Dạy chữ ở thung lũng Ngòi Giàng

 

Thôn Nậm Trà (xã Gia Phú) được coi là thôn vùng cao và xa nhất của huyện Bảo Thắng. Cả thôn có 120 hộ dân thì tất cả đều là đồng bào người Dao, và đều thuộc diện nghèo được Nhà nước hỗ trợ. Trưởng thôn Chảo Láo Lở cho biết: "Đây là thời điểm đường sá dễ đi nhất. Chứ gặp một cơn mưa thì núi lở chắn ngang đường. Đất trơn trượt, không xe nào dám đi qua đây". 

Đường lên Nậm Trà mới được san ủi, gió cuốn bụi đất cay xè mắt, ì ạch bò lên từng con dốc cuối cùng chúng tôi cũng đến được với thầy và trò trường Tiểu học Gia Phú số 5. Tại đây có 1 điểm trường chính và 3 phân hiệu là Nậm Trà 2, Nậm Két và xa nhất cách trường chính 8km là Nậm Phảng. Mới cách đây vài năm thôi, đường lên Nậm Trà chỉ là một lối mòn, để đến được điểm trường này chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Nhiều thầy, cô giáo mới lập gia đình lên đến nơi phát khóc vì buồn. Muốn về nhà chỉ có cách đi bộ xuống Tà Thàng rồi chờ có ai tiện đường đi về Phố Lu thì xin đi nhờ. Đến ngày phải lên dạy, người nhà lại đưa đến chân dốc Tà Thàng, chia tay nhau rồi lại cuốc bộ lên từng phân hiệu. Thầy hiệu trưởng Lê Thanh Bằng cho biết, cả trường có tất cả 18 giáo viên, thì một nửa là các cô giáo trẻ. Nhiều cô mới lập gia đình, con nhỏ nhưng vẫn tình nguyện bám trụ nơi này như một sự lựa chọn từ sâu thẳm trong tim.

Nậm Trà lô nhô những mái nhà nằm xa nhau, thi thoảng trên đường lại bắt gặp những cô gái Dao ngồi thêu bên vệ đường. Đập vào mắt chúng tôi hình ảnh những em nhỏ buổi sáng đi học, chiều về lên nương cấy lúa, trông em giúp cha mẹ, những đôi chân trần, khoác những chiếc áo cũ vui mừng chạy đến lớp trong cái lạnh buổi sáng. Tiếng dạy trẻ đánh vần của cô giáo Hương và cô Yên cùng âm vang phát ra từ 4 bức tường bằng ván ghép như xua tan đi sự thiếu thốn, ảm đạm và buồn tẻ ở nơi này. Cô Yên nói: "Hồi mới vào dạy, nhìn thấy cảnh như vậy  nhiều lúc cũng muốn chuyển nơi khác. Nhưng bây giờ quen rồi, muốn ở lại để giúp các em biết thêm cái chữ".

Ngôi trường nhỏ nằm lọt dưới thung lũng Ngòi Giàng. Bên cạnh lớp học nghiêng nghiêng được dựng bằng ván gỗ là dãy nhà ở cho giáo viên. Thầy, cô giáo ở đây đa phần là người từ nhiều nơi trèo đèo, lội suối đến với mảnh đất ở lưng trời này để gieo con chữ. Những đứa học trò đi chân trần, mái tóc đỏ hoe khoác trên người là tấm áo vải mong manh dính đầy bụi đang ngây ngô vui đùa giữa cái gió lạnh se lòng.

                    Một giờ học của học sinh lớp ghép tại Nậm Trà.

Đến phân hiệu Nậm Két, phân hiệu được các thầy, cô giáo nơi đây đặt cho là phân hiệu buồn nhất. Tôi có cảm giác những phân hiệu ở Trường tiểu học Gia Phú số 5 như gồng mình "đuổi theo" những mái nhà người Dao nơi đây bởi  nhìn quanh phân hiệu Nậm Két chỉ có hơn chục nóc nhà. Ở Nậm Két còn có những kỷ lục mà có lẽ ít trường nào trong cả nước "theo kịp", đó là cả phân hiệu chỉ có hai cô giáo phụ trách hai lớp ghép. Cô Hiền phụ trách lớp ghép gồm lớp 2, lớp 4 và lớp 5; cô Mão phụ trách lớp ghép gồm lớp 1, lớp 3 và lớp mẫu giáo. Lớp ghép của cô Hiền cũng ghi nhận số học sinh ít nhất mà tôi từng biết, 3 lớp chỉ có tất cả 6 học sinh. Những lớp học đặc biệt như thế thì phương pháp dạy dưới xuôi như học nhóm hay thảo luận gần như "phá sản". Các cô chỉ có cách duy nhất là dạy quay vòng hết lớp này đến lớp kia. Khi chúng tôi đến, lớp học đã tan, nhưng vẫn còn đó vạch phấn chia bảng thành 3 phần, một bên những con toán cộng, còn bên kia là  âm, vần ghép dở…

11 giờ 30 phút, mặt trời lên tới đỉnh đầu, đứng trên phân hiệu Nậm Phảng ở độ cao gần 1500 m so với mực nước biển, chúng tôi thấy dường như mặt trời gần hơn. Gió ở đây có thừa, gió lồng lộn, hun hút cuốn theo khe núi rít lên theo tiếng của Ngòi Giàng gầm ghè trên đá. Điều đặc biệt ở phân hiệu Nậm Phảng là cả phân hiệu có bốn giáo viên thì cả bốn đều là thầy giáo. Bốn thầy trong căn nhà xiêu xiêu, chưa đầy 20 m2, bốn vách phủ bạt như những lán công nhân trên công trường. Thầy Bùi Văn Thiện là một trong những người bám trụ lâu nhất trên điểm trường này tâm sự: Khi mới đặt chân lên đây, càng đi càng thấy heo hút đã định quay về nhưng thấy học sinh ở đây nghèo mà ham học nên cũng chẳng đành lòng bỏ các em.

Việc vận động học sinh ở đây đến lớp cũng lắm gian nan. Đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn, lại quen với việc hàng ngày trên nương rẫy. Những thầy cô vì vậy phải đến gõ cửa từng nhà để đưa các em đến trường. Có khi, đang học giữa chừng, hay đến vụ mùa thu hoạch, nhiều em bỏ học, tự ý về nhà phụ giúp bố mẹ. Thầy cô lại một phen lặn lội đến khuyên bảo các em đến trường. Việc thiếu phòng học cũng là một trong những trở ngại lớn đối với việc dạy và học của thầy, trò nơi vùng cao này. Thầy hiệu trưởng Lê Thanh Bằng cho biết cách đây hai năm có dự án xây dựng lại trường, đơn vị thi công đến dỡ lớp học cũ, san gạt mặt bằng rồi… đi không thấy quay lại. May mà mượn được nhà sinh hoạt văn hoá của thôn làm được 2 phòng học tạm.

Trên đường từ phân hiệu Nậm Phảng về điểm trường chính, cô Yên chỉ xuống thung lũng - nơi một lá cờ với lên giữa tán cây là phân hiệu Nậm Trà 2.

Chiều tối, sương chụp xuống đầu, đang là mùa khô, những máy phát điện tự chế không đủ nước chạy khiến những bóng điện lập lòe trong màn tranh tối, tranh sáng. Dàn máy vi tính được phòng giáo dục cấp cho cũng đành để trong tủ vì không thể đủ điện chạy. Thầy Bằng bảo: Ở điểm trường chính còn may lắm vì còn có chút ánh sáng điện. Chứ ở phân hiệu Nậm Két và Nậm Phảng thì cả mùa khô các thầy, cô chỉ có cách thắp đèn dầu soạn bài. Bởi vậy nhiều thầy cô cứ hết giờ lên lớp là ngồi soạn bài đến khi nào tối mịt không nhìn thấy chữ nữa thì mới bắt tay nhóm bếp, nấu cơm.

Đường từ Nậm Trà đi xuống Tà Thàng những khúc cua tay áo như chiếc bẫy vô hình ẩn mình trong sương mây mù mịt. Rời Nậm Trà tôi vẫn nghe vẳng lại tiếng hát của các những đứa trẻ lại vang lên giữa thung xanh, giữa đại ngàn mây núi.

Em khao khát ước mơ khắp nơi bình yên.

Cuộc sống tươi đẹp thêm.

Cho đàn em tung tăng múa ca.

Trong nắng xuân tô đẹp muôn nhà.

Mạnh Dũng

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập