Tư vấn tâm lý học đường - nhu cầu cấp bách
 
Phó Tổng biên tập Dương Thanh Hương (thứ 2 từ trái sang) và Trưởng ban điện tử Đinh Công Thắng tặng hoa cho PGS.TS Trần Thị Minh Hằng và cô Trần Thị Quỳnh Hoa. Phó Tổng biên tập Dương Thanh Hương (thứ 2 từ trái sang) và Trưởng ban điện tử Đinh Công Thắng tặng hoa cho PGS.TS Trần Thị Minh Hằng và cô Trần Thị Quỳnh Hoa.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về công tác tư vấn, tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội cho học sinh, sinh viên; trong đó có Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”.

Nhiều địa phương đã tổ chức, triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ học sinh kịp thời khi gặp những vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để có bức tranh toàn cảnh và rõ nét hơn về vấn đề tâm lý học đường, từ 9h đến 10h ngày 18/12, báo Giáo dục & Thời đại tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tâm lý học đường - nhu cầu cấp bách”.

Buổi giao lưu có sự tham gia của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục và cô Trần Thị Quỳnh Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho các vị khách mời để có thể nhận được những chia sẻ, tư vấn và những hỗ trợ thiết thực nhất.

Các khách mời tham gia cuộc Giao lưu trực tuyến: Tư vấn tâm lý học đường - nhu cầu cấp bách. Ảnh: Thế Đại. 

GD&TĐ

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Thực tế, công tác tâm lý học đường đã được chú trọng nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo cô đâu là khó khăn, hạn chế lớn nhất của công tác này? 

Ngô Thanh Hải

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Trong những năm gần đây, xã hội và đặc biệt ngành giáo dục đã có những quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường nhưng thực tế công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Những khó khăn trong công tác này đó là: Năng lực tư vấn cho học sinh của các nhà tư vấn còn hạn chế, công tác tư vấn chủ yếu là các giáo viên kiêm nhiệm mà giáo viên năng lực dạy học là chủ yếu, kỹ năng của nhà tư vấn còn hạn chế.

Đồng thời, chế độ đãi ngộ cho những người kiêm nhiệm công tác này chưa thỏa đáng (mặc dù thông tư 16 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn, xác định, vị trí việc làm và chế độ đối với những người tham gia tư vấn nhà trường).

Cô có hiến kế gì để phát triển công tác tâm lý học đường trong các trường phổ thông? 

Phan Thị Kiều Nga

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo tôi để phát triển công tác tâm lý học đường trong các trường phổ thông cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng các nhà tư vấn tâm lý trường học;

Thứ hai, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác tư vấn trường học;

Thứ ba, trước mắt trong trường học giáo viên chủ nhiệm lớp là những người gắn bó, thấu hiểu học sinh sinh. Vì vậy, cần tập trung nâng cao năng lực tư vấn cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm.

Thứ tư, trách nhiệm của những cơ sở nghiên cứu, đào tạo và Hội Tâm lý học phải bồi dưỡng cho những người làm công tác tư vấn trường học, đạo đức nghề tư vấn để thực sự hoạt động tư vấn tâm lý học đường có hiệu quả, tránh phản tác dụng.

Em là giáo viên chủ nhiệm và dạy ở một trường THCS công lập. Em đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng thi thoảng vẫn thấy một số nhóm học sinh tẩy chay lẫn nhau. Cô mách giúp cháu cách để khắc phục tình trạng này đối với học trò? 

Đào Hoa Hồng

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo cô, giáo viên chủ nhiệm lớp là những người gần gũi với các em. Khi phát hiện nhóm học sinh tẩy chay lẫn nhau, bạn nên gặp riêng từng nhóm tìm hiểu tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của từng nhóm sau đó, giải thích, giảng hòa cho các em.

Đồng thời tổ chức các hoạt động để cả hai nhóm có điều kiện tham gia, xóa đi khoảng cách, cách biệt giữa hai nhóm.

Em học lớp 10, được một anh lớp 12 “để mắt”. Ngày nào anh ấy cũng “khủng bố” em bằng tin nhắn. Em phải làm gì bây giờ cô ơi? 

Bùi Thanh Vân

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :
Phó TBT Dương Thanh Hương tặng hoa cho PGS.TS Trần Thị Minh Hằng. Ảnh: Thế Đại.

Em được anh lớp 12 “để mắt”, điều đó chứng tỏ trong mắt anh ấy, em đã là người đáng yêu mà bạn khác chưa có. Nét đáng yêu này ở em cần được phát huy. Nhưng anh ấy “khủng bố” bằng tin nhắn nhiều quá, thể hiện anh ấy chưa có khả năng kiềm chế cảm xúc của bản thân.

Vì vậy, theo cô em có thể nhắn lại hoặc gặp riêng anh ấy để nói lời cảm ơn về tình cảm mà anh ấy đã dành cho em. Đồng thời em cũng nên tỏ thái độ kiên quyết, yêu cầu anh không được nhắn tin quá nhiều, nếu không thì sẽ có những hành vi để trả đáp anh. VD: Chặn tin nhắn, không nghe điện thoại hoặc là trình bày với các nhà tư vấn tâm lý trường học để được giúp đỡ tích cực.

Em chào cô ạ! Cô ơi, em đang học lớp 11, em cảm thấy khó tâm sự với người lớn lắm ạ, kể cả thầy cô giáo và bố mẹ. Như vậy là không tốt đúng không cô, em nên thay đổi như thế nào ạ?

Hoàng Anh Loan (Học sinh lớp 11, Cầu Giấy)

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Chào em!

Nếu em không tâm sự với người lớn thì em đã bỏ qua nhiều cơ hội tư vấn, giúp đỡ tốt từ những người có kinh nghiệm, nhất là những người luôn mong muốn điều tốt nhất cho em là thầy cô và cha mẹ.

Phó TBT Dương Thanh Hương tặng hoa cho cô giáo Trần Thị Quỳnh Hoa.

Em hãy chủ động tâm sự và lắng nghe, kể cả lời khuyên đưa ra với một thái độ tức giận thì cũng nên chấp nhận để có thêm lựa chọn. Và đừng bao giờ ngại bị từ chối nhé! Vì nếu em không nói, mọi người sẽ không biết em đang cần gì, mong muốn gì để giúp đỡ!

Cô Hoa ơi, trường tôi cũng từng tổ chức tư vấn tâm lý mà phụ huynh chỉ coi đó là những buổi hình thức thôi, có cách nào để lôi kéo được cha mẹ học sinh cùng đồng hành không cô? 
 

Nguyễn Ngân (Vĩnh Phúc)

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Tôi nghĩ rằng, nhà trường phải chủ động trong việc tuyên truyền về công tác tư vấn tâm lý. Trong các buổi họp cha mẹ học sinh, cần đề cập đến nội dung này để phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của tâm lý lứa tuổi.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cần chủ động trong công tác trao đổi, chia sẻ với giáo viên bộ môn về những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, dấu hiệu tâm lý thay đổi. Việc hiểu rõ hoàn cảnh học sinh sẽ giúp các thầy cô phối hợp hiệu quả với cha mẹ học sinh.

Đối với học sinh có khó khăn về vấn đề tâm lý, nhà trường cần trao đổi kịp thời với cha mẹ học sinh, yêu cầu cùng phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ học sinh.

Trong lớp em có một bạn rất hay bị các bạn khác trong lớp trêu quá đáng, thậm chí là chế giễu khiến bạn ấy phát khùng. Đấy có phải là bạo lực tinh thần không cô? 

Mai Thanh Xuân

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo cô, trong quan hệ với bạn bè chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt không thể lấy những khuyết điểm của người khác để chế giễu, xúc phạm bạn.

Đây cũng là biểu hiện của bạo lực tinh thần dạng thấp (gây hấn), nếu không được bạn bè can thiệp và nhà tư vấn tâm lý định hướng thì sẽ xảy ra bạo lực khi bạn bị chế giễu không giữ được bình tĩnh.

Cô nhắc lại, trong cuộc sống, trong quan hệ bạn bè, một trong những nguyên tắc là phải tôn trọng lẫn nhau, đặt mình vào vị trí người khác thì mới giữ được bầu không khí vui vẻ, đoàn kết và hợp tác.

Theo cô, tư vấn tâm lý  học đường có là vấn đề cấp bách hiện nay hay không? 

Hà Hữu Huân

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Rất cấp bách đấy bạn ạ! Rất nhiều vụ việc xảy ra trong và ngoài nhà trường liên quan trực tiếp đến học sinh là do các em chưa có kỹ năng sống, chưa được tư vấn tâm lý.

Ở các nước phát triển, hoạt động tư vấn tâm lý trường học rất được quan tâm. VD ở Singapore, các phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả đã giúp nhà trường phát hiện những biểu hiện tâm lý không bình thường ở học sinh, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp cho các nhà giáo dục có các phương pháp để hình thành phát triển và nhân cách trẻ một cách đúng đắn.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện tâm lý học đường. Các nhà trường cũng đã nhận thức được vấn đề này nên đã triển khai nhưng hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, trong thời gian tới, hoạt động tư vấn tâm lý học đường cần có sự đầu tư, tham gia của nhiều lực lượng hơn nữa, đặc biệt là trang bị những tri thức và kỹ năng cho những người tham gia tư vấn tâm lý trường học.

Tôi là phụ huynh có con đang học THPT, tôi rất tò mò không biết, học sinh có bao giờ tâm sự với các cô chuyện riêng của các em không ạ, và chủ yếu những băn khoăn của các em trong độ tuổi này là gì ạ? 

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :
"Học sinh thường tìm đến thầy cô chủ nhiệm hoặc giáo viên mà mình yêu quý để tâm sự", cô Trần Thị Quỳnh Hoa. 

Thông thường, học sinh thường tìm đến thầy cô chủ nhiệm hoặc giáo viên mà mình yêu quý để tâm sự.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường THPT ở Hà Nội đã có phòng tham vấn tâm lý học đường do giáo viên chuyên trách được đào tạo và tập huấn. Vì vậy, học sinh cũng coi đó là địa chỉ tin cậy để tâm sự.

Điều khác biệt, các thầy cô làm công tác tham vấn tâm lý không phải là giáo viên dạy trên lớp nên các em dễ chia sẻ hơn. Tùy từng trường hợp, mỗi em có một câu chuyện riêng để tâm sự như: chuyện gia đình, quan hệ bạn bè tình yêu tuổi học trò, khó khăn trong việc học, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, ….

Tôi nghe nói, bạo lực học đường biểu hiện ở nhiều phương diện, có đúng vậy không chuyên gia? 

Trương Thị Thu Thủy

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :
"Nhà giáo dục cần có kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và giải quyết các vụ bạo lực học đường ở học sinh" - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng.

Đúng vậy bạn ạ! Bạo lực học đường có thể biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Gây hấn, đánh nhau, miệt thị, hành hung.

Tất cả các biểu hiện này đều làm tổn thương về thể chất và tinh thần của các em và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động học tập và phát triển nhân cách.

Vì vậy, các nhà giáo dục cần có kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và giải quyết các vụ bạo lực học đường ở học sinh.

Theo cô, các trường học phổ thông có nên thành lập phòng tâm lý học đường?

Nguyễn Trung Thành

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo tôi, thành lập phòng tâm lý học đường là nhu cầu cấp thiết trong các trường học và đối với xã hội hiện nay. Với sự phát triển của trẻ, với bối cảnh xã hội phức tạp trong mọi hoạt động thì học sinh cần có sự trợ giúp tâm lý để giải quyết những khó khăn của các em trong đời sống, học tập và trong chính sự phát triển của mình (tâm, sinh lý).

Con tôi rất nhút nhát nên hay bị bắt nạt. Vì cũng không phải là chuyện to tát nên không thể việc gì cũng nói chuyện với cô giáo. Nhưng tôi rất lo lắng, mong PGS cho tôi lời khuyên?

Nguyễn Thị Văn (TP Hà Nội)

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo tôi, con bạn nhút nhát thể hiện là chưa mạnh dạn trong quan hệ với bạn và những người xung quanh. Vì vậy, bạn cần phải tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho con, để thông qua đó hình thành cho con kỹ năng thể hiện bản thân trong cuộc sống.

Việc giáo dục này phải là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, giữa bạn và cô giáo. Việc trao đổi với cô giáo là chuyện bình thường, để các cô giáo có thể tư vấn cho bạn, giải tỏa cho bạn những lo lắng về tính nhút nhát của con.

Bé trai nhà em đang học lớp 7, thời gian gần đây, em thường xuyên phát hiện trong cặp con thư của các bạn gái cùng lớp gửi bày tỏ tình cảm. Em quan sát thì thấy cu cậu vò nát các lá thư ấy nhé trong góc cặp mà không kể gì với bố mẹ. Theo cô, có nên nói chuyện thẳng thắn với con về chuyện này?

Như Hoa, Hà Nội

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Mình nghĩ, bạn không nên bỏ qua câu chuyện mà nên nói về câu chuyện này với con một cách vui vẻ, hài hước nhưng cần lắng nghe, không phán xét. Bạn cũng cần biết con suy nghĩ gì về việc này, từ đó, bạn cũng có thể giúp đỡ con có ứng xử phù hợp với bạn (việc tôn trọng) không để việc này ảnh hưởng đến việc học của mình và bạn.

Thưa cô, con em đang học lớp 6, có nên cho bé tham gia mạng xã hội không? Bé cho biết, các bạn trong lớp đã được bố mẹ tạo facebook, Zalo để trao đổi với các bạn. Nếu cho con tham gia mạng xã hội, nên kiểm soát con như thế nào?

Trần Như Quỳnh, Nhân viên văn phòng, Hà Nội

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Theo mình, trong thời đại công nghệ 4.0, việc sử dụng mạng xã hội cũng mang lại nhiều hữu ích, nhưng quan trọng là sử dụng nó như thế nào.

Con của bạn đang học lớp 6, cũng còn nhỏ tuổi khi sử dụng mạng xã hội, bạn nên đồng hành cùng con như: hướng dẫn con sử dụng đúng, quy ước thời gian xem trong ngày, trao đổi với con về những nội dung phù hợp với lứa tuổi của con, chia sẻ về những nội dung không nên xem để con sử dụng đúng cách.

Bạn cũng nên có những phương pháp kiểm tra việc sử dụng mạng của con. Hiện nay, thiết bị công nghệ hiện đại sẽ giúp bạn giới hạn được nội dung mà bạn muốn con sử dụng hoặc không sử dụng.

Cháu học lớp 11, có quen một anh học lớp 12. Cháu có chút tình cảm với anh ấy. Hôm vừa rồi cháu bị bố mẹ phát hiện nên đã cấm cháu tiếp xúc với anh ấy. Hàng ngày bố mẹ cháu thay phiên nhau để đưa đón cháu đi học. Cháu rất khó xử, cô cho cháu một lời khuyên với ạ? – Trần Thanh Huyền 

huyen2t***@gmail.com

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo cô, tình cảm  của cháu với một anh lớp 12 là tình cảm tự nhiên. Nhưng đây mới chỉ dừng lại ở những xúc cảm ban đầu. Cháu đang học lớp 11 vì vậy cô tin rằng, cháu có bản lĩnh và nhìn nhận được tình cảm của bản thân để từ đó có những định hướng đúng đắn, không để tình cảm đi quá sâu, ảnh hưởng đến hoạt động học tập và nhân cách của bản thân.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho biết, tình cảm học trò là tự nhiên, nên con cái hoàn toàn có thể bày tỏ với bố mẹ hãy tin tưởng và tôn trọng quyền riêng tư của mình và không nên giám sát quá chặt chẽ, làm cho con bị tổn thương. Ảnh minh họa. 

Với bố mẹ cháu, cô thấy đây là những người có trách nhiệm lo lắng cho cháu, cô rất trân trọng sự lo lắng này của cha mẹ với con cái. Vì vậy, cháu phải trân trọng và tạo được niềm tin của bố mẹ đối với mình bằng cách: Cháu bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ này, đồng thời cháu phải cố gắng trong học tập để có kết quả, tạo niềm tin với bố mẹ.

Ngoài ra, cháu cũng nên nói rõ với bố mẹ hãy tin tưởng và tôn trọng quyền riêng tư của con cái và không nên giám sát quá chặt chẽ, làm cho con bị tổn thương. Với cách xử lý như vậy, cô tin là bố mẹ sẽ hiểu và thay đổi cách ứng xử với con theo chiều hướng tích cực.

Xin phép hỏi cô Trần Quỳnh Hoa, độ tuổi học sinh học THPT, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải chú trọng nhất vào điều gì để có thể đồng hành cùng học trò của mình? Xin cảm ơn cô. 

Tottochan@gmail.com

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, nắm vững chuyên môn là điều đương nhiên, nhưng hiểu tâm lý và hoàn cảnh học sinh là điều cần thiết và phải luôn tâm niệm học sinh cần được tôn trọng.

Dù bằng hình thức nào, giáo viên cũng cần là người truyền những cảm hứng tích cực về việc học, về cuộc sống và về con người.

Giáo viên cũng cần có phương pháp để giúp học sinh phát huy tối đa năng lực phẩm chất tốt nhất của học sinh.

 

Con gái tôi học lớp 12. Tôi vô tình đọc được nhật ký của con gái mình, trong nhật ký cháu viết rất yêu thầy giáo dạy tiếng Anh. Tôi rất lo lắng và hoang mang không biết xử trí thế nào, mong PGS cho tôi lời khuyên? 

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Theo tôi, con gái bạn đang học lớp 12, đây là lứa tuổi đã trưởng thành về mặt sinh lý và tâm lý. Vì thế biểu hiện tình cảm của con là hết sức tự nhiên.

Con có những quyền riêng tư, do đó việc bạn vô tình đọc nhật ký của con bạn cũng cần phải khéo léo, tế nhị để tránh việc con hiểu lầm là mẹ tò mò, không tôn trọng quyền riêng tư của con. Đặc biệt, bạn không nên nói thẳng sự việc bạn đọc được với con, tránh tổn thương đối với con bạn.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, con có những quyền riêng tư, do đó việc bạn vô tình đọc nhật ký của con bạn cũng cần phải khéo léo, tế nhị để tránh việc con hiểu lầm là mẹ tò mò, không tôn trọng quyền riêng tư của con. Ảnh minh họa. 

Theo tôi, bạn cần gần gũi con nhiều hơn thông qua các hoạt động, sinh hoạt gia đình hoặc các buổi đi du lịch, những buổi đi mua sắm… Bạn khéo léo gợi ý để con gái nói lên những suy nghĩ của mình về tình cảm, về những đặc điểm tính cách của những người mà con yêu quý.

Trên cơ sở đó, bạn định hướng cho con có thể yêu mến và cảm phục những người lớn tuổi, nhưng những tình cảm đó chỉ có thể thể hiện và được mọi người xung quanh chấp nhận khi con xứng đáng với người đó bằng kết quả học tập, bằng sự phấn đấu và sự trưởng thành nhân cách của con.

Là một nhà sư phạm, là một người mẹ, cô Hoa có thấy rằng đó là lợi thế để nuôi dạy con không ạ?

Ngọc Hà (Ba Đình, HN)

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Đúng là vừa là một nhà sư phạm, vừa là mẹ, tôi thấy đó là lợi thế của bản thân.

Khi là một giáo viên, tôi được trải nghiệm tâm lý lứa tuổi học sinh qua từng giai đoạn nên tôi có thể hiểu con mình hơn. Từ đó, mọi chia sẻ của tôi với con cũng dễ dàng hơn.

 Cô Trần Thị Quỳnh Hoa trả lời các thắc mắc của độc giả Báo GD&TĐ.
Hiện nay, nhiều phụ huynh có tư tưởng là để con trưởng thành một cách tự nhiên nhất chứ không gò bó hay tạo ra khuôn khổ giống phương Tây để con tăng cường khả năng sáng tạo. Xin hỏi cô Hoa, điều này có thực sự tốt không ạ?

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Bản thân tôi cho rằng, việc nâng đỡ con giống như bạn đang thả diều, nếu muốn thả diều vẫn cần có người cầm dây để diều bay cao, xa hơn. Nhưng nếu buông dây thì việc thả diều sẽ thất bại. Người cầm dây diều vẫn rất quan trọng. Chính vì vậy, để con phát huy năng lực sáng tạo của mình thì vẫn cần có sự đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm sống, tôn trọng, của cha mẹ. Việc học hỏi kinh nghiệm thành công hay thất bại từ những người đi trước sẽ hữu ích đối với con trẻ.

Không biết cô Hoa có con tuổi trưởng thành chưa ạ, xin được cô chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp để giáo dục con trong độ tuổi này ạ?

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Cảm ơn bạn, con tôi đã trải qua thời học sinh và đã đi làm. Đối với con, từ nhỏ cho đến khi đi làm, tôi luôn xác định mình là người bạn đồng hành cùng con. Tôi chọn phương pháp nói chuyện. Tôi và con thường nói về công việc của cá nhân, những điều đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh mỗi người được trải nghiệm trong ngày.

Khi con gặp khó khăn, bằng kinh nghiệm sống của mình, tôi thường đưa ra nhiều hướng giải quyết (như một lời khuyên) cho con lựa chọn và quan sát cách lựa chọn và kết quả để cùng nhau điều chỉnh. Ngược lại, khi tôi gặp khó khăn, tôi cũng chia sẻ cùng con và tôn trọng những ý kiến đóng góp của con.

Tôi cho rằng, trong gia đình rất cần sự tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe, hỗ trợ giữa các thành viên.

Con tôi học lớp 1, tôi rất lo con mình bị bạo lực ở trường, làm thế nào để nhận biết con mình đang bị bạo lực?

Nguyễn Thúy Luân (Hà Nam)

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :
  PGS.TS Trần Thị Minh Hằng: Các bố mẹ đều có thể nhận biết các dấu hiệu bất thường của con ở trường. Ảnh: Thế Đại. 

Tôi rất đồng cảm với bạn! Là một người mẹ yêu thương con, vì vậy việc lo lắng cho con mình bị bạo lực học đường là đúng. Bạn có thể nhận biết bằng các dấu hiệu biểu hiện bất thường hàng ngày ở con bạn như:

Thứ nhất, con tỏ ra rụt rè, sợ sệt trong quan hệ giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với người lạ.

Thứ hai, con rất hay nói về một bạn với thái độ bực tức, ghét bỏ.

Thứ ba, lực học của con tự nhiên giảm sút, con không tập trung chú ý và không thích đi học.

Có thể ở con đồng thời diễn ra các biểu hiện như trên nhưng cũng có thể diễn ra một trong những biểu hiện trên. Vì vậy, bạn cần phải thường xuyên có những cảm nhận nhanh nhậy, tránh tình trạng các biểu hiện này diễn ra lâu làm con bạn đã thay đổi hẳn trạng thái tâm lý thì việc can thiệp của các nhà tư vấn tâm lý sẽ khó khăn hơn.

Cô ơi, cô giáo chủ nhiệm của em khá nghiêm khắc nên em cũng không biết cách nào để nói với cô. Em ngồi cạnh một bạn, bạn ấy đợt này có nhiều biểu hiện bất thường, em đang nghi vấn bạn ấy có liên quan đến xã hội đen. Em rất lo cho bạn ấy và không biết nên làm gì bây giờ ạ? 

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Chào em!

Nếu câu chuyện của em không được cô giáo chủ nhiệm biết đến thì có thể sẽ làm cho bạn của em “tệ” hơn, vì vậy, cách tốt nhất là em nên chia sẻ với cô giáo việc này và đề nghị với cô giúp đỡ bạn. Em cũng nên thể hiện mong muốn của mình với cô là không quá nghiêm khắc với bạn để bạn đi đúng hướng và cho bạn thời gian để thay đổi.

Bản thân em cũng cần vượt qua rào cản, tìm thời gian thích hợp, khi cô giáo “sẵn sàng” lắng nghe, hoặc em có thể viết thư cho cô, gửi qua email hoặc tin nhắn, hoặc trực tiếp gửi để bày tỏ hết suy nghĩ của em.

Là một chuyên gia tâm lý, cô có nghiên cứu về bạo lực học đường hay không? Theo cô tình trạng này đang diễn ra như thế nào? 

Trần Thị Mai Hoa (Lạng Sơn)

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng :

Tôi rất quan tâm và đã có nhiều nghiên cứu về bạo lực học đường ở các lứa tuổi từ bậc mầm non cho đến THPT. Tháng 9/2019, Khoa Giáo dục của Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề: Bạo lực học đường, nguyên nhân và giải pháp.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục tham gia cuộc giao lưu. Ảnh Thế Đại. 

Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng, trong những năm gần đây số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp; đặc biệt số vụ bạo lực của học sinh nữ ngày càng tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em.

Một trong các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là tăng cường hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Qua đó nhằm giúp các em bước đầu giải quyết những mâu thuẫn, phòng tránh nảy sinh các xung đột.

Xin hỏi cô Hoa, tâm lý học sinh độ tuổi mới lớn có thực sự “to tát” như người ta đang nói không cô? 

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa :

Xin chào bạn!

Vấn đề tâm lý học sinh độ tuổi này cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng đến tương lai, thậm chí còn gây ra hậu quả ngay trong thời điểm hiện tại của con người. Nếu được tác động đúng lúc thì cuộc sống của con trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Còn nếu bỏ qua thì sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu ảnh hưởng đến tương lai, nên lúc đó muốn thay đổi thì cũng muộn.

Cô Trần Thị Quỳnh Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tham gia cuộc giao lưu. Ảnh: Thế Đại.

Thời điểm này, tâm lý các con thay đổi bên trong suy nghĩ chứ không phải biểu hiện bệnh lý ra bên ngoài. Nếu là bệnh lý thì sẽ có bác sĩ chuyên khoa chữa trị, còn đối với tâm lý bên trong nếu bỏ qua thời điểm vàng thì sẽ mất nhiều công sức để thay đổi.

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập