Hiệu quả sau 4 năm “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

Với mục tiêu tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội… phong trào ngay sau khi phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh. Ðặc biệt, phong trào đã tạo được sự chuyển biến vượt trội ở bậc học mầm non, tiểu học. Ở mỗi huyện, thành phố đã xây dựng được ít nhất 3 trường học là điển hình tiên tiến trong phong trào và nhân ra diện rộng. Nhiều trường học, kể cả những trường đóng trên địa bàn vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn cũng đã có sáng kiến, sáng tạo, cách làm hay để huy động mọi nguồn lực của xã hội chung tay xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh. Trong 4 năm, tại các trường trong tỉnh đã trồng hơn 4.000 cây xanh tại khuôn viên, học sinh đã có thói quen giữ gìn vệ sinh trường lớp, vệ sinh cá nhân và nơi công cộng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng 100% số trường học đã có đủ nhà vệ sinh, trong đó 522 trường học có công trình vệ sinh và công trình nước sạch hợp vệ sinh.

                    Các cuộc thi trí tuệ cho các bé ở cấp học mầm non được tổ chức thường xuyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh cho biết: Qua 4 năm triển khai, phong trào phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; 100% trường thuộc các bậc học đã đăng ký tham gia. Trong đó, nổi bật là việc đăng ký xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, đảm bảo “3 đủ” cho học sinh (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho học sinh các xã 135, còn có sự đóng góp tích cực của hội phụ nữ, hội khuyến học các cấp, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Cùng với đó, ngành giáo dục còn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Các cơ sở giáo dục đã xây dựng được quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong trường. Một số kỹ năng được đưa vào lồng ghép trong các cơ sở giáo dục một cách bài bản: Giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm, tự bảo vệ (phòng - chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm…). Các trường dân tộc nội trú đã quản lý và hướng dẫn học sinh nền nếp sinh hoạt, ăn, ở tại ký túc xá có hiệu quả. Từ đó, kỷ cương, nền nếp nhà trường được giữ vững, học sinh tôn trọng, lễ phép với thầy, cô giáo. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh thân thiện hơn. Ðặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn, có phương pháp học tập và bộc lộ nhiều năng khiếu của mình. Ngoài ra, ngành còn chú trọng hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức giới thiệu các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào các nhà trường. 100% trường học trong toàn tỉnh đã phối hợp tốt với chính quyền và cơ quan văn hóa, thông tin địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả việc đưa các trò chơi, loại hình văn nghệ, thể thao dân gian dân tộc vào nhà trường… Nhiều trường ở vùng cao, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã cùng tham gia vui chơi, cùng tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, nghề truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với ngành giáo dục chỉ đạo tổ chức đoàn, đội tại các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi học sinh như: Chương trình “Học từ thiên nhiên”, “Học sinh đến với làng nghề, trường nghề”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Lào Cai”. Trong đó, Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” được đẩy mạnh, nhận được sự tham gia ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, Sở GD&ÐT đã kiểm tra, đánh giá và công nhận 702 trường học trên toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hiệu quả của phong trào đã có những tác động tích cực đến nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục để có thêm động lực nâng chất lượng dạy và học tất cả các cấp học.

Thanh Huệ
Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập