Hai cô giáo trường THPT số 1 thành phố Lào Cai sáng tạo mô hình hữu ích phục vụ dạy học môn Tiếng Anh

Ngày 19/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức tổng kết và trao giải cho tập thể  tập thể, cá nhân đạt kết quả cao trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ V (Năm 2016 - 2017).

Để giúp học sinh hứng thú học Tiếng Anh cũng như khắc phục tình trạng dạy “Tiếng Anh chỉ thiên về ngữ pháp, ít được sử dụng trong giao tiếp, ngại giao tiếp Tiếng Anh khi tiếp xúc với người nước ngoài ”, cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh- Phó Hiệu trưởng và cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền- Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, đã sáng tạo thành công “Giải pháp giảng dạy tiếng Anh bậc THPT theo hướng tăng cường kỹ năng giao tiếp cho học sinh”. Hệ thống giải pháp này giúp học sinh dễ hiểu, tự tin trong giao tiếp bằng Tiếng Anh, góp phần giúp nhà trường triển khai thành công thí điểm dạy Tiếng Anh hệ 10 năm theo Đề án 2020 của Bộ GD&ĐT.

Trong các sản phẩm, mô hình, giải pháp tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ V (năm 2016-2017) ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều người rất ấn tượng với “Giải pháp giảng dạy tiếng Anh bậc THPT theo hướng tăng cường kỹ năng giao tiếp cho học sinh” của cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh và cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền. Đây là hệ thống các giải pháp có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, giúp người học thực hành tốt, dễ áp dụng trong giảng dạy tại trường THPT và được Hội đồng giám khảo Hội thi đánh giá rất cao. Đặc biệt mô hình này đã đạt giải Nhì trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ V, giải cao nhất lĩnh vực giáo dục và đào tạo; cô Thanh và cô Hiền còn được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ V, đồng thời hệ thống giải pháp này cũng được chọn đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo cho người lao động.

Cô giáo Phạm Thị Tuyết Thanh và cô giáo nguyễn Thị Thu Hiền nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ V

Giải pháp được nhóm tác giả nghiên cứu thực hiện từ tháng 8/2014 đến nay và đã đưa vào dạy thử nghiệm với những kỹ thuật dạy học, phương pháp dạy học mới, sáng tạo, các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để nâng cao khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh của học sinh; sự sáng tạo thể hiện rõ nét ở việc các hoạt động này được thực hiện lần đầu tiên ở trường THPT số 1 Lào Cai, các hoạt động này được tiếp nối, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh của học sinh, như: Kỹ thuật dạy học: Sử dụng poster, power point để thuyết trình, nhật ký học tập, đóng kịch, học tập theo Dự án, làm phóng sự về các vấn đề liên quan đến học sinh, và xã hội. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp: Tổ chức thi nói Tiếng Anh theo các chủ đề như tình bạn online, khoảng cách các thế hệ trong gia đình, phong cách sống tốt, các điểm du lịch và văn hóa, ẩm thực của  tỉnh Lào Cai cũng như trong cả nước; Tìm hiểu văn hóa của các nước nói Tiếng Anh trên thế giới. Tổ chức các lễ hội: Lễ hội Halloween, Đón chào năm mới, Noel, Christmas....Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Tổ chức cho học sinh đi phỏng vấn người nước ngoài ở các điểm du lịch trong tỉnh theo các chủ đề mang tính thời sự như: Đô thị hóa, ô nhiễm môi trường... Ngày hội nói Tiếng Anh qua hình thức Hội chợ để tăng cường kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh của học sinh qua bán hàng và giới thiệu sản phẩm, lợi nhuận thu được của các lớp đều ủng hộ cho học sinh vùng cao.

Chia xẻ khó khăn của học sinh và giáo viên khi mới thực hiện nghiên cứu, cô Thanh, cô Hiền tâm sự: Diễn đạt một số vấn đề bằng tiếng mẹ đẻ đã khó nữa là bằng những thuật ngữ chuyên ngành khi đi trải nghiệm thực tế, tổ chức sự kiện. Để xây dựng một bài giảng cần tâm huyết, kiên trì của người thầy, mỗi bài giảng theo hướng tăng cường kỹ năng giao tiếp thì lâu hơn rất nhiều so với bài giảng thông thường và thậm chí khó định lượng được diễn biến khi thực hiện, song với nỗ lực không mệt mỏi, đến nay tổ Tiếng Anh trường thPt số 1 lào Cai đã áp dụng nhiều bài giảng và được học sinh đón nhận với hiệu quả tích cực. “Các em tỏ ra rất hào hứng với bài học bởi đều bàn đến những chủ để rất thực tế như: Giới tính, tình yêu, môi trường, dân số, phát triển kinh tế, hội chợ…

Hệ thống giải pháp đã được áp dụng có hiệu quả tại trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, nhóm tác giả đã phổ biến giải pháp trong các hội thảo cấp tỉnh, cấp quốc gia về dạy và học Tiếng Anh của ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai, đặc biệt dạy Tiếng Anh hệ 10 năm theo Đề án 2020. Hiệu quả về kỹ thuật của giải pháp đã được khẳng định qua kết quả học tập của học sinh, trong 3 năm thực hiện giải pháp đạt 159 giải các cuộc thi, kì thi về tiếng Anh cấp tỉnh và cấp quốc gia; trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 học sinh học hệ  tiếng Anh 10 năm tại nhà trường đạt tỷ lệ cao từ điểm 8,0 trở lên, trong đó có điểm 10. Về ý nghĩa sâu xa giải pháp đã góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời điểm hiện nay

Thiết nghĩ xã hội phát triển từng ngày nhất là trong thời kỳ hội nhập và công nghệ 4.0. Vì vậy bản thân mỗi giáo viên phải ý thức được sự sáng tạo giúp cho nâng cao năng lực, đáp ứng được nghề nghiệp. Nếu không tự thân đổi mới, sáng tạo thì sẽ bị tụt hậu so với người khác và xã hội, đổi mới sáng tạo chính là động lực, là tự tôn nghề nghiệp và  tự tin trước học sinh và đồng nghiệp. Còn  nhiều thầy cô là gương sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo âm thầm cống hiến cho vùng cao, vùng nhiều học sinh dân tộc thiểu số, luôn sẵn sàng nhận việc khó, chấp nhận xa gia đinh, quê hương để nâng đỡ, cưu mang học sinh, họ là những đóa hoa tươi thắm rất cần xã hội vinh danh, ghi nhận.

                                                                              Đỗ Thanh tùng

                                                                         Phòng GDTrH, Sở GD&ĐT

Tin trong ngành
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập