Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học: Hiệu trưởng và người dạy đều quan trọng

Nếu không có sự sáng tạo và quyết tâm…

Cô giáo Ngô Thị Kiều Linh, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Việc ứng dụng CNTT trong dạy học cho đến nay không còn mới mẻ, nhưng cũng chưa hẳn đã được phổ biến rộng rãi, nhiều giáo viên còn e dè, ngại ngần, sử dụng CNTT trong dạy học một cách máy móc, thụ động…Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều giáo viên đã ăn sâu cách dạy học truyền thống, ngại đổi mới, bên cạnh đó trình độ tin học trong giáo viên chưa đồng đều, nhiều giáo viên chưa được đào tạo cơ bản. Cùng với đó, trang thiết bị, máy móc để phục vụ việc dạy học còn thiếu thốn, thậm chí có nơi không có được phòng máy vi tính thì nói gì đến dạy và học theo phương pháp hiện đại…

Đứng trước những khó khăn này, nếu người thầy không thực sự say nghề, không có sự lao động sáng tạo thì sẽ khó mà đưa được CNTT vào giảng dạy… Coi CNTT là con đường ngắn nhất để đổi mới phương pháp dạy học, cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà- Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) đã vượt lên mọi khó khăn để ứng dụng thành công CNTT vào giảng dạy. Không chỉ vướng về trình độ tin học, tuổi đời lại đã cao (chỉ còn hơn 1 năm nữa là nghỉ hưu), bản thân cô còn đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư nguy hiểm, song với lòng yêu nghề, sức sáng tạo không ngơi nghỉ, cô đã hoàn thiện nhiều phần mềm điện tử có giá trị, trong đó phải kể đến Thư viện hình học lớp 7 có giá trị ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong dạy học. Cô tâm sự: Đổi mới phương pháp dạy học, yếu tố quyết định là bản thân người giáo viên có quyết tâm hay không. Nếu quyết thì trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng làm được. Dù ở miền núi xa xôi, hay ngoài hải đảo với chuyên môn vững vàng và trái tim nhiệt huyết chúng ta sẽ làm được.

Khi hiệu trưởng tạo điều kiện

Thấy được tầm quan trọng cũng như những khó khăn của giáo viên khi ứng dụng CNTT vào giảng dạy, trong những năm qua, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động để hỗ trợ giáo viên trong việc ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy học, từ việc nâng cao nhận thức của CBGV đến tập huấn sử dụng phần mềm, thao giảng theo chuyên đề, đầu tư trang thiết bị hiện đại…Chính vì vậy, đến thời điểm này, phần lớn CBGV của trường đã có thể ứng dụng CNTT như một công cụ trong đổi mới dạy học. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Đình Đại: Muốn đổi mới dạy học và ứng dụng CNTT có hiệu quả trong nhà trường, trước hết chính hiệu trưởng cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của đổi mới dạy học và vai trò của ứng dụng CNTT vào dạy học, phải giúp giáo viên hiểu được thế nào là đổi mới dạy học và muốn đổi mới dạy học giáo viên phải làm gì. Đồng thời hiệu trưởng cũng phải tạo điều kiện cơ sở vật chất để việc thực hiện đổi mới dạy học của GV dễ thực hiện…

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có hướng đi như ở THPT Nguyễn Gia Thiều, ở nhiều trường, quan điểm của lãnh đạo nhà trường về vấn đề ứng dụng CNTT còn chưa đồng bộ và chưa rõ ràng, còn có tâm lý hoài nghi về tính hiệu quả của việc làm này. Trường không dấy lên phong trào thi đua và cơ chế khuyến khích việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thiết kế bài giảng điện tử trong công tác chuyên môn. Hơn nữa để soạn ra một giáo án điện tử, một phần mềm giảng dạy, giáo viên phải mất rất nhiều công sức, thời gian cũng như kinh phí, nhưng ở nhiều nơi, nhà trường chỉ khen “suông” mà không có hình thức khen thưởng xứng đáng…

Theo cô giáo Phạm Thu Hoàn- Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội): Khi bắt tay vào thiết kế bài giảng điện tử, nhiều giáo viên tỏ ra mệt mỏi vì công sức phải bỏ ra để có một tiết dạy không phải tính bằng giờ mà bằng ngày. Chính vì vậy, những khó khăn và tốn kém về thời gian, vật chất này cần được nhà trường hiểu rõ để có sự động viên và đãi ngộ hợp lý, có sự hỗ trợ kinh phí cho từng tiết dạy có sử dụng CNTT…Hơn nữa, Nhà trường cần tổ chức các phong trào thi đua giảng dạy bằng phương tiện hiện đại, có tổng kết, biểu dương, khen thưởng nhằm tạo thêm khí thế sôi nổi và để những giáo viên còn e ngại có những bước đi mạnh dạn hơn, đặc biệt là giáo viên đã có tuổi và giáo viên mới vào nghề. Đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên, từ đó đề xuất với chuyên môn những giải pháp góp phần nâng cao trình độ tin học cho giáo viên, có chế độ đãi ngộ cho những giáo viên có bài giảng điện tử có giá trị, tích cực lao động sáng tạo trong nghề, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy…

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập