Tiếng trống trường ngân vang

Chuyện kể trên núi Don

Giữa cái nắng như đổ lửa, xe máy gằn ga số 1 vọt dốc, chúng tôi theo chân thầy Lục Tiến Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Tiến cùng 3 thầy giáo khác và một cán bộ xã Tân Tiến lên thôn Nậm Bắt vận động học sinh ra lớp. Đi được khoảng 10 km đường bê tông, phía trước là đoạn đường đất 4 km đầy thử thách. Dốc dựng đứng, đá lởm chởm, vệt bánh xe sâu hoắm, xe đi chênh vênh bên mép vực suối sâu hun hút, không vững tay lái là lao ngay xuống vực.

Sau gần một tiếng “đánh vật” với đoạn đường đó, bản người Dao dưới đỉnh núi Don hiện ra trước mặt chúng tôi là những ngôi nhà gỗ đơn sơ. Nhà nào cũng vắng teo vì người dân đi làm nương chưa về. Thầy Vinh cho hay: Nậm Bắt là thôn xa xôi, khó khăn nhất của xã Tân Tiến, có hơn chục học sinh người Dao đang học THCS và ở bán trú tại trường, nhưng một số em vẫn chưa đến trường tập trung vào ngày 13/8.

Háo hức đón chào năm học mới.         Ảnh: Giang Anh.

Vào ngôi nhà sàn nhỏ, chúng tôi gặp em Bàn Văn Lập, năm nay học lớp 6, vừa đi chăn trâu về. Em Lập bảo mấy hôm nữa mới xuống trường vì còn ở nhà giúp mẹ chăn trâu, lấy củi, hái rau lợn. Chị Trương Thị Eng, mẹ em Lập không nói được tiếng phổ thông, nên thầy giáo tiểu học là Lý Văn Sáng phải nói bằng thổ ngữ thì chị mới hiểu, hứa sẽ cho con xuống trường học, không bắt con ở nhà chăn trâu nữa.

Bản Dao Nậm Bắt nắng gắt, hầm hập như chảo rang, mặc dù ướt đẫm mồ hôi và khát khô cổ, nhưng các thầy giáo vẫn cố gắng leo dốc đến thăm một số gia đình học sinh nữa. Có chỗ phải đợi nửa tiếng mới gặp được bố mẹ học sinh đi làm về để thuyết phục gia đình đưa con đến trường. Nhìn bản Dao nghèo khó xác xơ, con đường đất cheo leo mà nhiều học sinh phải đi bộ xuống trường bằng đôi dép tổ ong cũ rách, chúng tôi thấu hiểu vất vả, gian nan của sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Những thầy giáo “cắm bản”

Theo chân các thầy giáo, chúng tôi đến phân hiệu Tiểu học và Mầm non Nậm Bắt. Thầy giáo Lương Văn Thoại bưng ra cái rổ nhỏ với mấy chùm dâu da chín bảo anh em ăn cho đỡ khát nước. Sau đợt bồi dưỡng chuyên môn hè, hôm nay các thầy giáo mới lên trường dọn dẹp, còn học sinh mấy hôm nữa mới tựu trường, vì thế mọi thứ vẫn ngổn ngang.

Thầy giáo Lương Văn Thoại ở xã Nghĩa Đô, đã có 18 năm gắn bó với các điểm trường vùng cao Tân Tiến, đặc biệt là “cắm chốt” ở Nậm Bắt suốt 7 năm qua tâm sự: Đối với học sinh mầm non, tiểu học, việc vận động các em ra lớp đầu năm học cũng lắm gian nan. Năm học trước, phân hiệu Nậm Bắt có gần 30 học sinh, trong đó quá nửa thuộc gia đình hộ nghèo, nhiều hộ bận ruộng nương nên không quan tâm đưa đón con đến lớp. Nậm Bắt có hai con suối to chảy qua thôn, đầu năm học mới cũng đang mùa mưa lũ, nên nhiều hôm mưa to học sinh không đi học, thầy giáo phải đến tận nhà cõng học sinh qua suối đến lớp.

Điểm trường Nậm Bắt đã xa xôi cách trở, lại không có điện, không sóng điện thoại, thông tin liên lạc chỉ có cách truyền miệng hoặc đi bộ đến nhà học sinh. Trước ngày tựu trường, thầy Thoại cứ đánh trống thật to, vừa như tín hiệu thông báo, vừa để thúc giục học sinh tới lớp. Ở bản Dao heo hút này, tiếng trống trường ngân vang có lẽ cũng là thứ âm thanh vui tươi, rộn rã nhất mỗi buổi sớm mai, gieo vào cuộc sống nghèo khó niềm hy vọng.

Ở Tân Tiến, các trường học và phân hiệu rất ít giáo viên nữ. Thầy giáo Nguyễn Phan Ngọc đã có 12 năm dạy học ở vùng cao Tân Tiến chia sẻ: Năm 2005, Trường THCS Tân Tiến có 13 giáo viên thì có tới 12 thầy giáo, 1 cô giáo dạy được 1 năm học thì cũng xin chuyển công tác. Năm học mới này, trường có 14/21 giáo viên là nam giới. Còn Trường Tiểu học Tân Tiến có 28 giáo viên thì chỉ có 6 cô giáo, cách đây 2 năm cả trường chỉ có 3 cô giáo. Ở nơi gian khó, các thầy giáo trở thành trụ cột của công tác phổ cập giáo dục, miệt mài “cõng” chữ lên non.

Các thầy giáo xã Tân Tiến đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Tâm sự trước năm học mới

Ngày đầu năm học 2018 - 2019, không khí tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Tiến không vắng vẻ như tôi nghĩ, mà khá đông vui. Học sinh từ các thôn bản xa xôi như Nậm Bắt, Can Chải, Nậm Hu, Nậm Dìn… đều có mặt tại trường, khẩn trương lao động làm đẹp cảnh quan trường lớp. Sau kỳ nghỉ hè, thầy trò gặp lại nhau, ai cũng phấn khởi, tiếng nói cười rộn rã khắp sân trường.

Em Lù Thị Seo, lớp 9A, nhà ở thôn Nà Phung tươi cười: Nhà em cách trường hơn 6 km, sáng nay em dậy từ 5 giờ, đi bộ xuống trường, tuy đường xa, nhưng em mong sớm gặp lại thầy cô giáo và các bạn, trên đường đi có các bạn trong thôn đi cùng, nên rất vui.

Ngay trên sân trường, một người trung tuổi, nước da ngăm đen, mồ hôi ướt đẫm áo đang cùng học sinh cuốc đất, dọn cỏ sân trường. Thật xúc động khi biết ông là Sùng Seo Sèng, phụ huynh của em Sùng Thị Gió, đã không quản đường xa đi bộ 11 km xuống trường giúp thầy cô giáo lao động đầu năm học mới. “Hây dà! Xuống trường giúp thầy cô giáo một ngày, hai ngày cũng được mà, chỉ mong các cháu học giỏi, biết nhiều cái chữ, sau này làm cán bộ để giúp bà con”, ông Sèng bảo.

Thầy giáo Lục Tiến Vinh trò chuyện: Mấy năm trước, Tân Tiến còn nằm trong 12 xã yếu về phong trào giáo dục của tỉnh, nhưng từ năm 2015 trở lại đây đã có chuyển biến nổi bật. Năm học vừa qua, tỷ lệ chuyên cần của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Tiến luôn đạt từ 96% trở lên. Điều phấn khởi là có 33% học sinh học lực khá, giỏi, trong đó 6 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, thi đỗ vào trường nội trú của huyện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT và học nghề đạt trên 70%. Năm học 2018 - 2019, trường có 188 học sinh, trong đó 125 học sinh bán trú, thầy - trò đều cố gắng thi đua dạy tốt, học tốt, gặt hái thêm nhiều kết quả.

Tuy vậy, băn khoăn nhất của thầy và trò trước thềm năm học mới là hiện nay Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Tiến chưa có phòng ăn nên đến bữa, học sinh phải ăn trong phòng ở bán trú, rất bất tiện. Trường cũng còn trên 300 m2 sân cần được đổ bê tông để khỏi lầy lội trong ngày mưa gió. Thầy giáo Hoàng Trọng Điệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tân Tiến bày tỏ: Trường có 132/282 học sinh bán trú, nhưng vẫn thiếu nhân viên bảo vệ, văn thư, thiếu 1 phòng học. 100 học sinh của trường là con hộ nghèo, gia đình không có điều kiện mua đầy đủ quần áo, giầy dép, đồ dùng học tập cho học sinh khi vào năm học mới, nên rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

TUẤN NGỌC
Từ cơ sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập