Bình dị những tấm gương nhà giáo
Cô giáo Hoàng Thị Thủy (Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Sín Chéng) bên học sinh.

Cô giáo trẻ của bản Mông Sín Chéng

Tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) khi gió mùa đông bắc tràn về, kéo theo sương mù lạnh buốt. Trong 2 năm học vừa qua, chính ngôi trường xa xôi và còn nhiều khó khăn này đã đem đến tin vui bất ngờ cho ngành giáo dục Lào Cai khi giành giải Nhì, rồi giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Điều đáng nói, người đã miệt mài, lặng lẽ cùng học sinh “biến” ý tưởng thành hiện thực không phải là giáo sư, tiến sỹ hay thầy cô giáo dạy các môn tự nhiên mà là cô giáo trẻ Hoàng Thị Thủy, giáo viên dạy mỹ thuật.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp cô giáo Thủy là sự mộc mạc, thậm chí có phần hơi rụt rè. Cô tâm sự: Sản phẩm “Robot nông dân” đoạt giải Nhì cấp quốc gia trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm học 2017 - 2018 được hình thành từ ý tưởng của 2 học sinh Thào Mạnh Cường và Thào Thu Thanh, khi các em muốn sáng tạo một đồ chơi sinh động cho trẻ em vùng cao. Để đồ chơi gần gũi với học trò, cô trò đã lấy vải thổ cẩm của đồng bào Mông xã Sín Chéng làm trang phục cho robot và trang trí mô hình thêm đẹp. Điều đó cũng giúp học sinh thêm trân trọng, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

So với “Robot nông dân” thì sản phẩm “Cộng đồng các dân tộc Si Ma Cai”  của nhóm học sinh: Vàng Thị Thu Hà, Tráng Xuân Thủy, Thào Thị Hoài Thương, Nùng Vạn Học đoạt giải Nhất lĩnh vực Các dụng cụ gia đình và đồ chơi trẻ em trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm học 2018 - 2019 phức tạp hơn nhiều. Sản phẩm có 22 chi tiết chuyển động trên 5 trục liên kết với nhau qua mô tơ, như người Mông giã gạo, xay ngô, dệt vải, múa khèn; người Nùng đu quay, đẩy gậy; người Tày cưỡi ngựa… Để làm được sản phẩm này, cô trò mất hơn 3 tháng và phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Bên cạnh đó, nhờ sự trợ giúp của phụ huynh, qua mỗi vòng thi sản phẩm đều được cải tiến để thêm đẹp, hoạt động nhịp nhàng, uyển chuyển hơn.

Trò chuyện với cô giáo Thủy, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên vì cô là giáo viên mỹ thuật lại có khả năng sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, mà còn bất ngờ bởi sự nhiệt tình cống hiến cho vùng cao. Nhà ở Yên Bái và hiện chưa lập gia đình, đến nay, cô giáo Thủy đã gắn bó với mảnh đất Sín Chéng hơn 7 năm. Khi được hỏi điều gì đã níu giữ cô ở lại mảnh đất xa xôi này, cô tươi cười bảo: Em muốn ở lại nơi đây vì học sinh rất đáng yêu, người dân địa phương tuy còn khó khăn nhưng sống chân thành, mộc mạc. Em luôn thấy vui và hạnh phúc khi được dạy học ở nơi này.

Người thầy kết nối yêu thương

Thầy giáo Lê Ngọc Lương (đứng giữa cuối ảnh) kết nối nhiều hoạt động thiện nguyện về vùng cao.

Đối với các thầy cô giáo công tác ở vùng cao, sau cả tuần dạy học thì thứ Bảy, Chủ nhật là khoảng thời gian họ tranh thủ về với gia đình, vì thế ai cũng cố gắng thu xếp công việc để trở về ngôi nhà ấm áp, thân thương. Tuy nhiên, vẫn có những thầy cô giáo luôn hết lòng vì học sinh, dành cả những ngày nghỉ cuối tuần cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên khắp thôn, bản xa xôi. Thầy giáo Lê Ngọc Lương, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Cải  (Bắc Hà) là một người như thế.

Công tác ở xã vùng cao Lùng Cải từ năm 2012 đến nay, thầy giáo Lương thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào các dân tộc ở nơi đây. Mùa đông, khu vực Lùng Cải, Lùng Phình là “rốn rét” của huyện Bắc Hà, nhiệt độ thường xuống dưới 10 độ C, sương mù dày đặc. Vậy mà, các em học sinh vẫn chỉ có đôi dép tổ ong rách, manh áo mỏng để đến trường, mặt mũi tím tái vì rét. Thương các em, từ năm 2016 đến nay, thầy Lương thường xuyên kết nối với các đoàn từ thiện ở khắp nơi chung tay hỗ trợ học sinh vùng cao, giúp các em vơi bớt khó khăn.

Thầy giáo Lương nhớ lại: Chuyến thiện nguyện đầu tiên do tôi kêu gọi là đoàn từ thiện của tỉnh Bắc Ninh lên tặng 80 suất quà cho học sinh phân hiệu Sẻ Chải, Cờ Cải và tặng gạo, mỳ tôm cho 70 hộ ở 2 thôn. Nhận quà của đoàn từ thiện, bà con và học sinh ở đây phấn khởi lắm, bản thân tôi cũng thấy ấm lòng.

Từ đó đến nay, mỗi năm thầy giáo Lê Ngọc Lương luôn cố gắng kết nối với nhiều đoàn thiện nguyện tặng hàng nghìn suất quà cho người dân, học sinh xã Lùng Cải và xã Tả Củ Tỷ. Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lương còn chia sẻ những hình ảnh mình vừa dẫn đoàn từ thiện tặng quà học sinh phân hiệu Sử Chù Chải, xã Nậm Mòn (Bắc Hà). Nhờ chương trình từ thiện mà hơn 80 học sinh ở phân hiệu xa xôi này đã có đệm êm, chăn gối ấm, áo ấm mùa đông, có tất, dép, ủng để đỡ lạnh đôi chân khi đến trường ngày đông giá rét. Câu chuyện của thầy Lương khiến tôi nghĩ về những giáo viên vùng cao, họ không chỉ là người “gieo chữ, trồng người”, mà còn thầm lặng kết nối yêu thương, gom góp những làn gió ấm từ khắp nơi giúp những bản làng vùng cao mùa đông bớt lạnh.

Tận tâm vì học trò có hoàn cảnh khó khăn

Cô giáo Bùi Thị Sợi luôn quan tâm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Dáng người gầy, phong cách giản dị, cô giáo Bùi Thị Sợi, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trịnh Tường (Bát Xát) không gây sự chú ý cho người khác ngay từ ban đầu, nhưng nụ cười hiền hậu toát lên tình yêu thương và sự tận tâm vì học trò là điều khiến chúng tôi trân trọng người giáo viên này.

Sinh ra và lớn lên ở xã Trịnh Tường, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô giáo Bùi Thị Sợi trở về quê hương, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trịnh Tường. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 7A1, một lớp học khá đặc biệt của trường, công việc không đơn thuần là dạy học và quản lý học sinh. Cô giáo Sợi tâm sự: Lớp 7A1 có 35 học sinh, trong đó 11 học sinh thuộc hộ nghèo, 27 học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là 6 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bố mẹ chia tay hoặc mẹ bỏ đi Trung Quốc không về…

Để các em yên tâm học tập, cô Sợi đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng em, sau đó thường xuyên gặp riêng để trò chuyện, động viên các em, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Năm học 2018 - 2019, lớp 7A1 có 3 học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện; 5 học sinh giỏi, 20 học sinh tiên tiến.

Thầy giáo Phan Văn Học, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trịnh Tường cho biết: Cùng với làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, cô giáo Bùi Thị Sợi còn là Tổ phó Tổ Tự nhiên, Tổ phó công tác bán trú của trường. Dù là công việc gì, cô Sợi cũng tận tâm nên luôn được học sinh tin yêu. Cô giáo Bùi Thị Sợi cũng đã 3 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, là tấm gương để các đồng nghiệp noi theo.

Trong sự nghiệp trồng người ở vùng cao Lào Cai, cần hơn bao giờ hết những thầy cô giáo không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn tận tâm, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh. Câu chuyện về cô giáo Hoàng Thị Thủy, Bùi Thị Sợi, thầy giáo Lê Ngọc Lương là ví dụ điển hình về những thầy cô giáo như thế - họ là những người đang lặng lẽ cống hiến, “gieo” niềm tin, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

TUẤN NGỌC
Gương sáng - Người tốt - Việc tốt








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập