Một số trường học thiếu nước sinh hoạt

Tại Trường PTDT bán trú THCS Dền Thàng, thầy giáo Vũ Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường không khỏi lo lắng khi bể nước của trường đã cạn gần sát đáy, tất cả vòi nước đều khô không một giọt nước. Năm học 2018 - 2019, trường có 9 lớp với 311 học sinh, trong đó có 209 học sinh ở bán trú tại trường. Ngoài ra, khu tập thể của trường thường xuyên có 17/22 giáo viên ở lại, đến cuối tuần mới về nhà. Lượng học sinh bán trú và giáo viên ăn, nghỉ tại trường quá đông, nhu cầu sử dụng nước hằng ngày rất lớn, trong khi đó nguồn nước của trường ngày càng cạn kiệt.

Tình trạng thiếu nước tại Trường PTDT bán trú THCS Dền Thàng ngày càng trầm trọng.

Em Phàn Thị Tung, học sinh lớp 8B bảo: Phòng ở bán trú của em có 15 bạn, 2 tháng qua phải sử dụng nước rất tiết kiệm. Thỉnh thoảng chúng em phải xách xô đi xin nước từ khu tập thể giáo viên để tắm, giặt. Mấy ngày nay nắng nóng quá, khu tập thể giáo viên cũng không đủ nước, chúng em phải xuống tắm nhờ tại nhà bạn Xử A Lè ở gần trường.

Bên bể nước đã cạn gần hết, vợ chồng anh Phàn A Phình (nhân viên cấp dưỡng của trường) vừa chuẩn bị nấu cơm trưa cho học sinh vừa than thở: Mùa này trường thiếu nước quá, nhiều hôm tôi phải nhờ học sinh đi xin mới đủ nước nấu ăn.

Thầy giáo Vũ Xuân Thành cho biết: Từ Tết Nguyên đán 2019 đến nay, tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng. Cuối năm 2018, trường được lắp đường nước từ hệ thống nước sinh hoạt của xã nhưng chỉ được 3 ngày, từ đó đến nay không có nước từ đường ống này nữa. Hiện trường sử dụng nước của đường ống dẫn nước từ khe nước cách trường 1 km, nhưng lượng nước đang cạn dần, mỗi ngày chỉ lấy được 4 m3, đủ phục vụ nhu cầu tối thiểu như nấu ăn, nước uống, vệ sinh. Nhiều khi hết nước, nhà vệ sinh phải đóng cửa; học sinh muốn tắm, giặt phải nhờ nhà người dân quanh trường. Thầy cô giáo luôn nhắc nhở học sinh khi đi tắm nhờ phải đi theo nhóm để đảm bảo an toàn.
Tại Trường THCS xã Cốc Mỳ, tình trạng thiếu nước cũng khiến sinh hoạt của học sinh gặp không ít khó khăn. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tạo, Phó Hiệu trường nhà trường, hiện trường có 540 học sinh, trong đó có 140 học sinh ở bán trú nên không thể để thiếu nước nấu ăn, sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, từ 2 tháng qua, nguồn nước nhà trường dùng chung với UBND xã và 4 hộ quanh đó không còn chảy mạnh như trước. Thầy và trò nhà trường đang sử dụng nước tiết kiệm tối đa nhưng cũng chỉ đủ để nấu ăn và uống hằng ngày, còn nước phục vụ vệ sinh, tắm, giặt của học sinh thì không đủ, chưa nói đến tưới rau. Biện pháp duy nhất vào những hôm bể cạn nước là học sinh phải đi tắm nhờ nhà người dân. Về lâu dài, trường cần có giếng khoan để đảm bảo nước sinh hoạt, nhưng kinh phí tốn kém nên rất mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Không chỉ ở một số xã vùng cao, ngay tại trung tâm thị trấn Bát Xát, tình trạng thiếu nước cũng diễn ra ở một số trường có học sinh nội trú, bán trú như PTDT nội trú huyện Bát Xát, THPT số 1 huyện Bát Xát. Thời gian vừa qua, nước từ hệ thống nước sạch của huyện Bát Xát không chảy được đến vị trí của Trường PTDT nội trú huyện Bát Xát, vì thế sinh hoạt của gần 490 học sinh nội trú phụ thuộc vào việc bơm nước từ 3 giếng khoan của trường. Mặc dù máy bơm hoạt động 24/24 giờ, nhưng mỗi ngày chỉ bơm được 40 m3 nước, trong khi nhu cầu cần hơn 50 m3. Nước uống cho học sinh được lọc bằng máy nhưng mỗi ngày chỉ lọc được khoảng 100 lít…

Cần sự quan tâm của chính quyền địa phương

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu nước đối với một số trường học của huyện Bát Xát xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đối với các trường học trên địa bàn xã Dền Thàng, ngoài nguyên nhân khách quan do lượng nước khan hiếm vào mùa khô thì còn xuất phát từ sự quản lý hệ thống cấp nước của chính quyền xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phàng A Quả, Chủ tịch UBND xã Dền Thàng cho biết: Tuy xã đã được đầu tư hệ thống dẫn nước từ thôn Ngải Thầu về trung tâm xã (thôn Tả Phìn) phục vụ hơn 80 hộ và UBND xã, Trạm Y tế xã, 3 trường học, nhưng hệ thống nước hoạt động kém, dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng. Cuối năm 2018, khi được bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt, xã đã thành lập Tổ quản lý, vận hành gồm 3 thành viên và dự kiến thu mỗi hộ được lắp đồng hồ nước 2.000 đồng/m3. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa thu được tiền từ người dân nên không có tiền chi trả cho Tổ quản lý, vận hành hệ thống nước. Mặt khác, mùa này một số hộ ở đầu nguồn hay chặn nguồn để lấy nước vào ruộng, đường ống nhựa bị người dân, gia súc làm hỏng nên nước không chảy về cuối nguồn được.

Học sinh Trường PTDT nội trú huyện Bát Xát gặp nhiều khó khăn
do thiếu nước sinh hoạt.

Còn tại Trường PTDT nội trú huyện Bát Xát, tình trạng thiếu nước đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được ngành chức năng và chính quyền địa phương khắc phục. Theo lý giải của ông Trần Đình Dưỡng, Giám đốc Chi nhánh Cấp nước sạch huyện Bát Xát, do nhà trường sử dụng máy bơm từ giếng khoan lên đấu thẳng vào ống nước của hệ thống nước sạch nên nước từ hệ thống không tới trường được. Tuy nhiên, qua quan sát thực tế những tuần gần đây, hệ thống dẫn nước trực tiếp của Chi nhánh Cấp nước sạch huyện Bát Xát dẫn vào 2 bể tích nước thấp nhất của Trường PTDT nội trú huyện Bát Xát vẫn không hoạt động, bể luôn khô cạn.

Hiện sắp vào đợt cao điểm trong mùa khô năm 2019, tình trạng thiếu nước ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sinh hoạt của học sinh, giáo viên ở không ít trường học trên địa bàn huyện Bát Xát. Nỗi lo của các trường đang thiếu nước là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, nguy cơ học sinh nghỉ học về nhà do trường thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới tỷ lệ chuyên cần. Vì thế, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần khẩn trương có giải pháp khắc phục.

TUẤN NGỌC
Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập