XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG MẦM NON

     Việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non vô cùng cần thiết và đặc biệt quan trọng. Nó được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

     Những năm qua, các cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Lào Cai đã tích cực trong công tác xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, đặc biệt chú trọng xây dựng cảnh quan ở các điểm trường, đơn vị thực hiện tốt như huyện Si Ma Cai; Bắc Hà, Văn Bàn; tận dụng vật liệu sẵn có của địa phương, phế liệu để xây dựng khu vận động ngoài trời cho trẻ như: trường mầm non Bắc Cường, trường mầm non Hoa Mai-Thành phố Lào Cai; trường mầm non số 1-Si Ma Cai; tích cực xây dựng mô hình “vườn trường” vừa tạo cảnh quan trường, lớp đẹp, đồng thời giúp trẻ tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh như: trường mầm non Bông Sen- huyện Bảo Thắng, trường mầm non Xuân Hòa-huyện Bảo Yên, trường mầm non Nậm Mòn-huyện Bắc Hà. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện và xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non một cách đồng bộ, các cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Lào Cai cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

     1. Thiết kế môi trường giáo dục phải hướng vào việc phát triển toàn diện của trẻ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mầm non và mục tiêu cuối độ tuổi, đồng thời phù hợp với mục đích tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn tạo cho trẻ cảm giác được yêu thương, tôn trọng vàđáp ứng các nhu cầu chính đáng.

     2. Bố trí, sắp xếp các khu vực chơi, hoạt động trong lớp và ngoài trời phù hợp với chủ đề, thuận tiện cho việc sử dụng của giáo viên và trẻ. Cần quy hoạch không gian hiện có của nhà trường để phân bố diện tích cho các hoạt động phù hợp với độ tuổi, sở thích, khả năng...của trẻ và phù hợp hoạt động chung của lớp, hoạt động nhóm hoặc cá nhân.

     3. Đảm bảo đủ và đa dạng các loại vật liệu, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng chủ đề; thể hiện được rõ nét văn hóa các dân tộc để tạo cơ hội tham gia, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học của trẻ vào việc xây dựng môi trường vàkích thích sự phát triển toàn diện cho trẻ.

     4. Luôn tạo cơ hội và mở rộng quan hệ giao tiếp xã hội giữa trẻ với nhiều người giúp trẻ tự tin, tích cực, hứng thú với các hoạt động giáo dục phát triển toàn diện; sưu tầm và sáng tạo thêm trò chơi bằng cách thường xuyên thay đổi cách chơi, luật chơi để khích lệ trẻ tham gia, chủ động chơi- tập - thử nghiệm với các loại thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; khuyến khích trẻ tự tạo ra đồ chơi, trò chơi theo ý tưởng riêng của mình; tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động chơi tự do, hội thi, lễ hội...để trẻ được trải nghiệm và “tập làm”.

    5. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng về ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non; tạo nhiều cơ hội cho gia đình và cộng đồng được tham gia vào các hoạt động của nhà trường; xây dựng mối quan hệ tích cực đối với gia đình trẻ, phối hợp chặt chẽ với gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tôn trọng sự khác biệt và nhu cầu của mỗi gia đình để có những phối hợp với từng gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm thu hút các bậc cha mẹ và cộng đồng tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non.

     Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1 trường tiểu học./.

Nguyễn Thị Thơm – Phòng GDMN- Sở GD&ĐT


Chuyên đề giáo dục đào tạo








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập