Những điểm sáng trong lĩnh vực giáo dục vùng DTTS: Trường học nông trại ở A Mú Sung (Bài 2)

Những điểm sáng trong lĩnh vực giáo dục vùng DTTS: Trường học nông trại ở A Mú Sung (Bài 2)

Thuỳ Anh - 16:57, 21/09/2022

Tại các tỉnh vùng cao, mô hình trường học gắn với thực tiễn đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho các em. Mô hình trường học nông trại ở Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung là một điểm sáng, Nhà trường không chỉ chú trọng phát triển kỹ năng sống mà còn là cánh tay nối dài giúp phụ huynh học sinh phát triển kinh tế địa phương.

Đến trường không chỉ để học chữ

Tôi lái xe từ thành phố Lào Cai ngược tỉnh lộ 156 khoảng hơn 70km thì tới Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Xưa con đường này rất khó đi và hầu hết giáo viên lên vùng cao dạy học phải đi xe máy hoặc đi bộ, để đi từ thành phố lên đến bản mất đến cả ngày đường. Đầu năm học mới, các trường học vùng cao lại e ấp trong màn sương muối đặc quánh của đông non.

Khoảng 2h lái xe, tôi tới trường A Mú Sung, đúng vào giờ ra chơi của các em, tôi không báo trước nhưng như có sự sắp xếp sẵn, học sinh trường đều tăm tắp trong bài thể dục giữa giờ. Sau đó các em cùng chơi kéo co, bóng chuyền hơi, cầu lông, đá cầu. Còn lại dưới một số gốc cây lớn là các mái cọ có tên thư viện xanh dành cho các em ham đọc sách.

Thầy Vi Hoài Thanh, Hiệu trưởng Nhà trường niềm nở chia sẻ, “thực hiện theo chương trình giáo dục 2018 mới, nhất là đối với lớp 3 và lớp 7 có nhiều thay đổi đối với môn Tin học, Công nghệ và Tiếng Anh, nên từ năm học 2021-2022 Ban Giám hiệu Nhà trường quyết định đón các con lớp 3 về học bán trú tại Trường. Đầu năm học mới này là khoảng thời gian rất khó khăn của Nhà trường bởi phòng bán trú cho lớp 3 năm nay phải bố trí đến 16 em ở một phòng. Điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn hơn là giai đoạn này tập thể sư phạm Nhà trường phải tập trung rèn cho các con vào nề nếp”.

Một giờ học của học sinh trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Một giờ học của học sinh trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Đặc thù các trường bán trú là học sinh phải ở lại trường từ thứ 2 đến chiều thứ 6 mới được về nhà. Mọi sinh hoạt của các em phải thay đổi. Cô Nguyễn Thị Vệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, đã có kinh nghiệm kèm học sinh lớp 3 khoá trước, năm nay lại đồng hành cùng các em lớp 3 mới vào, cho biết: “Hầu hết các em đều là DTTS. Khi mới từ điểm trường lẻ lên đây, các em còn bỡ ngỡ sợ đủ điều, ăn, ngủ, sinh hoạt thiếu tổ chức. Các em không biết tự tắm gội, giặt quần áo, gấp chăn màn, dọn dẹp phòng ở và lớp học. Hầu hết các em không biết sử dụng nhà vệ sinh, ăn ngủ không có giờ giấc, có em cứ ngủ là “tè dầm”, rồi có em thì khóc suốt đêm đòi về nhà, có nhiều em cứ hết giờ học lại ra cổng trường đứng khóc đợi bố mẹ đón về. Đây là khoảng thời gian khó khăn chúng tôi gồng mình chia sẻ yêu thương đưa các con vào nề nếp”.

Tình thương và kỷ luật

Thầy Phùng Đức Giang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, “đầu năm học là giai đoạn khó khăn nhất, chúng tôi phải ở lại nội trú, đồng hành cùng đưa các con vào nề nếp và xây dựng giáo án mới cho năm học mới. Đêm đêm các cô ngủ lại phòng bán trú cùng học sinh, hướng dẫn các em sử dụng từ bàn chải, nhà vệ sinh, tắm gội, giặt quần áo, rửa bát đũa cá nhân, gấp chăn gối, quét dọn vệ sinh phòng ở…”

Để vượt qua được giai đoạn khó khăn này, nhà trường đã kết hợp cùng Đoàn kinh tế 345 đóng trên địa bàn xã xây dựng giáo án để giúp các em lớp 3 từng bước đi vào nề nếp, tự giác trong sinh hoạt cá nhân.

Bài thể dục 5h sáng của tập thể học sinh để khởi động ngày mới
Bài thể dục 5h sáng của tập thể học sinh để khởi động ngày mới

Báo thức vừa điểm 5h sáng, trống trường dồn một hồi dài, học sinh ở các phòng ùa về sân trường cùng nhau tập thể dục buổi sớm khi màn sương dày đặc còn đang ôm trọn lấy ngôi trường. Những khuôn mặt ngái ngủ, chỉ sau vài động tác, các em đã tỉnh táo nhanh nhẹn hẳn lên. Tập xong, các em về phòng nghỉ, quan sát thấy các em rất tự giác gấp chăn gối của mình theo hình “bao diêm”, cầm chổi quét phòng, nghiêm túc như những chiến sĩ nhí. Chỉ riêng khối lớp 3, các em vẫn còn cần sự kèm cặp của giáo viên chủ nhiệm, nhưng mới chỉ 1 tuần học mới này, các em cũng dần quen với nề nếp và tự giác.

Một hồi trống lúc 6h sáng, các con lại xếp hàng đi ăn sáng sau khi tự vệ sinh cá nhân và phòng ở. Mỗi bạn tự cầm theo bát đũa của mình, lấy cơm và thức ăn, sau đó ngồi vào bàn ăn, ăn xong tự mang bát đũa đi rửa, trước khi cất bát đũa lên giá, được các anh chị khoá trên giám sát từng cái bát, nếu còn chưa sạch các anh chị yêu cầu rửa lại đến khi sạch thì mới đạt. Đến đúng 7h các em lại cắp sách lên lớp, trong vai một học sinh thực thụ.

Thầy Phạm Văn Trọng vừa chăm chú quan sát các em, vừa như thuật lại “Nhà trường đã xây dựng một quy trình bán trú tự quản, để các con kèm cặp lẫn nhau, các anh chị khoá trên kèm các em khoá dưới, nhất là nề nếp, như vậy để gia tăng sự đoàn kết của các em, đồng thời để các em khoá dưới mới vào cảm thấy yên tâm hơn khi có các anh chị lớn giúp đỡ, hướng dẫn. Ở đây các con sống với nhau như chị em ruột trong gia đình”.

Những chiếc chăn hình “bao diêm” được tạo bởi học sinh lớp 3 mỗi khi thức dậy
Những chiếc chăn được gấp như hình “bao diêm” do học sinh lớp 3 thực hiện mỗi khi thức dậy

Cô Nguyễn Thị Vệ chia sẻ, “năm trước có 1 em học sinh, đêm ngủ hay tè dầm các bạn không muốn ngủ cùng; mẹ bỏ đi, một mình bố nuôi mấy anh chị em, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình nên em nhút nhát, tôi cũng đưa em ấy đi khám ở Bệnh viện tỉnh, rồi đồng hành cùng con mấy tháng, giờ thì sức khoẻ của con đã bình thường trở lại”.

Em Lò Láo Tả học sinh lớp 7 nói, “hồi mới về trường, em cũng nhớ nhà và cứ chiều đến là khóc đòi về, nhưng các anh chị khoá trên ở đây yêu em như em trai. Các thầy cô lại tốt với em, em không chỉ được học chữ mà còn biết tự phục vụ bản thân mình”.

Niềm vui từ nông trại xanh

Buổi sớm hôm sau, tôi theo các em học sinh khối 8-9 đi hái chè. Các em thoăn thoắt hái từng búp chè non, miệng thì vui vẻ hướng dẫn tôi như những kỹ sư nông nghiệp thực thụ trên nông trường chè “một tôm hai lá cô nhé, đây là kỹ thuật hái chè của các thầy cô dạy chúng em trong chương trình ứng dụng môn công nghệ được học từ năm lớp 7. Lát nữa hái đủ, cô trò mình cùng về sao chè nhé. Chúng em cũng được học cả kỹ thuật sao chè nữa đấy”.

Thầy Vi Hoài Thanh cho biết, “đây là giống chè kim tiên đặc sản của huyện Bát Xát, nhà trường được xã và bà con nhân dân quanh đây giao cho quản lý khoảng 3ha đồi chè, hằng ngày các con chăm sóc thu hái và sao chè. Nhà trường tìm đầu ra cho sản phẩm để bổ sung vào ngân quỹ, mua thêm dụng cụ học tập và đồ ăn, đồ dùng bán trú cho các con”.

Các học sinh lớp 8-9 đi hái chè trong nông trại Nhà trường
Học sinh lớp 8-9 hái chè trong nông trại của Nhà trường

Ngoài giờ học, các em học sinh lại cùng nhau xách nước tưới rau, trồng rau, thức ăn thừa thì các em mang cho gà, vịt, lợn trong “nông trại” của Nhà trường. Đây cũng được coi như 1 giờ học thú vị về nông nghiệp của thầy trò trường A Mú Sung. Thầy Thanh chia sẻ thêm “nông trại nhỏ này cũng đủ cho mỗi lớp 1 luống rau, một góc để nuôi gà và nuôi lợn. Vùng cao còn nhiều khó khăn, xưa nay trường không thu quỹ của học sinh, mà các em tự canh tác đổi thực phẩm vào bếp ăn để chắt chiu mua thêm đồ dùng học tập”.

Thầy Vi Hoài Thanh chia sẻ thêm:“ở vùng cao, nhiều học sinh học hết lớp 9 sẽ không lên lớp 10 mà về tham gia làm kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế về khí hậu và đặc điểm kinh tế xã hội địa phương, chúng tôi phát triển mô hình trường học nông trại nhằm giúp các em học sinh phát triển kỹ năng sống và hỗ trợ gia đình làm nông nghiệp đúng kỹ thuật hơn”.

Ngôi trường miền biên ải với sự sáng tạo của cả thầy và trò trong suốt bao năm qua đã ươm mầm cho 26 thế hệ bán trú. Năm 2020, với mô hình Di sản Văn hóa người Dao ở Lào Cai, học sinh Nhà trường đã giành Huy chương Vàng trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ 16. Năm 2021 trường cũng đoạt giải Nhì cấp tỉnh trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên với mô hình Du lịch sinh thái xã A Mú Sung. Nhiều học sinh tốt nghiệp đại học cũng trở về làm cán bộ xã, huyện phục vụ quê hương.

Những em học sinh ham đọc sách tại thư viện xanh ở một góc sân trường
Các em học sinh ham đọc sách tại thư viện xanh của trường

Xã A Mú Sung mới về đích nông thôn mới đầu năm 2021. Nhiều khoản chi phí cho học sinh trước đây được nhà nước chu cấp 100% thì nay các gia đình phải tự túc như bảo hiểm y tế và tiền mua sách vở, tiền ăn bán trú giảm xuống. Mô hình Trường học nông trại không chỉ giúp cho học sinh và nhà trường khắc phục khó khăn trong thời  gian trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh vùng cao.

 
  • Kết quả chấm thi chọn HSG THCS cấp tỉnh năm học 2015-2016

    Kết quả chấm thi chọn HSG THCS cấp tỉnh năm học 2015-2016

  • Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016

    Cuộc thi có 35 đơn vị tham gia (trong đó có 31 Sở GD&ĐT, 4 trường THPT trực thuộc Bộ GD&ĐT) với 427 học sinh dự thi ở 234 dự án. Qua bốn ngày tranh tài với 20 lĩnh vực dự thi, ban tổ chức đã lựa và công bố giải cao nhất (vòng thi toàn cuộc), gồm: 2 giải Nhất, 8 giải nhì và 8 giải Ba. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao nhiều giải lĩnh vực: Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cũng như giấy chứng nhận, bằng khen cho học sinh.

  • Bản tin Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh Năm học 2015-2016

    Sau hai ngày tổ chức phần thi giảng (ngày 29/02/2016 và ngày 01/3/2016) Ban Tổ chức đã tổ chức thi giảng và rút kinh nghiệm được 119 giờ, trong đó: Xếp loại Giỏi: 42 giờ; xếp loại Khá: 73; xếp loại Trung bình: 04 giờ.

  • Bản tin Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh Năm học 2015-2016

    Sau phần thi kiểm tra năng lực giáo viên, Ban tổ chức Hội thi giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh, năm học 2015-2016 đã chọn được 199/246 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia phần thi thực hành giảng. Trong tổng số 199 CBQL, GV tham gia phần thi thực hành giảng, Ban tổ chức đã lựa chọn và đặc cách phần thi giảng cho 44 CBQL, GV để nhận nhiệm vụ Giám khảo các môn thi.

  • Khai mạc Giải bóng đá các công đoàn trực thuộc thành phố Lào Cai

    Với mục đích chào mừng Đảng, mừng xuân Bính Thân, tăng cường giao lưu học hỏi, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển; duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho các công đoàn viên trong khối. Sáng ngày 21/2/2016, tại trường THPT số 3 TP Lào Cai, Ban Tổ chức khai mạc Giải bóng đá nam Cán bộ công nhân viên công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành giáo dục tỉnh trên địa bàn thành phố Lào Cai lần thứ hai năm 2016









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập