Thầy giáo Peter!

Phải lòng Sa Pa từ lần đầu gặp gỡ

Sinh năm 1976, Tạ Văn Thương thường được mọi người yêu mến gọi bằng cái tên thân thuộc là Peter (tên được sử dụng khi anh du học bên Singapore). Ngồi cùng tôi nhâm nhi tách cafe trong không gian Cộng coffee hoài cổ, ngoài trời mưa rả rích, anh Thương nhớ lại những ngày đầu “bén duyên” với mảnh đất Sa Pa...

Thầy giáo Peter cùng các em nhỏ chăm sóc rau.

Đó là một ngày mùa đông năm 2006, trong chuyến du lịch Sa Pa, anh dường như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp đầy bí ẩn đắm chìm trong mây mù, sự hoang sơ và hùng vỹ của thiên nhiên, sự đôn hậu, thuần phác của những người lao động. Nhưng đối lập với vẻ đẹp ấy là hình ảnh những đứa trẻ lang thang trong ngày đông giá rét, lạnh buốt, chúng ngồi co ro bên mái hiên các cửa hàng. Tối đến, anh chứng kiến rất nhiều trẻ em khi tuổi còn đang đi học phải theo mẹ bán hàng rong, chúng chạy theo từng đoàn khách du lịch chèo kéo mua những chiếc vòng nhỏ. Trong số đó có hai em bé dân tộc Mông chừng 7, 8 tuổi, trên tay cầm hai xiên vòng thổ cẩm đứng tần ngần trước cửa một quán tạp hóa, ánh mắt chăm chú nhìn lên chiếc ti vi nhỏ. Người chủ quán bực bội đuổi hai em nhỏ đi, vì sợ chúng cản trở việc bán hàng. “Chứng kiến cảnh tượng này, điều duy nhất thôi thúc tôi là phải làm một việc gì đó để giúp cho tương lai của các em nhỏ” - anh Thương chia sẻ. Một mảnh đất Sa Pa xinh đẹp, được coi như “Thiên đường du lịch” mà nhiều trẻ em không được học hành, sớm phải lăn lộn với cuộc mưu sinh. Trăn trở về tương lai các em, anh đã quyết định ở lại Sa Pa, thuê địa điểm mở lớp dạy học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo.

Anh Thương sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành Xã hội học, sau đó đi du học Singapore, trở về nước và làm cho một tổ chức phi chính phủ về giáo dục. Xa Hà Nội đã 8 năm, trong anh, tình yêu Hà Nội luôn tha thiết và khắc khoải. Nhưng có lẽ, duyên trời đã gắn bó anh với mảnh đất Sa Pa này. Anh Thương kể vui: Nhiều người bạn nói tôi “khùng” khi bỏ sự nghiệp, gia đình để lên núi mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em. Tôi chỉ cười và nói: “Nếu như trước đây tôi yêu vẻ đẹp nên thơ của cảnh vật Sa Pa, thì giờ tôi thương và yêu hơn những đứa trẻ ở nơi này. Đây là quê hương thứ hai và sẽ là nơi tôi quyết định gắn bó suốt quãng đời còn lại của mình”.

Lớp học đặc biệt của thầy Peter

Thấy trời mưa, anh Thương đề nghị chở tôi đi thăm lớp học bằng chiếc xe tải nhỏ. Từ đoạn rẽ vào xã Tả Phìn, đứa trẻ nào thấy xe cũng hớn hở, vẫy tay chào to: “Thầy Peter! Thầy Peter!”. Anh Thương kéo cửa xe vẫy tay, rồi lại căn dặn từng đứa: “Páo nhớ mai đến lớp tiếng Anh nhé, mai thầy kiểm tra bài cũ đấy, rủ cả Lở đi cùng cho bạn quen lớp”, “A Lù mai đến lớp sớm cùng thầy dọn cỏ và cho cá ăn nhé!”… Tiếng thầy trò rộn vang cả con đường nhỏ. Tôi thấy ánh lên trong mắt anh Thương niềm hạnh phúc khó tả. Lớp học mang tên “Free English Class - Sa Pa Hope School” hiện lên nhỏ xinh giữa một khoảnh đất bằng phẳng tại thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn. Tấm biển gỗ được họa nắn nót với những gam màu xanh, đỏ nhìn đáng yêu và ngộ nghĩnh, được dựng ngay ngắn trước cổng. Đây là lớp học thứ 3 sau khi thay đổi vị trí. Năm 2011 là năm khởi đầu của lớp học tiếng Anh miễn phí tại quán “Cafe Peter Sa Pa” dưới chân núi Hàm Rồng. Anh Thương nhớ lại: “Lúc mới thành lập lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em Sa Pa rất khó khăn, một mình phải cáng đáng tất cả mọi công việc, lại đảm nhận việc giảng dạy chính cho các em. Tôi bắt đầu thu hút và tập hợp lũ trẻ chính bằng việc mở quán cà phê. Đặt nước cho các em uống, đặt ti vi cho các em đến xem thoải mái, để lại đó đồ ăn, khi các em đói có thể tự tìm đến để nhận sự giúp đỡ và học tiếng Anh để giúp chúng bán hàng tốt hơn. Lớp học đã hình thành như thế”.

Sau đó, lớp học được chuyển về số 6 phố Hàm Rồng, thị trấn Sa Pa và từ năm 2014, anh chuyển lớp về Tả Phìn và đặt tên là “Free English Class - Sa Pa Hope School”. Tại đây có một nhà kho chứa mì tôm, dụng cụ dạy và học và một lớp học tạm được dựng lên bằng mấy cọc tre, trong lớp kê chừng chục chiếc bàn học.

Nền lớp vẫn còn nguyên cỏ xanh, xung quanh không gì che chắn. Thiếu thốn là vậy, nhưng bọn trẻ coi đây như ngôi trường thứ hai, muốn đến ngay cả những ngày không phải học chữ. Ngoài tự mình đứng lớp, thầy Peter còn kết nối với các tình nguyện viên người nước ngoài đến lớp dạy tiếng Anh cho các em. Các lớp học được chia thành các lever, theo chủ đề: Con vật, màu sắc, đồ ăn, nhà hàng… Hoạt động dạy học thông qua tạo các trò chơi vận động, hát và cho học sinh thuyết trình bằng tiếng Anh. Điều này giúp việc học trở nên đơn giản, không bị áp lực, từ đó truyền cảm hứng yêu thích tiếng Anh cho các em. Nhiều em khi mới bắt đầu vào học còn rụt rè, ngại giao tiếp, nhưng chỉ sau hai tuần học đã tự tin, lưu loát giới thiệu về bản thân, các thành viên gia đình của mình.

Sau 8 năm, lớp học đã đón nhận hàng trăm học sinh, trong số đó rất nhiều em đã trưởng thành và có công việc ổn định, đứa làm lễ tân khách sạn, đứa mở cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhiều em may mắn nhận được những suất học bổng mơ ước và được sang nước ngoài học tập. Nhưng dù ở đâu, tôi tin rằng, trong tim những đứa trẻ ấy luôn dành một khoảng lớn tình yêu cho người thầy của mình.

Các tình nguyện viên tham gia xây dựng Sa Pa Hope Garden.

Nhiều ước mơ còn ấp ủ

Vườn rau Sa Pa Hope Garden của thầy Peter cách đó vài cây số, rộng 3,5 ha, được trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn rau hữu cơ. Vườn rau có đủ các giống rau bản địa như cải, dưa chuột, bí ngô… Sau mỗi giờ học, các thầy cô cùng học trò xuống vườn tăng gia sản xuất. Vườn rau không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà ý nghĩa lớn hơn anh Thương muốn gửi gắm đó là nhân rộng và bảo tồn các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Sa Pa Hope Garden còn cung cấp miễn phí khoai tây giống, vốn, phân bón, kỹ thuật cho 6 hộ ở xã Sa Pả với mong muốn giúp người dân nâng cao đời sống, thoát nghèo…

Trải lòng về những dự định của mình, dường như anh Thương chỉ đau đáu một tình yêu cho lũ trẻ người Dao, người Mông nghèo đang phải vất vả tự mưu sinh ở mảnh đất Sa Pa. Anh nói: “Đầu tiên, tôi muốn các em có vốn ngoại ngữ để tự tin hơn, có nhiều cơ hội việc làm để thoát nghèo. Sau đó, tôi còn ước mơ về một Sa Pa xanh, sạch, các giá trị văn hóa được giữ gìn và phát huy”. Hiện tại, anh Thương đang thực hiện mong ước lớn nhất của mình đó là có thể xây dựng cho trẻ em ở Sa Pa một trung tâm cộng đồng, là nơi để các em bán hàng rong được học tiếng Anh, được trải nghiệm thực tế các hoạt động như trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn… được học các nghề truyền thống như thêu thùa, dệt vải… từ đó giúp các em có bước đệm nghề nghiệp sau này. Nung nấu ước mơ đó, anh đang vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng trung tâm. Anh còn giúp nhiều học sinh được nhận các suất học bổng để các em được học hành, được phát triển trong môi trường giáo dục tiên tiến và giúp một số trường tại các bản nghèo của Sa Pa xây dựng thư viện nhỏ. Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Peter đã được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Sa Pa. Đây là nguồn động viên to lớn, giúp thầy và trò cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ.

Một mùa xuân đang đến gần, ngôi trường mới mang tên Sa Pa Hope Center and Homestay của thầy Peter đang dần hiện hữu. Trong ngôi trường ấy có một trái tim người thầy ấm nóng luôn đau đáu hoài bão chắp cánh ước mơ cho nhiều trẻ em nghèo được bay cao, bay xa…

THANH HUỆ
Gương sáng - Người tốt - Việc tốt








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập