Những dòng suối chảy ngược lên đỉnh núi cao gieo con chữ

Nhắc đến mấy chữ giáo viên vùng cao, thầy giáo cắm bản, nhiều người không khỏi ái ngại bởi sự gian nan, vất vả của các thầy, cô giáo đang lặng lẽ gieo từng con chữ trên các thôn bản xa xôi.

Ấy vậy mà vẫn có không ít "những dòng suối kiên cường" chảy ngược lên những đỉnh núi cao.  

Gian nan suối chảy ngược dòng

Phòng làm việc của thầy Vũ Ngọc Trai, Phó hiệu trưởng Trường THPT số 2 Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai), ở tầng 3 của khu nhà hiệu bộ mới xây, gió từ cửa sổ phía sau cứ thổi lồng lộng vào phòng rồi luồn ra cửa trước.

Thầy giáo Vũ Ngọc Trai đã tình nguyện lên công tác tại Trường THPT số 2 Sa Pa được 3 năm

Thầy Trai bảo dù sao điều kiện bây giờ đã là tốt lắm rồi, ngày mình mới từ Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai lên đây công tác, trường lớp còn đơn sơ, thầy và trò còn vất vả, thiếu thốn hơn nhiều. Vào mùa khô hàng năm trường hay bị thiếu nước sinh hoạt, có khi học sinh bán trú phải đi tắm nhờ nhà dân, chuyện mình mang bình đi xin nước rồi vác lên tầng 3 là chuyện bình thường.

Vậy là đến thời điểm này, thầy giáo Vũ Ngọc Trai đã tình nguyện xa gia đình với vợ và 2 con nhỏ để lên công tác ở Trường THPT số 2 Sa Pa được 3 năm. Thầy Trai kể cho chúng tôi nghe một trong những kỷ niệm không thể nào quên khi rời phố lên bản. Đó là lần đi vận động học sinh ra học lớp 10, vượt chặng đường hàng chục km vào tận thôn Séo Mí Tỷ, xã Tả Van, đến tận 10h đêm mới về tới trường.

Trong chuyến đi đó, thầy và các thầy cô giáo đã “kéo” được 3 học sinh ra lớp, còn 2 em gia đình nhất quyết không đồng ý cho đi học vì một em phải ở nhà lao động nuôi vợ con, em kia thì sắp phải đi lấy chồng. Điều đó vừa giúp thầy hiểu được cái khó của giáo dục vùng cao, vừa cảm thông với nỗi nhọc nhằn và cảm giác của các thầy cô giáo khi thương học trò nhưng đành “bất lực” trước những hủ tục.

Ba năm gắn bó với Trường THPT số 2 Sa Pa tuy chưa phải là dài, nhưng điều thầy rút ra là làm giáo dục vùng cao không thể nôn nóng, mà cần có quá trình, thường xuyên, liên tục, sự kiên trì và nỗ lực từ nhiều phía, nếu chán nản sẽ không thể thành công.

Câu chuyện của thầy Vũ Ngọc Trai chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về các thầy, cô giáo tình nguyện lên vùng cao công tác trên địa bàn tỉnh những năm qua. Trên thực tế, từ lâu đã có rất nhiều tấm gương thầy, cô giáo nỗ lực tình nguyện cống hiến cho vùng cao.

Chuyện thầy giáo Phạm Văn Hoàng từ quê hương Bắc Ninh lên Lào Cai công tác, làm nhiệm vụ ở Trường THPT số 1 Si Ma Cai, rồi lại tình nguyện vào công tác tại Trường THPT số 2 Si Ma Cai khi trường vừa thành lập ở xã Sín Chéng với muôn vàn khó khăn. Đến nay, thầy Hoàng vẫn ngày đêm gắn bó với ngôi trường ấy.

Rồi chuyện thầy giáo Ngô Tất Thắng, từ trường học bán công của thành phố Lào Cai xin vào Trường THPT số 1 Bát Xát công tác, sau đó lại xin “đầu quân” cho Trường THPT số 2 Bát Xát ở xã Bản Vược mới thành lập. Khi Trường THPT số 2 Bát Xát được xây dựng khang trang, mọi khó khăn đã qua đi, ai cũng nghĩ từ đây thầy sẽ yên tâm công tác ở trường với cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Nhưng điều bất ngờ là cách đây hơn 3 năm, thầy Thắng lại tiếp tục xin lên tận xã Mường Hum để làm đầu tàu gánh vác trọng trách xây dựng Trường THCS và THPT Bát Xát. Lần nào được hỏi, thầy Thắng cũng khiêm tốn nói mình chưa giúp được gì nhiều cho giáo dục vùng cao, phía trước vẫn nhiều thử thách, đợi một thời gian nữa Trường THCS và THPT Bát Xát gặt hái được nhiều kết quả, thì trong lòng mới thấy yên tâm. Nếu thầy, cô giáo nào cũng muốn công tác ở vùng thấp, hoặc từ vùng cao xin về vùng thấp, thì ai là người sẽ cống hiến cho giáo dục vùng cao?  

Thổi bùng làn gió mát

Từ những dòng suối “chảy ngược” như thế, một phong trào tình nguyện trong giáo viên đã được dấy lên, như một làn gió mát thổi từ thành phố lên các thôn, bản xa xôi, tiếp sức cho thầy và trò các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong 10 năm qua toàn tỉnh Lào Cai đã có 767 cán bộ quản lý, giáo viên tình nguyện lên vùng cao công tác, với 252 giáo viên THPT. Toàn tỉnh có 1.176 lượt giáo viên tự nguyện lên giúp đỡ và tham gia dạy hỗ trợ trường bạn với tổng số giờ dạy hỗ trợ là 10.581 giờ.

Tôi còn nhớ một ngày cuối tháng 8/2014, khi tiếng trống khai giảng năm học mới chuẩn bị rộn rã vang lên, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh tổ chức một buổi gặp mặt tiễn chân 21 thầy, cô giáo THPT tình nguyện tăng cường lên vùng cao công tác đầy xúc động.

Giờ học môn tiếng Anh của cô và trò Trường THCS và THPT huyện Bát Xát

Đó đều là cán bộ quản lý và giáo viên nòng cốt chuyên môn của các trường: THPT Chuyên, THPT số 1 thành phố, THPT số 2 thành phố, THPT số 3 thành phố, THPT số 1 Bảo Thắng, THPT số 1 Bảo Yên, THPT số 2 Bảo Yên, Phổ thông DTNT THCS và THPT Bắc Hà, Trung tâm GDTX Si Ma Cai đã tình nguyện tăng cường lên công tác tại 7 trường THPT vùng cao. Các trường được nhận giáo viên tình nguyện gồm: THPT số 3 Mường Khương; THPT số 1 Si Ma Cai; THPT số 2 Si Ma Cai; THPT số 1 Bắc Hà; THPT số 2 Bắc Hà; THPT số 2 Sa Pa và Trường THCS&THPT huyện Bát Xát.

Trong 21 giáo viên tình nguyện tăng cường lên vùng cao công tác, có 2 giáo viên được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng; 3 giáo viên tình nguyện thời hạn từ 3 - 5 năm, 18 giáo viên tình nguyện thời hạn 1 học kỳ. Điều đặc biệt là có thầy giáo sắp về hưu vẫn tình nguyện lên tận vùng cao Si Ma Cai công tác. Cho dù thời gian tình nguyện ngắn hay dài, thì tinh thần hướng về vùng cao ấy của các thầy cô giáo cũng thật đáng trân trọng.

Theo thầy giáo Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lào Cai, các thầy cô giáo tình nguyện lên vùng cao công tác vừa là mang tâm huyết cống hiến cho vùng cao, vừa là sự trải nghiệm và học hỏi ở giáo dục vùng cao những đổi mới, sáng tạo. Năm học 2016 - 2017 cũng như những năm học trước, luồng gió mát của phong trào giáo viên tình nguyện lên giúp đỡ các trường học vùng cao tiếp tục được thổi bùng lên.

Mùa thi THPT quốc gia năm 2017 đã tới, những đoàn giáo viên từ các trường học của thành phố và các huyện vùng thấp tiếp tục lên đường mang tình yêu thương và tâm huyết cho học trò ở các thôn, bản xa xôi. Và câu chuyện các thầy, cô giáo mang về thành phố sau những chuyến tình nguyện đầy ắp kỷ niệm như thế sẽ tạo thành động lực để các thầy, cô giáo khác tiếp tục lên đường.

TUẤN NGỌC
Gương sáng - Người tốt - Việc tốt








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập