Cần tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
Quang cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; cùng các đại biểu đại diện cho 21 tỉnh, thành phố tham gia Đề án.

Đại biểu tham dự hội nghị. 

Qua 3 năm triển khai, thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, tính đến tháng 8/2018 cả nước có trên 845.000 trẻ dân tộc thiểu số đến trường. Trong đó, trẻ em người dân tộc thiểu số tại các địa bàn xã khó khăn đi học tăng gần 51.000 em; có trên 98% trẻ em dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt và được học 2 buổi/ngày, tăng 2,4% so với năm 2015… Qua đó, vốn tiếng Việt của học sinh phong phú hơn, các em phát âm chuẩn, sử dụng tiếng Việt hiệu quả trong quá trình học tập và giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Tại Lào Cai, tổng kinh phí thực hiện Đề án đến nay đạt trên 73 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Qua 3 năm thực hiện, có trên 39.000 trẻ được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. Trẻ 5 tuổi mạnh dạn, tự tin, chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp 1. Học sinh cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành tốt môn Tiếng Việt đạt trên 31%, vượt 1,5% so với kế hoạch; học sinh hoàn thành đạt gần 68%, vượt hơn 2% so với kế hoạch.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” đã góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Lào Cai sẽ luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện đề án được các đại biểu chia sẻ như: Việc huy động phụ huynh tham gia hỗ trợ thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tạo dựng môi trường học tập tiếng Việt thân thiện và khoa học cho học sinh... Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến: Bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương; tăng cường chế độ đãi ngộ cho giáo viên thực hiện công tác giảng dạy tại các lớp ghép, điểm trường vùng khó khăn; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ; cung cấp học liệu, đồ dùng  đồ chơi để tăng cường tiếng Việt trong các giờ học...

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao và biểu dương những kết quả của các địa phương đã đạt được trong việc thực hiện Đề án. Đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tham gia Đề án tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương, xây dựng các mô hình, tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền đến các tổ chức, gia đình, cộng đồng giúp trẻ xây dựng môi trường tiếng Việt lành mạnh; đồng thời kiểm tra, giám sát, kịp thời động viên, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân làm tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

*Trước đó, ngày 30/10, Đoàn công tác đã có chuyến đi thực tế, tham quan tại huyện Bắc Hà về mô hình tăng cường học Tiếng Việt tại Trường Mầm non Na Hối và Trường Mầm non Thải Giàng Phố.

Tại đây, các đại biểu đã được lắng nghe, chia sẻ những cách làm mới, sáng tạo trong việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Na Hối và Thải Giàng Phố.

Đại biểu chia sẻ phương pháp thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại địa phương.

Tham quan mô hình học tiếng Việt tại Trường Mầm non Thải Giàng Phố (Bắc Hà).

THANH HUỆ - THI KHANH
Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập