Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ I
Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việc Chính phủ quyết định, bắt đầu từ năm 2009 lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng.
Là một mảnh đất nằm ở địa đầu của biên cương tổ quốc thuộc tỉnh Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào Đất việt, Bát Xát  với 14  thành phần dân tộc sinh sống đã tạo cho vùng đất này một nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày 18/02/2017 Trường PTDT Nội trú, THCS và THPT Bát Xát đã long trọng tổ chức Ngày hội Văn hóa -  thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ I nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Mở đầu chương trình, nhà giáo Ngô Thị Thu Hường - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã lên phát biểu và trang trọng tuyên bố khai mạc ngày hội.
Bằng những lời ca, tiếng hát ngọt ngào hay những điệu múa vô cùng uyển chuyển, điêu luyện của các em học sinh, văn hóa các dân tộc (Kinh, H’Mông, Giáy, Dao, Hà Nhì) đã được tái hiện một cách sinh động, chân thật với những nét độc đáo của riêng mình.
Trong các tiết mục  không thể không kể đến sự điệu múa “Con trai, con gái” của đồng bào dân tộc Hà Nhì - Một dân tộc duy nhất chỉ có ở Bát Xát, sinh sống ở Y Tý với bốn mùa mát lạnh và mang trong  mình một nền văn hóa vô cùng đặc sắc qua lễ hội khu Già Già hay các tục cúng lễ và các trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, một dân tộc đã góp phần làm nên sự đặc sắc trong nền văn hóa Bát Xát đó chính là dân tộc Giáy. Với rất nhiều các nét văn hóa riêng của mình như lễ hội lễ hội “Roóng pọc” hay đám cưới vui nhộn của đón dâu, của trống kèn pí lè, sự ồn ào của trai gái bôi phẩm đỏ để mãi mãi nhớ tới nhau đặc biệt dân tộc Giáy còn rất tự hào với điệu múa quạt mà đi tới đâu họ cũng mang theo để thể hiện niềm tự tôn của dân tộc mình.
                     

                 
Hình ảnh: Tiết mục múa "Con trai, con gái" của người Hà Nhì do học sinh khối 7 thể hiện

     Điều đặc biệt làm nên sự lôi cuốn của ngày hội là một tiết mục phục dựng lễ giải hạn của người Dao Đỏ vô cùng tài tình và công phu  của các em học sinh khối 10. Qua sự tái hiện của các em đã khiến cho khán giả được đắm mình trong không khí trang nghiêm và linh thiêng của hai cõi âm- dương và mở mang tầm hiểu biết của mình về phong tục tập quán của đồng bào người Dao Đỏ. Việc tái hiện lại các phong tục tập quán không phải chỉ là sự thể hiện đơn thuần mang tính chất phô trương mà còn là sự am hiểu và tự hào của các em về chính các phong tục tập quán của dân tộc mình.
       
                                 Hình ảnh: Lễ giải hạn của người Dao Đỏ 
Phần thứ hai của buổi lễ không khí lúc này hoàn toàn thay đổi. Sự náo nhiệt, sôi động và hưởng ứng nhiệt tình của cả thầy và trò vào các trò chơi dân gian như: chi chi chành chành, ăn ô quan hay ném pao, đánh én… Những trò chơi này đã góp phần giáo dục, rèn luyện  các em sự nhanh nhẹn, tỉ mỉ cả về thể chất lẫn tinh thần để các em có được sự thư giãn sau những giờ học căng thẳng
Mang đến ngày hội hôm nay, không chỉ có những lời ca, tiếng hát hay những trò chơi dân gian, thầy và trò nhà trường đã thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của mình qua các gian hàng trưng bày sản phẩm của từng các dân tộc. Mỗi một gian hàng đều thể hiện được sự độc đáo riêng. Đó là sự sặc sỡ sắc màu của những bộ trang phục bằng thổ cẩm của đồng bào H’Mông, sự tinh tế trong văn hóa ẩm thực, trong bộ áo dài truyền thống của dân tộc Kinh hay sự đơn giản nhưng không kém phần độc đáo trong bộ trang phục của người Giáy, sự cầu kì trong từng đường kim mũi chỉ để tạo nên trang phục mang đậm chất của người Hà Nhì. Các gian hàng đều có những sản phẩm nông nghiệp: ngô, khoai, sắn hay các loại rau củ quả để ca ngợi sự cần cù, chăm chỉ trong hoạt động lao động sản xuất của đồng bào mình.  

        
                                         Hình ảnh:Gian hàng trưng bày về các sản phẩm  trang phục của các dân tộc 

Sản phẩm vô cùng quan trọng của các gian hàng chính là những quyển tài liệu nghiên cứu về các dân tộc  Giáy, Hà Nhì, Kinh, Dao, H’Mông. Những cuốn tài liệu vô giá này là một tài liệu quý  trong việc  xây dựng mô hình nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc; đồng thời góp phần vô cùng quan trọng trong hoạt động xây dựng mô hình trường học Đa văn hóa gắn với cộng đồng mà nhà trường đang thực hiện trong năm học 2016-2017 sẽ được hoàn thành: đưa việc tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong các giờ học.” Giúp cho các em học sinh có thêm nhiều kiến thức về chính văn hóa của dân tộc mình và dân tộc bạn.  
           

           Hình ảnh: Các cuốn tài liệu tìm hiểu về bản sắc của các dân tộc Giáy, Kinh, H Mông

Thông qua các hoạt động, chương trình tạo nên bức tranh với nhiều mảng màu đa dạng về văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và huyện Bát Xát nói riêng, tràn ngập tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc . Đồng thời chương trình đã để lại dư âm sâu sắc trong lòng mọi người, là động lực thúc đẩy thầy và trò nhà trường chung tay hành động trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt trong hiện tại và tương lai nhằm xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp. Ngày hội kết thúc thành công tốt đẹp với sự phấn khởi của cả thầy và trò nhà trường.  

Người viết: Nguyễn Thị Vân   -    
Đơn vị: Trường PTDT Nội trú, THCS&THPT Bát Xát
               

Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập