Gìn giữ văn hóa dân tộc góp phần giáo dục đạo đức học sinh

Gìn giữ văn hóa dân tộc góp phần giáo dục đạo đức học sinh

GD&TĐ - Cùng với dạy chữ, công tác giáo dục dân tộc được trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng đẩy mạnh, hướng đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục dân tộc

Bản Phùng, xã Thanh Bình cách trung tâm thị xã Sapa trên 30 km. Khu vực Bản Phùng hiện có 6 thôn với 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là Mông (đen) và Dao đỏ. Cheo leo bên sườn núi cao, quanh năm mây phủ, cuộc sống của đồng bào Mông, Dao vất vả, thiếu thốn đủ bề.

Năm học này, trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng có 176 học sinh, trong đó có hơn 65% là con em người Dao, còn lại là người Mông. Ở đây, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình. Vì thế, nhà trường luôn xác định: Chỉ có chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh mới có thể hướng mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững.

Thầy Đặng Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi tập trung giáo dục các em về lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, dạy các em phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Gìn giữ văn hóa dân tộc góp phần giáo dục đạo đức học sinh ảnh 1

Tham quan không gian trang phục đồng bào Mông.

Dẫn chúng tôi đến phòng truyền thống của nhà trường, thầy Đặng Văn Thành chia sẻ về ý tưởng xây dựng không gian văn hóa tại đây. “Xuất phát từ phong trào xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, chúng tôi chọn mô hình “Trường học sinh thái gắn với bảo tồn văn hóa”. Phòng truyền thống là một nửa mô hình của nhà trường đang hướng đến xây dựng”.

Phòng truyền thống của trường hiện trưng bày hơn 200 hiện vật với các không gian: Trang phục dân tộc Dao đỏ; trang phục đồng bào Mông đen; dụng cụ sản xuất; nhạc cụ dân tộc; chữ viết của người Dao...

“Để có được những hiện vật trên, nhà trường đã huy động học sinh, phụ huynh và cán bộ xã ủng hộ. Bên cạnh đó, thầy cô tự đi sưu tầm, tìm mua. Có những hiện vật, người dân sẵn sàng cho không nhưng cũng có những thứ họ chỉ để dùng, không bán nên việc sưu tầm hiện vật vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra” – Thầy Thành nói.

Thầy Thành tiếp lời: “Có những em vào trong phòng truyền thống, được tìm hiểu rồi mới nói “Đây là dụng cụ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình à?”. Điều đó cho thấy phòng truyền thống đã phát huy được vai trò của nó”.

Em Thào Xuân Quyết, học sinh lớp 9 chia sẻ: “Em là người Mông nhưng nhiều đồ vật, dụng cụ của dân tộc mình chỉ được nghe kể. Đến nay, được tìm hiểu trong phòng truyền thống của nhà trường em mới được biết đến. Qua đó, em mới về nhà hỏi thêm gia đình về cách chế tác và công dụng”.

Gìn giữ văn hóa dân tộc góp phần giáo dục đạo đức học sinh ảnh 2

Trải nghiệm dệt may vải thổ cẩm.

Theo thầy Thành, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, nhà trường đã đưa giáo dục văn hóa, kỹ năng sống cùng những nét đẹp truyền thống vào trong tiết học, hay như các hoạt động trải nghiệm. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy.

“Việc giáo dục văn hóa dân tộc không chỉ tạo được không khí thoải mái cho học sinh mà còn góp phần tích cực vào đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời, gìn giữ và lưu truyền những nét văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

Đưa chuẩn mực đạo đức vào thực tế

Trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng quán triệt: Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tự rèn luyện bản thân, hoàn thiện mình để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

“Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh vận dụng chuẩn mực đạo đức đã được học vào thực tế cuộc sống. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy người. Ngoài xây dựng các quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống thì chương trình giáo dục cần cụ thể, tránh hình thức và chú trọng thực hành xã hội” – thầy Đặng Văn Thành cho biết.

Gìn giữ văn hóa dân tộc góp phần giáo dục đạo đức học sinh ảnh 3

Thầy trò cùng tạo dựng khuôn viên nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường công tác tự quản của tập thể lớp, thông qua vai trò cố vấn của giáo viên chủ nhiệm. Mỗi giáo viên chủ nhiệm đều có kế hoạch giáo dục đạo đức học sinh. Đồng thời, định kỳ hàng tuần, tháng, có nhận xét, đánh giá, xếp loại cụ thể về từng mặt cho từng học sinh. Chỉ cho mỗi em thấy được mặt mạnh, yếu để tự điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Theo thầy Thành, từ hoạt động giáo dục trải nghiệm, giảng dạy tích hợp vào các môn học, nhà trường đã tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh.

Cô Ngô Thị Mơ, giáo viên phụ trách hoạt động trải nghiệm của trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng chia sẻ: “Thông qua các hoạt động ngoại khoá, chúng tôi hướng học sinh đến việc tạo mối quan hệ đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ”.

Gìn giữ văn hóa dân tộc góp phần giáo dục đạo đức học sinh ảnh 4

Một giờ trải nghiệm của học sinh

Em Phùng Mùi Pham, học sinh lớp 9 cho biết: “Chúng em được học và cùng nhau tham gia các hoạt động trải nghiệm như: Làm vườn, chăm sóc rau, cùng thầy cô xây dựng khuôn viên trường học… Qua đó, chúng em hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn. Vì vậy, quá trình học tập cũng có nhiều hứng thú hơn”.

Cũng theo thầy Thành, để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có hiệu quả, cần tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

“Muốn làm tốt, hiệu quả phải có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất về phương pháp tác động, phải thường xuyên cập nhật thông tin nhiều chiều để biết về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh” - thầy Đặng Văn Thành nói.

  • Kết quả chấm thi chọn HSG THCS cấp tỉnh năm học 2015-2016

    Kết quả chấm thi chọn HSG THCS cấp tỉnh năm học 2015-2016

  • Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016

    Cuộc thi có 35 đơn vị tham gia (trong đó có 31 Sở GD&ĐT, 4 trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT) với 427 học sinh dự thi ở 234 dự án. Qua bốn ngày tranh tài với 20 lĩnh vực dự thi, ban tổ chức đã lựa và công bố giải cao nhất (vòng thi toàn cuộc), gồm: 2 giải Nhất, 8 giải nhì và 8 giải Ba. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao nhiều giải lĩnh vực: Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cũng như giấy chứng nhận, bằng khen cho học sinh.

  • Bản tin Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh Năm học 2015-2016

    Sau hai ngày tổ chức phần thi giảng (ngày 29/02/2016 và ngày 01/3/2016) Ban Tổ chức đã tổ chức thi giảng và rút kinh nghiệm được 119 giờ, trong đó: Xếp loại Giỏi: 42 giờ; xếp loại Khá: 73; xếp loại Trung bình: 04 giờ.

  • Bản tin Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh Năm học 2015-2016

    Sau phần thi kiểm tra năng lực giáo viên, Ban tổ chức Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh, năm học 2015-2016 đã chọn được 199/246 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia phần thi thực hành giảng. Trong tổng số 199 CBQL, GV tham gia phần thi thực hành giảng, Ban tổ chức đã lựa chọn và đặc cách phần thi giảng cho 44 CBQL, GV để nhận nhiệm vụ Giám khảo các môn thi.

  • Khai mạc Giải bóng đá các công đoàn trực thuộc thành phố Lào Cai

    Với mục đích chào mừng Đảng, mừng xuân Bính Thân, tăng cường giao lưu học hỏi, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển; duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho các công đoàn viên trong khối. Sáng ngày 21/2/2016, tại trường THPT số 3 TP Lào Cai, Ban Tổ chức khai mạc Giải bóng đá nam Cán bộ công nhân viên công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành giáo dục tỉnh trên địa bàn thành phố Lào Cai lần thứ hai năm 2016









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập