Bài 1: Nhiều trường học trong tỉnh chật hẹp do thiếu đất

Trường chật hẹp làm gì cũng khó

Chúng tôi đến Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà) vào một ngày cuối tháng Ba. Năm học 2018 - 2019, trường có 18 lớp, 410 học sinh. Riêng tại điểm trường chính có 8 lớp, 212 học sinh, trong đó có 109 học sinh lớp 3, 4, 5 ở bán trú tại trường. Số lượng học sinh bán trú lớn nhưng trường chỉ có 5 phòng ở cho học sinh, trung bình mỗi phòng chưa đầy 20 m2 có 20 đến 26 học sinh. Trò chuyện với chúng tôi, em Vàng Thị Ngọc, ở phòng bán trú số 4 cho biết: Chúng em phải kê 2 dãy giường tầng sát nhau và phải nằm theo chiều ngang của giường mới đủ chỗ ngủ. Nằm 5 người 2 giường rất chật, chỉ cần xoay người thôi là ảnh hưởng đến các bạn, nhưng lâu dần cũng quen.

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Sa Pả phải học trong phòng học tạm.

Không chỉ khu ở bán trú chật chội mà diện tích đất sử dụng thực tế của trường cũng rất hẹp (hơn 1.200 m2). Trường có một khu nhà xây 2 tầng, một dãy nhà xây cấp 4 và khu nhà ở bán trú, khoảng sân phía trước nhỏ hẹp gây khó khăn trong việc tổ chức hoạt động ngoài giờ hoặc xây dựng các mô hình trong trường học và không đủ sân chơi cho học sinh. Trường còn thiếu 4 phòng học và các phòng thư viện, thiết bị. Do thiếu cơ sở vật chất nên trường chưa thể đưa hết học sinh lớp 3, 4, 5 từ các điểm trường về trường chính học tập.

Thầy giáo Đào Duy Công, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù đã tận dụng tất cả diện tích nhưng vẫn không đủ phòng học cho học sinh. Trường đã kiến nghị lên cấp trên xem xét mở rộng, nhưng do địa thế nằm trong khu dân cư trung tâm xã, xung quanh có nhiều nhà dân nên việc mở rộng diện tích khó khăn hơn vì liên quan đến kinh phí.

Rời Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố, chúng tôi tới Trường PTDT bán trú THCS San Sả Hồ (huyện Sa Pa). Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của trường thì tổng diện tích đất được cấp là 4.056 m2 nhưng thực tế sử dụng của trường chỉ có hơn 2.000 m2. Trường có 2 dãy nhà xây 2 tầng với 10 phòng sử dụng chung nhưng chưa thể đủ lớp học cho học sinh. Để mở rộng diện tích, trường đã phải xin đất công trình để lấp khe nước bỏ không ở khu cổng trường, mở thêm được gần 1.000 m2 sân phục vụ cho hoạt động của học sinh.

Năm học 2018 - 2019, Trường PTDT bán trú THCS San Sả Hồ có 11 lớp học, 358 học sinh, trong đó có 117 học sinh ở bán trú tại trường. Do chỉ có 4 phòng bán trú nên ở rất chật chội. Để đáp ứng chỗ ở cho các em, năm 2018, trường đã dựng thêm 1 nhà gỗ để làm phòng ở tạm. Bất cập nhất hiện nay là không có nhà ăn cho học sinh nên trường đã tận dụng khoảng hiên sau lớp học để kê bàn ghế cho học sinh ngồi ăn. Vì diện tích hẹp nên chỉ đủ kê một dãy bàn dài. Đến giờ ăn, học sinh đi lại khó khăn, phải chen nhau, ngồi ăn rất vất vả. Em Sùng Thị Si, lớp 7C cho hay: Chúng em chỉ muốn có phòng ăn thật rộng rãi, thoáng mát để ngồi ăn thoải mái hơn.
Thầy giáo Đỗ Đức Lý, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Để đảm bảo học tập cho học sinh, cuối năm 2018, trường đã xin được đầu tư xây mới một khu nhà 3 tầng với 8 phòng học, 4 phòng chức năng. Dự án được thực hiện theo chương trình xóa phòng học tạm của tỉnh, dự kiến đến tháng 10/2019 khu nhà sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, trường vẫn còn thiếu khu bếp ăn, khu nhà ở bán trú. Năm học 2019 - 2020, dự kiến trường có thêm 200 học sinh ở bán trú, nếu tính theo chỗ ở đảm bảo thì trường còn thiếu 10 phòng.

Câu chuyện chung của nhiều trường học

Câu chuyện ở 2 trường học trên cũng là câu chuyện chung của nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Van Chư (huyện Bắc Hà), trường còn thiếu 5 phòng chức năng, chưa có bếp ăn, nhà ăn. Do diện tích đất không thể mở rộng bởi xung quanh là nhà dân và UBND xã nên trường đã phải xây khu ở bán trú của học sinh nằm cách xa trường 500 m, rất bất tiện trong việc quản lý bán trú.
Đối với Trường PTDT bán trú THCS Sa Pả (huyện Sa Pa) còn khó khăn hơn vì nằm cheo leo trên sườn đồi và nhiều năm nay học sinh phải học trong lớp học tạm, trường lại không có sân rộng nên phần lớn các hoạt động ngoài giờ của học sinh đều bị hạn chế. Từ năm 2016 đến nay, để thực hiện mô hình trồng rau công nghệ cao, trường phải “mượn” 200 m2 đất của người dân trong 10 năm và mỗi năm trả cho chủ hộ 8,5 triệu đồng. Việc trường thuê hay mượn đất của người dân chỉ là giải pháp tạm thời và không mang tính bền vững.

Vài năm trở lại đây, tỉnh thực hiện việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Cùng với việc sáp nhập một số trường, tỉnh thực hiện xóa bỏ những điểm trường lẻ không hợp lý, đưa học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính học tập. Chính vì thế, những điểm trường chính trước đây có quy mô nhỏ càng trở nên chật hẹp hơn vì số lượng học sinh tăng. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế giáo viên, giảm số lớp khiến số lượng học sinh trong một lớp học tăng cao, nhiều lớp diện tích nhỏ không đáp ứng nhu cầu, điều này cũng đặt ra yêu cầu về việc mở rộng diện tích các trường.

Tuy nhiên, nếu tính diện tích trường học theo quy định trường chuẩn quốc gia thì ở các huyện trong tỉnh còn rất nhiều trường học thiếu diện tích để đạt chuẩn. Trong đó, huyện Bắc Hà có 17 trường (5 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 5 trường THCS); huyện Bảo Thắng có 13 trường (5 trường tiểu học, 4 trường THCS, 4 trường mầm non); huyện Sa Pa có 21 trường (7 trường THCS, 7 trường tiểu học và 7 trường mầm non). Tính bình quân mỗi trường thiếu từ vài trăm cho tới vài nghìn m2 đất để đảm bảo diện tích phục vụ học tập cho học sinh.

Ngành giáo dục và đào tạo đang đẩy mạnh việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhân rộng các mô hình trường học gắn với thực tiễn. Thực trạng nhiều trường học còn chật hẹp, thiếu diện tích đất đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học, tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Việc chỉ rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp cho vấn để này sẽ được chúng tôi đề cập ở những bài viết sau.

TUẤN NGỌC - ĐỨC TOÀN
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập