yêu cuộc sống và giúp ích cho công việc học tập.

Học sinh Phú Thọ biểu diễn hát xoan.

Nhìn từ thực tiễn học đường

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh ở các nhà trường tại các địa phương diễn ra khá phong phú và đa dạng dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Đa số các nhà trường đều thực hiện tổ chức trải nghiệm ngoài giờ học chính khóa, với việc lên kế hoạch, lịch trình và nội dung hoạt động cụ thể. Nhờ vậy, mỗi chuyến trải nghiệm đều diễn ra hiệu quả, nhanh gọn. Trước đây, để tổ chức trải nghiệm cho học sinh là một việc làm rất khó khăn đối với các nhà trường vì liên quan đến nhiều yếu tố như kinh phí, thời gian, lực lượng.

Những năm gần đây, nhờ sự linh hoạt và mục đích trải nghiệm nên các nhà trường đã tổ chức khá hiệu quả. Các nhà trường kết hợp với phụ huynh tổ chức các chuyến trải nghiệm gắn với đặc thù vùng miền, nhằm đưa học sinh về với những giá trị thực tiễn ngay trên mảnh đất mà các em sống. Nhờ đó, mỗi chuyến trải nghiệm đã mang lại kết quả thiết thực, bổ ích.

Sáng tạo trong tổ chức trải nghiệm, trong năm học vừa qua, thầy và trò trường THPT số 2 Bảo Yên (Lào Cai) đã có một cuộc trải nghiệm Toán học thú vị mang tên “Tạo mặt tròn xoay”. Buổi trải nghiệm được tiến hành tại khu sản xuất chậu cảnh gần khu vực trường, do các thầy cô giáo ở bộ môn Toán của trường tổ chức. Sau khi học lý thuyết, học sinh được thầy, cô giáo tổ chức thực hành ngay tại khu sản xuất chậu cảnh. Tại đây, các em học sinh được thực nghiệm làm chậu cảnh theo nguyên lý tạo mặt tròn xoay trong Toán học. Hầu hết các em học sinh rất hứng thú và thực hiện khá thành công chậu cảnh ở các kích thước khác nhau. Cuộc trải nghiệm đã giúp học sinh gắn lý thuyết với thực tiễn, làm quen với nghề làm chậu cảnh.

Trong hoạt động trải nghiệm thì trải nghiệm truyền thống được nhiều nhà trường tổ chức.Trước đây, các nhà trường ở miền núi hay vùng xa thường đưa học sinh đi Hà Nội hay các điểm di tích lớn để học sinh tham quan, nhưng hiện nay, trải nghiệm truyền thống gắn với trải nghiệm tại chỗ sẽ giúp các hoạt động này được thuận lợi và hiệu quả hơn. Mỗi địa phương đều có những di tích lịch sử, nhờ đó, các nhà trường theo tuần, tháng, quí lên lịch cho học sinh trải nghiệm ngay tại những di tích đó, qua đó góp phần giáo dục lịch sử địa phương và nhân lên niềm tự hào dân tộc ở học sinh.

Trải nghiệm ẩm thực quê hương là chương trình ngoại khóa sinh động
của học sinh vùng cao Kim Sơn, Bảo Yên, Lào Cai.

Tại huyện vùng cao Bảo Yên (Lào Cai), trong các năm học, các nhà trường đã tổ chức cho học sinh đến thăm những di tích lịch sử trên địa bàn, chăm sóc di tích và tìm hiểu truyền thống lịch sử địa phương qua những câu chuyện kể tại di tích. Ở mỗi cấp học, các nhà trường trên địa bàn huyện Bảo Yên đã tổ chức các hoạt động thực tế tại các di tích lịch sử trên địa bàn nhằm giúp các em học sinh có những trải nghiệm sinh động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo lãnh đạo các nhà trường, sau những buổi trải nghiệm tại di tích, học sinh vùng cao Bảo Yên được bồi dưỡng thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và có được những bài học quý từ trong truyền thống lịch sử của quê mình.

Còn tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), trong năm học 2017 - 2018, trường THCS Phượng Lâu đã tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Trường học gắn với di sản văn hóa Hát xoan Phú Thọ”. Chương trình nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, có sự tham gia của các phường xoan gốc ở Việt Trì, CLB hát xoan các nhà trường THCS Tiên Cát, TH Phượng Lâu... Các em học sinh rất hào hứng và thể hiện thành công, ấn tượng các làn điệu hát xoan. Chương trình ngoại khóa có ý nghĩa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa hát xoan Phú Thọ.

Với mục đích giúp các em học sinh có những chuyến trải nghiệm thú vị và mang lại những bài học bổ ích, nhiều nhà trường đã không ngần ngại tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa các em học sinh đến các cơ sở sản xuất, các lễ hội, bản làng để mỗi em học sinh được quan sát, tìm hiểu và thu hoạch được những tri thức từ mỗi chuyến đi.

Với ý nghĩa ấy, thầy và trò trường Phổ thông dân tộc Nội trú, THCS và THPT Bảo Yên (Lào Cai) đã có chuyến thực tế tại bản Rịa, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai), vùng đất sinh sống của đồng bào Tày từ lâu đời để tìm hiểu vốn văn hóa ẩm thực của người Tày. Tại đây, các em học sinh đã được nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi kể, giảng giải về các món ăn truyền thống của người Tày, cách chế biến, dư vị và sự đậm đà của mỗi món. Nhờ đó, các em học sinh đã hiểu sâu hơn về văn hóa ẩm thực, tự hào hơn về truyền thống quê hương mình.

Gắn với các mô hình giáo dục mới

Ở các tỉnh vùng cao, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các nhà trường gắn với mô hình “Trường học đa văn hóa”, “Trường học gắn với thực tiễn”. Nhờ đó, hoạt động trải nghiệm được các nhà trường tổ chức có kế hoạch cụ thể, có mục đích và có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đưa học sinh đến gần với thực tiễn, những giá trị văn hóa, những phong tục, tập quán để các em thêm yêu quê hương, xứ sở qua việc tìm hiểu bản sắc văn hóa cổ truyền.

Trong năm học vừa qua, các em học sinh người dân tộc Tày của trường Tiểu học xã Kim Sơn (Bảo Yên - Lào Cai) đã có một cuộc trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa ngay tại trường. Đó là Ngày hội ẩm thực quê hương được Chi đoàn Thanh niên, Liên đội và nhà trường tổ chức. Tại ngày hội, học sinh các lớp dựng trại trên sân trường, được thầy cô giáo hướng dẫn làm các món ăn bản địa của dân tộc Tày như bánh lẳng, xôi ngũ sắc, cá suối nướng, bánh chưng, bánh trôi màu, cơm lam ngũ sắc, bánh trứng kiến... cùng các loại rau rừng như măng đắng, rau dớn, bắp chuối rừng, đặc sản mật ong rừng…để giới thiệu, trưng bày thành những gian hàng đầy hấp dẫn và thú vị tại trại của từng lớp. Tại mỗi góc trưng bày ẩm thực xinh xắn, các em học sinh trong trang phục của người dân tộc Tày thuyết minh về các món ăn của dân tộc mình với thầy cô và bè bạn. Nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc được các em học sinh giới thiệu rất chi tiết, hấp dẫn.

Học sinh trường THPT Xuân Áng (Phú Thọ) trải nghiệm
ngoại khóa tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ.

Các em học sinh của nhà trường rất hứng thú với ngày hội ẩm thực này. Đây là cuộc trải nghiệm sáng tạo đầy thú vị, sinh động qua nét văn hóa ẩm thực quê hương. Hòa mình vào ngày hội, mỗi em học sinh người dân tộc Tày hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình, nhân lên niềm tự hào và tình yêu văn hóa xứ sở. Theo lãnh đạo nhà trường, đây là hoạt động trải nghiệm nằm trong chương trình giáo dục truyền thống, nhân rộng mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.  

Trong mỗi chuyến trải nghiệm, các nhà trường xác định, trải nghiệm không chỉ là quan sát, chiêm ngưỡng hay nghe giảng giải mà học sinh cần được tự tay mình làm những công việc thường ngày của cuộc sống. Tuy có thể không thành thạo nhưng việc tự làm những công việc dù là nhỏ, các em sẽ cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc và rèn luyện đức tính yêu lao động.

Tại huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ), vừa qua, các em học sinh trường THCS Hạ Hòa đã có một cuộc trải nghiệm đầy thú vị khi các em được thầy, cô và phụ huynh tổ chức đi thăm làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) trong thời gian một ngày. Tại đây, các em được nghe các nghệ nhân gốm giới thiệu về làng nghề gốm Bát Tràng, quy trình sản xuất đồ gốm cùng các sản phẩm gốm của làng nghề. Đồng thời, cũng tại làng nghề, sau khi tham quan, các em học sinh được hướng dẫn làm sản phẩm gốm như bát, đĩa, chum, vại.

Nhiều em tỏ ra hứng thú khi tự tay mình được nặn đất, xoay hình để tạo nên sản phẩm gốm. Theo các thầy, cô giáo, trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng là hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang lại nhiều giá trị thực tiễn đối với các em học sinh nhà trường.

Những khó khăn khi tổ chức

Tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là hoạt động được khuyến khích tại các nhà trường phổ thông hiện nay. Tuy vậy, đây là công việc không dễ thực hiện. Khi các trường học bắt tay vào thực hiện sẽ gặp phải không ít khó khăn.

Cụ thể như sự khó khăn về thời gian tổ chức. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học hiện nay khá kín về thời lượng. Bên cạnh đó, phải kể đến yếu tố không gian, địa lí. Thông thường, các địa điểm như khu di tích, bảo tàng, các địa danh hay các khu công nghiệp, nông trại thường khá xa trường học. Đồng thời, yếu tố kinh phí thực hiện là khó khăn không nhỏ.  

Một yếu tố quan trọng phải kể đến, khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị về tâm lí và phương pháp, các em học sinh dễ bị rơi vào sự thụ động khi tiếp cận đối tượng trải nghiệm hoặc sẽ biến buổi học trải nghiệm thành một chuyến tham quan. Khi tổ chức, yếu tố về sự an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm là rất quan trọng. Do khoảng cách địa lí, phương tiện di chuyển và đối tượng trải nghiệm nên việc đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức cho số đông học sinh tham gia học tập sẽ gặp không ít khó khăn.

Để đạt được mục đích, yêu cầu và hiệu quả của hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại các nhà trường phổ thông nhằm đổi mới phương pháp giáo dục, mỗi nhà trường cần có một chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức thật sự khoa học và phù hợp. Khi xây dựng chương trình, cần chú ý đến hoạt động này trong thời lượng chương trình để việc sắp xếp và tổ chức xen kẽ vừa hợp lí vừa hiệu quả. Các nhà trường tại các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch và tiến hành các hoạt động học tập trải nghiệm sao cho hiệu quả, làm tốt công tác phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các đoàn thể và các địa phương trong khi tổ chức./. 

Nguyễn Thế Lượng

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập