Cảm nhận từ mô hình nội trú dân nuôi ở Lào Cai mang nhiều cái "nhất"

Ngay từ những năm học tiểu học, em Châu đã học bán trú tại trường, tiếp đó là học THCS và THPT cũng từ nguồn hỗ trợ của nhân dân và Nhà nước. Từ cổ tích đến đời thường, hôm nay chuyện học đại học chính quy đối với con em huyện Si Ma Cai đã trở nên bình thường. Sự đổi thay và tiến bộ này trước tiên phải kể đến hướng đi tích cực của ngành giáo dục huyện, đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng và phát triển mô hình trường học bán trú dân nuôi.

Học sinh bán trú trường Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) tăng gia trồng rau xanh sau giờ học.

Trong mọi tiến trình vận động, mỗi cá thể và mỗi tập thể đều có động lực để bước lên phía trước. Với Si Ma Cai thì đặc biệt hơn, sự hối thúc mạnh mẽ hơn cả bắt nguồn từ những khó khăn được gắn thêm từ "nhất". Cái nhất đầu tiên là Si Ma Cai thuộc huyện vùng cao, khó khăn, xa xôi nhất tỉnh. Sau 10 năm tái lập, Si Ma Cai là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh trẻ nhất và nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tổ chức hành chính. Si Ma Cai còn là huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh (gần 100% dân số). Với địa hình tự nhiên chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, so với các địa phương khác, người dân Si Ma Cai nghèo nhất về đất trồng lúa. Si Ma Cai còn là vùng đất nghèo nhất với 13/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay tới 37%, tương đương 2 lần mức trung bình của toàn tỉnh.

Gian nan là thế, khó khăn là thế, song tinh thần và nghị lực của đồng bào Si Ma Cai như cây sa mộc sống trên núi đá, vươn cao và thẳng tắp. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ người này đến người khác và từ thôn này tới bản nọ, họ truyền nghị lực, truyền sức mạnh cho nhau để cùng vươn lên trong cuộc sống. Hãy cảm nhận từng bước đi tự tin của các cháu mẫu giáo, bước chân rầm rập của các em học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến THPT ở khắp nơi đang hướng tới trường học. Hình ảnh các em học học sinh vùng cao với nhiều lứa tuổi tích cực chăm sóc vườn rau xanh, vui nhộn trong bếp ăn tập thể sau mỗi giờ lên lớp sẽ gây xúc động cho bất kỳ ai đến với vùng đất Si Ma Cai. Các bậc phụ huynh học sinh không thể giấu được nụ cười khi thấy con em mình nghiêm túc và trật tự chong đèn học bài tại trường học dưới sự hướng dẫn và quản lý của các thầy - cô giáo. Ngày qua ngày, người dân Si Ma Cai lại miệt mài trên nương, vật lộn với mùa vụ chờ ngày thu hoạch để gùi gạo, ngô tới trường chăm sóc thế hệ tương lai. Gia đình có con theo học cũng như gia đình con còn nhỏ, nhà nghèo cũng như người khá giả, tất cả đều hướng về những ngôi trường với sự tình nguyện và vô tư. Ý thức về cộng đồng, tình đoàn kết đã lắng sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Si Ma Cai. Mỗi ngày qua đi là Si Ma Cai lại có thêm những tấm gương mới về tinh thần tiết kiệm lương thực, dành công, góp của cho trường học và cho các em học sinh thân yêu.

Với quyết tâm không để học sinh thiếu ăn trong một bữa, trung bình mỗi năm, người dân toàn huyện góp gần 100 tấn thóc hoặc lương thực khác quy thóc. Xã Sín Chéng, Thào Chư Phìn, Nàn Sín, Lử Thẩn, Lùng Sui… dẫu vẫn còn những hộ dân tằn tiện mới đủ ăn, nhưng số thóc trong kho lương thực dành cho học sinh bán trú lúc nào cũng đạt xấp xỉ 10 tấn. Bắt đầu từ mô hình ở Thào Chư Phìn, đến nay, phong trào nuôi dạy học sinh bán trú đã phổ biến khắp Si Ma Cai. Xã đặc biệt khó khăn Nàn Sán chỉ sau hai năm, nhưng số lương thực quy thóc do người dân đóng góp đã tăng từ đơn vị yến nay lên gần 10 tấn. Cùng với đó là việc huy động sức dân làm nhà ở cho học sinh, tu sửa, san tạo mặt bằng xây dựng và các công trình phụ trợ trường học.

Có lẽ chưa nơi nào trên cả nước lại có tỷ lệ học sinh học bán trú cao như Si Ma Cai. Toàn huyện có 9.841 học sinh từ cấp học mầm non đến THCS thì có tới 3.016 học sinh học bán trú. Điều đáng mừng là mặt bằng chung chất lượng học tập của học sinh bán trú đã cao hơn nhiều so với số học sinh không học bán trú. Theo quy chế của Phòng Giáo dục huyện, học sinh bán trú được học thêm 3 buổi/tuần theo chương trình dạy thêm của thầy - cô giáo và tự học, ôn bài tập trung buổi tối trong 2 - 3 giờ dưới sự hướng dẫn, giám sát trực tiếp của thầy - cô giáo.

Từ tấm gương Giàng Seo Châu, từ đó đến nay, số người thi đỗ và học đại học tại Si Ma Cai liên tục tăng lên. Năm học vừa qua, huyện có thêm 12 học sinh tốt nghiệp đại học chính quy và nhiều học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp. Những người làm chủ địa phương, nguồn lực phát triển của Si Ma Cai trong tương lai với trình độ chuyên môn, học vấn cao đang hình thành rõ nét từ những ngôi trường với mô hình bán trú dân nuôi. Người dân Si Ma Cai đang tự tin và có quyền tự hào vào điều đó, phần thưởng thật xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu của bà con các dân tộc nơi đâỵ./.

Cao Cường  -LCĐT 

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập