Phổ cập giáo dục: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

                        Giờ học thân thiện.             Ảnh: PV

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phổ cập giáo dục, căn cứ vào tình  hình cụ thể của địa phương, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh với những bước đi phù hợp, những giải pháp đồng bộ, những cơ chế, chính sách huy động được các nguồn lực trong và ngoài tỉnh dồn sức thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục. Đồng thời, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục tỉnh để thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác này được sâu sát và kịp thời hơn. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục của tỉnh triển khai cho từng năm học, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng huyện, thành phố. Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo phổ cập tại các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn để đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2005; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2007; tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập tại các xã đã đạt chuẩn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là nhân dân các dân tộc về phổ cập giáo dục được đẩy mạnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm cao.

Trong 10 năm qua, giáo dục Lào Cai đã có bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, làm nền tảng vững chắc để Lào Cai phát triển trong giai đoạn mới. Quy mô giáo dục, hệ thống trường, lớp, học sinh phát triển mạnh. Nếu như năm 2001, toàn tỉnh mới có 326 trường học (gồm mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên), thì đến năm 2010 đã tăng lên 661 trường. Năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 160 trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó: mầm non 29, tiểu học 88, trung học cơ sở 36, trung học phổ thông 7), tăng 139 trường so với năm học 2001 - 2002. Tất cả các xã trong tỉnh đều có đủ hệ thống trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở hoàn chỉnh. Đặc biệt, một số xã khu trung tâm cụm xã đã có trường trung học phổ thông, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Phong trào học tập ở vùng cao có bước chuyển biến mạnh, đồng bào đã quan tâm cho con em đến trường là kết quả của quá trình kiên trì vận động của các cấp, các ngành, đặc biệt là các thầy, cô giáo. Nhiều trường ở nơi đây đi vào nền nếp, cảnh quan sạch, đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Vì vậy, số học sinh đi học cũâng ngày một tăng. Mô hình tổ chức trường nội trú, bán trú dân nuôi phát triển mạnh ở các xã vùng cao, nhất là các xã thuộc huyện Si  Ma Cai, Bắc Hà… đã trở thành mô hình thích hợp và hiệu quả nhất trong phát triển giáo dục đối với điều kiện của một tỉnh vùng cao, nhiều dân tộc. Trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, Lào Cai đã có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp ngày càng được nâng cao chất lượng và số lượng, có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì học sinh thân yêu, có tâm huyết với nghề, luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2001, toàn tỉnh có 8.537 giáo viên, đến năm 2010 tăng lên 15.124 giáo viên. Bên cạnh đó, 10 năm qua, cơ sở vật chất, thiết bị trường học đã được đầu tư đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập được triển khai sâu rộng và mang lại nhiều kết quả. Các lực lượng xã hội ngày càng tham gia tích cực vào cả ba mặt của xã hội hóa giáo dục. Nhiều phong trào, hoạt động rất thiết thực, như "Áo ấm tình thương", thanh niên tình nguyện đi vùng cao dạy học, xây dựng quỹ khuyến học, gia đình, dòng họ khuyến học, đóng góp lương thực ủng hộ học sinh bán trú… Trong 10 năm qua, nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục và công tác phổ cập giáo dục từ việc thực hiện xã hội hóa giá trị 150 tỷ đồng, tổng quỹ khuyến học giá trị 50 tỷ đồng.

Nói về công tác phổ cập giáo dục của Lào Cai trong giai đoạn tới, đồng chí Bùi Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục tỉnh khẳng định: Công tác phổ cập giáo dục của tỉnh bên cạnh những mặt thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Phải tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, vị trí của sự nghiệp giáo dục đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, nhưng trước mắt phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chú trọng phát triển giáo dục vùng cao đi đôi với củng cố vững chắc và phát huy kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, nâng cao chất lượng. Tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng. Có như vậy thì việc phổ cập giáo dục trong giai đoạn tới mới đạt được kết quả như mong muốn.

Thuỵ Bình    - LCĐT

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập