Việt Nam: Tăng cường giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số
Tác giả viết:

Lao Chải, ngày 20/12/2011 (IRIN) - Hơn một thập kỷ qua, các học sinh dân tộc thiểu số của cô giáo Nguyễn Thị Quyên tại Trường tiểu học bản Lao Chải - Lào Cai cứ nhìn chằm chằm vào cô một cách trống rỗng mà không thể trả lời được các câu hỏi. Khi năm học còn tiếp tục, bọn trẻ đã bỏ học để chăn gia súc hoặc bán hàng lưu niệm cho khách du lịch.



Ảnh: Alisa Tang/IRIN
Trẻ em dân tộc thiểu số phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ

Cô giáo Quyên dạy bằng tiếng Việt, thứ tiếng của người Kinh đa số, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền đồi núi phía bắc lại nói tiếng Mông. Cô giáo Quyên nói với IRIN: Trước đây, khi tôi dạy tất cả các môn bằng tiếng Việt, các em chỉ có thể hiểu được chừng 60% những gì tôi giảng. Bọn trẻ không hứng thú chuyện học hành. Chúng không thích đến trường.”

Với việc dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ giáo dục chính thức, việc học hành trở nên khó tiếp cận đối với nhiều người dân tộc thiểu số, vốn chiếm đến 13% dân số và thuộc diện những người nghèo khó nhất nước.

Tụt hậu

Người Mông là một trong 53 dân tộc thiểu số đã bị tụt lại phía sau mặc dù Việt Nam  là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với GDP tăng 7,3% hàng năm từ 1995-2005, và thu nhập đầu người tăng từ 260 USD vào năm 1995 lên 835 USD trong năm 2007.
Vậy mà còn hơn một nửa đồng bào các dân tộc thiểu số sống trong nghèo khó, so với chỉ 10% người Kinh. Các dân tộc thiểu số chiếm 11 triệu trong tổng số 87 triệu người Việt Nam, nhưng lại chiếm đến 44,4% số người nghèo.

Bà Lotta Sylwander, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nói với IRIN: "Nhìn vào sự phát triển và thay đổi tích cực đã diễn ra tại Việt Nam, trẻ em dân tộc thiểu số lúc nào cũng tụt lại sau một bước hoặc cả một quảng dài. Nhiều trong số họ sống ở những vùng khó đến được. Một số người nói những thứ tiếng mà không ai nói cả... Trẻ em dân tộc thiểu số thường sống trong hộ gia đình nghèo hơn so với người Kinh đa số vì cha mẹ của các em thất học." Theo UNICEF, 3/5 trẻ em dân tộc thiểu số học xong bậc tiểu học, so với tỷ lệ với 4/5 ở trẻ em người Kinh.

Giáo dục trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

Trong năm 2008, trường tiểu học của cô giáo Quyên đã bắt đầu dạy các em học sinh  người Mông nhỏ tuổi nhất như một phần trong một sáng kiến của chính phủ được UNICEF hỗ trợ nhằm đẩy mạnh giáo dục. Chương trình này được thực hiện cho người dân tộc thiểu số Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, người Khmer ở  nam Trà Vinh, và người Mông ở bắc Lào Cai, nơi có bản Lao Chải.

Trẻ em bắt đầu học tập bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và khi lên lớp ba, bắt đầu học bằng tiếng Việt. Theo một nghiên cứu của UNICEF và chính phủ Việt Nam, khi lên đến lớp năm, các em sẽ học bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Cô giáo Quyên, người đã có 16 năm giảng dạy ở Lao Chải, ngôi bản nằm trong một thung lũng phía dưới thành phố du lịch Sapa nổi tiếng, cho biết: "Vì tôi dạy bằng tiếng địa phương, các em học sinh có thể hiểu được 100%. Bây giờ các em đứng lên và trả lời bất cứ câu hỏi nào"  

Nghiên cứu của UNICEF và chính phủ Việt Nam cho thấy rằng học sinh dân tộc thiểu số được dạy bằng tiếng mẹ có thành tích học tập cao hơn so với học sinh học bằng tiếng Việt  khi kiểm tra nghe hiểu (đạt 17/20 điểm cho tiếng mẹ đẻ so với 12 không phải bằng tiếng mẹ đẻ), làm theo hướng dẫn (16 so với 12/20), và xếp tranh theo truyện kể (13 so với 8/20).

Cô giáo Quyên cho biết: "Kể từ khi tôi bắt đầu giảng dạy bằng tiếng Mông, các em thích hơn, và chúng thực sự hứng thú học hành. Bây giờ nhiều trẻ em đến trường, ngay cả một số trẻ em từ các cộng đồng khác cũng tìm đến đây học.”

Thách thức trong việc dạy học

Tuy nhiên, có một sự thách thức, đó là thiếu các giáo viên có đủ điều kiện. Ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, cho biết: "Lúc đầu, việc bắt đầu chương trình giáo dục song ngữ rất khó khăn vì cần phải có giáo viên biết hai thứ tiếng.



Ảnh: Alisa Tang/IRIN 
Bé Mang ngoài giờ học ở trường Lao Chải

Vào thời điểm đó, số giáo viên của chúng tôi là người  dân tộc thiểu số còn hạn chế. Lúc đầu, chúng tôi chọn những người nói tốt trong cộng đồng để trợ giúp.” Ông Minh cho biết thêm: Đối với những giáo viên không phải là người dân tộc thiểu số, chúng tôi yêu cầu phải học thêm tiếng địa phương ở vùng mà họ giảng dạy.

Bây giờ tỉnh đào tạo được 100 giáo viên dân tộc thiểu số mỗi năm cho trường mầm non và tiểu học, giúp cho việc mở rộng chương trình giáo dục song ngữ. Trong lúc này, khi mà các em học sinh còn đùa vui trên sân trường Lao Chải vào chiều thứ Bảy, Quyên nhắc Mang, một học sinh tám tuổi đang chơi bi, và yêu cầu em đọc một dòng chữ bằng tiếng Mông viết trên chiếc cột trước cửa lớp. Ngước nhìn lên dòng chữ đầy màu sắc, Mang chậm rãi đọc từng từ một: "Các bạn thân mến, chúng ta hãy đến trường"./.

Võ Thắng - http://vietnam.vn

Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập