Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: Hiệu quả từ mô hình học sinh bán trú ở Trường Tiểu học Dìn Chin

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết, việc xây dựng hệ thống bán trú ở các trường vùng sâu, vùng xa thực hiện được nhiều năm làm thay đổi rõ rệt từ mô hình bán trú mang lại. Nhiều trường bán trú trên địa bàn đã biết gắn kết nhiều mô hình dạy học như; Trường học gắn liền với văn hóa dân tộc địa phương, trường học gắn liền với nông trại, chăn nuôi, trường học gắn liền với văn hóa dân gian, trường học gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chính các em học sinh…Thực hiện mô hình thiết thực như vậy đã giúp  các trường học trong huyện nhiều năm trở lại đây tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 98%, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Minh Xuân kiểm tra khu vực nhà ở bán trú tại Trường Tiểu học Dìn Chin 

Chúng tôi có dịp đến thăm Trường Tiểu học Dìn Chin, xã Dìn Chin thuộc vùng 3  kinh tế đặc biệt khó khăn, học sinh 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn rất nhiều khi phải ở ghép chung với trường mầm non vì vậy nhiều hoạt động không được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, khu vực xã Dìn Chin  không có nước sinh hoạt do địa lý khắc nghiệt nên nước dùng hàng ngày của cô và trò nhà trường chủ yếu là những bể nước mưa được nhà nước đầu tư.  Không phải là trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng Trường Tiểu học Dìn Chin có 50/281 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính Phủ. Tuy nhiên, mọi hoạt động vẫn được nhà trường và ngành Giáo dục quan tâm thực hiện như những trường bán trú. Tuy không phải trường bán trú nhưng Trường Tiểu học Dìn Chin đều nuôi, dạy các em theo hình thức nội trú.  Đối với các em học sinh bán trú  được hưởng 40% trợ cấp so với lương cơ bản (khoảng 520 ngàn đồng/tháng/em + 15kg gạo).. Nhưng nếu không tổ chức như học sinh nội trú thì việc duy trì bán trú và tỷ lệ chuyên cần ở khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ không đạt được vì các em đi về nhà phải vượt đường xa, giao thông hiểm trở. Do trình độ dân trí của bà con chưa cao nên không ý thức được sự cần thiết của giáo dục đối với con em mình, vì vậy nhà trường đã chọn kiểu dạy bán trú, nhưng nuôi theo kiểu nội trú. Theo đó, học sinh sẽ được ăn cơm 3 bữa/ngày và ở lại trường đến cuối tuần. Biết là như vậy các thầy cô rất vất vả và chịu thiệt khi phải lo cho các em 3 bữa ăn cùng với các chi phí sinh hoạt khác trong khi đó mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên là 40% lương cơ bản. Nhưng vì chất lượng giáo dục vùng cao nên nhà trường vẫn động viên các thầy cô giáo cùng nhà trường chia sẻ, vượt khó đồng thời kêu gọi các nhà từ thiện ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các em, như “Tổ chức cơm có thịt” đã hỗ trợ 124 em học sinh không thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định 116  bữa ăn trưa tại trường.

Các em học sinh đang học múa sạp

Dẫn chúng tôi thăm khu ở bán trú, cô giáo Đỗ Thị Tươi, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình bán trú, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt 100%”. Khu bán trú của trường hiện có phòng ở, bếp ăn, công trình vệ sinh, khu vui chơi, thể thao, vườn trồng rau, khu chăn nuôi… Ngoài giờ học, học sinh tham gia trồng rau, phần nào cung cấp thực phẩm, cải thiện bữa ăn hằng ngày cho chính các em. Vào thăm bếp nấu ăn cho các em khi giờ ăn trưa sắp bắt đầu, chúng tôi thấy trên bảng công khai tài chính có ghi thu, chi rõ ràng và số lượng thực phẩm được sử dụng đầy đủ lượng, chất dinh dưỡng hàng ngày.

Ngoài việc học chính khóa trên lớp, nhà trường xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động thiết thực đến từng học sinh như: Tổ chức cho học sinh lớp 4, lớp 5 đi lấy nước bằng những chiếc can 5lít về phục vụ chính bản thân, giúp đỡ các bạn lớp nhỏ tuổi hơn, vệ sinh phòng ở bán trú. Nhà trường tổ chức cho các em tự học trên lớp buổi tối, hoạt động múa hát theo văn hóa địa phương. 

Bảng nội quy  được nhà trường công khai niêm yết

Khu vực nhà ở bán trú của học sinh được bố trí phòng trực ban, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đồ dùng tại các phòng ở của học sinh được các em xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Nhiều năm trở lại đây huyện Mường Khương coi trọng việc đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là hệ thống nhà ở bán trú cho học sinh. Có thể nói, trên địa bàn toàn huyện không còn tình trạng trường học có học sinh ở bán trú nhưng không có chỗ ở, và chỗ ở chưa đảm bảo, đó là điều mà ngành Giáo dục huyện đã làm, được ghi nhận. Đặc biệt, những năm gần đây ngành Giáo dục huyện Mường Khương luôn dẫn đầu trong các huyện vùng cao về tỷ lệ học sinh chuyên cần trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống giáo dục huyện được thay đổi nhanh, các trường học được đầu tư đồng bộ, hệ thống lớp học, sân trường luôn xanh - sạch- đẹp.

Tuy vậy, các trường học ở huyện Mường Khương còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi mong rằng, bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương; rất cần các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa để thầy và trò nơi đây từng bước thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu./.

Đình Thơm  

Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập