Ươm khát vọng trên núi cao

Đường “lên giời”

Trước hôm đi, để biết tình hình, tôi gọi điện về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng ngần ngại vì đường đi khó khăn đề nghị tôi đổi địa điểm khác cho thuận lợi, nhưng thấy sự quyết tâm của chúng tôi, anh cũng chiều lòng. Trước khi đi, tôi chuẩn bị thật kỹ cho mình, nào là ủng, áo mưa, áo ấm, găng tay và khăn, bởi nghe nói trên ấy giờ đã vào mùa đông mưa mù, rét mướt.

Từ trung tâm thị trấn Khánh Yên, con “ngựa sắt” cứ nhằm hướng Tây mà tiến. Đang chạy như ru trên Quốc lộ 279, chúng tôi ngoặt phải vào con đường gập ghềnh. Căng tay cho xe khỏi chệch con đường cấp phối nhấp nhô đá sỏi, thầy Hoàng Quang Huy, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chày, người bạn đồng hành nhắc nhở: “Nhà báo ngồi chắc nhé, đường từ đây trở đi là xấu lắm đấy”. Tôi cũng căng người ngồi để không bị rơi ra khỏi xe.

Thầy giáo Nguyễn Văn Điện miệt mài với sự nghiệp “trồng người”.

Qua con đường cấp phối lô nhô là đến đoạn đường đất. Mới qua trận mưa hôm trước nên đất vẫn còn ngậm nguyên nước, có đoạn bùn lầy nhão nhoét, có đoạn đất thịt nhẵn thín trơn trượt. Hay đi cơ sở nên tôi cũng có kinh nghiệm ngồi xe những loại đường này. Nhưng đường xấu lại cứ cua liên tục khiến chiếc xe chơi vơi, thi thoảng chồm lên rồ máy. Có đoạn đường bùn ngập lưng bánh, cứ ga lên là bánh sau lại quay tít, cả hai chúng tôi phải vừa dắt vừa đẩy. Có những đoạn một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu. Mỗi khi tôi im lặng, thầy giáo Huy lại kể chuyện “đăng sơn” dạy học của mình giúp tôi xua tan cảm giác sợ hãi.

Thầy Huy là người Yên Bái, ở ngay trung tâm huyện lỵ nên những con đường, cuộc sống gian khó trên núi cao như thế này thầy chưa từng trải qua. Nhưng đúng là duyên phận, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây cách đây 8 năm, thầy Huy lên Lào Cai lập nghiệp. 8 năm gắn bó với nghề dạy học là từng ấy năm thầy gắn bó với Nậm Chày. Những ngày đầu đến với vùng đất mới, thầy Huy cũng như những thầy cô giáo thời đó gặp nhiều khó khăn. Thầy Huy đùa vui: “Nếu bạn gọi đường bây giờ khó như lên giời thì đường ngày đó khó gấp 5, gấp 7 lần lên giời”. Vì qua các năm đường đã được cải tạo, mở rộng và hạ bớt những dốc cao, khúc cua gấp, chứ trước đường nhỏ, dốc dựng mà cỏ mọc um tùm, xung quanh chỉ là vực sâu, núi cao vô cùng heo hút. Nhớ ngày lên nhận quyết định cùng mình về Tiểu học Nậm Chày có 8 người, trong đó có 5 cô giáo. Nhiều cô không khỏi bất ngờ bởi sự khó khăn của đường sá nên vừa đẩy xe vừa khóc. Ở đây “đo ván” là chuyện bình thường, đặc biệt trong những ngày mưa. Nên như đã thành kinh nghiệm, ai cũng sẽ chuẩn bị hai bộ quần áo để thay kịp thời.

Sau 2 giờ đồng hồ vật lộn với trên 20 cây số, chúng tôi cũng đến điểm chính của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chày. Đây cũng là trung tâm xã Nậm Chày.

Ươm khát vọng trên núi cao

Vùng đất Nậm Chày hầu như biệt lập với các vùng khác bởi sự ngăn cách của những ngọn núi cao chót vót, đất đai ít, đường đi đến các thôn lại vô cùng khó khăn, có những thôn không có điện, không sóng điện thoại… chỉ có rừng là nhiều. 31 lớp học của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chày nằm rải rác ở 8 thôn, bản, nên gần 50 thầy cô giáo năm này qua năm khác vẫn miệt mài trên những cung đường khó. Hai ngày ở lại Nậm Chày, đến với những phân hiệu lẻ gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo cắm bản, những người đã có trên dưới chục năm gắn với vùng đất khó, tôi càng hiểu hơn nỗi vất vả và khâm phục ý chí, lòng yêu nghề của họ.

Cô giáo Phùng Thị Ngọc (sinh năm 1986, quê ở huyện Văn Yên, Yên Bái) vào nghề được 8 năm thì cả 8 năm cắm bản ở Phân hiệu thôn Lán Bò. Khi đến đây ở và làm việc, cô mới hiểu được vì sao nhiều người lại sợ vùng đất này đến vậy. Nhớ lại những ngày đầu mới lên nhận công tác, đường khó đến nỗi “lên rồi không muốn xuống”, nên có khi mấy tháng trời cô Ngọc mới xuống trung tâm huyện và về thăm gia đình ở Yên Bái. Mọi nhu cầu về đồ dùng cá nhân, thực phẩm, cô đều nhờ những thầy, cô có nhà ở thị trấn mỗi tuần về mua hộ. Đó là khi trời tạnh ráo, còn khi trời mưa thì có khi vài tuần họ mới có được bữa cơm tươi, còn thì chỉ là cá khô, lạc rang trường kỳ.

Tuổi trẻ xa nhà, lại đến nơi núi rừng nhiều thiếu thốn, cô Ngọc không khỏi nhớ nhà, nhớ người thân. “Một ngày nơi đây dài như cả tháng trời, chỉ mong có dịp nghỉ dài dài để được về nhà. Nhiều lúc tôi nghĩ liệu mình có vượt qua được không, nhưng ở lâu, hiểu những thiệt thòi, lam lũ của các em, tôi lại càng muốn gắn bó lấy việc dạy các em làm vui, cùng các em vượt qua mọi khó khăn”, cô Ngọc chia sẻ.

Cô giáo Phùng Thị Ngọc ân cần giảng dạy học trò.

Đúng là ngày tháng 10, chưa nói hết câu chuyện, trông ra ngoài sân đã mịt mù sương, cô Ngọc xin phép đi nấu cơm. Bếp lửa được nhen lên bập bùng. Ngày cuối tuần nên bữa cơm hôm ấy chỉ có đĩa rau luộc, một chút lạc rang và con cá mắm chưng cà chua. Khó khăn là thế, nhưng cô Ngọc và những thầy, cô khác vẫn cho mình là người may mắn. Bởi họ chỉ dạy ở một điểm trường, không phải di chuyển nhiều, còn các thầy cô dạy môn chuyên biệt, như Thể dục, Âm nhạc, tiếng Anh, Mỹ thuật hằng tuần phải “chạy sô” giữa các điểm trường mới thực vất vả.

Thầy giáo Nguyễn Văn Điện dạy môn Thể dục của nhà trường chia sẻ: “Đại bản doanh” của mình là ở trường chính. Để thực hiện công việc, mỗi ngày mình di chuyển đến một thôn. Thôn gần khoảng 25 - 30 phút, còn thôn xa có đến cả tiếng đi xe máy. Đấy là ngày trời nắng, còn đối với ngày mưa chỉ còn cách đi bộ. Nhiều khi đến đêm mới về đến điểm chính”. Gần chục năm làm công việc giảng dạy, nhiều khi thầy Điện cũng thấy nản lòng, nhưng rồi chính sự kiên cường của một người trai không cho phép đầu hàng hoàn cảnh đã khiến thầy phấn đấu và gắn bó đến cùng. “Nói vậy chứ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai? Mình luôn nghĩ vậy để tự động viên phải cố gắng hơn nữa”, thầy Điện cho biết.

Những câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà người thầy nơi đây phải trải qua trong những năm bám bản nơi rừng sâu, núi thẳm “Ươm khát vọng trên núi cao”. Mùa đông rét mướt, mùa hè thì gió Lào khô rát, nhưng vẫn không làm vơi bớt lòng yêu nghề, mến trẻ của họ, bởi họ biết những điều họ làm hôm nay sẽ giúp trẻ em và người dân có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

TÔ DUNG
Gương sáng - Người tốt - Việc tốt








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập