Sự nghiệp giáo dục trên vùng cao Hoàng Thu Phố

Nằm cách trung tâm huyện 12 km, Hoàng Thu Phố là xã đặc biệt khó khăn với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đối với các thầy - cô giáo Trường THCS Hoàng Thu Phố, việc "gieo chữ" thật gian nan. Để "bám trụ" trên mảnh đất này, các thầy - cô đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Bước vào năm học 2010 - 2011, Trường THCS Hoàng Thu Phố có 21 cán bộ, giáo viên và 213 học sinh ở 4 khối học. Để công tác dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng cao, giáo viên đẩy mạnh và triển khai tích cực các biện pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học. Đặc biệt, Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp cùng với các tổ khối lên kế hoạch chỉ đạo hoạt động chuyên môn đầy đủ, phù hợp và hiệu quả. Các giáo viên thực hiện nghiêm túc quy chế, nền nếp chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp, sử dụng đồ dùng dạy học, công nghệ thông tin, dự giờ rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên duy trì hiệu quả dạy học buổi 2 vào các buổi chiều thứ 3, 4, 6 hàng tuần để phụ đạo học sinh yếu kém. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng cao, chất lượng phổ cập giáo dục được duy trì một cách vững chắc.

                                       Rèn nét chữ.      Ảnh: PV

Thầy Nguyễn Danh Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm học 2004 đến nay, nhà trường đã được xây dựng khang trang với đầy đủ các phòng học. Tuy cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng, song phần lớn học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, đều ở rất xa trường. Do vậy, công tác huy động học sinh ra ở nội trú nhằm duy trì tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Năm học 2010 - 2011, trường có 173 học sinh ở nội trú, chiếm tới hơn 70% và là đơn vị có số học sinh ở nội trú cao nhất cả huyện. Hiện chỉ có 3 thôn ở khu vực trung tâm xã là học sinh tự đi học, 9 thôn còn lại, các em ở nội trú tại trường. Chia sẻ khó khăn đó cùng các em học sinh, trong những năm học gần đây, nhân dân trong toàn xã đã đóng góp được 11 tấn lương thực, cùng với đó là sự sẻ chia của các cấp, các ngành chung tay giúp đỡ xây dựng khung cảnh trường lớp, cơ sở vật chất và các trang - thiết bị để các em yên tâm học tập. Cô Nguyễn Thị Lan Phương, một giáo viên trẻ có 4 năm gắn bó với trường chia sẻ: Với suy nghĩ của các thầy - cô giáo là luôn mong được truyền thụ kiến thức cho học sinh học giỏi, nhưng ở đây, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới gần 60%. Vì nhiều lý do, nên vẫn còn nhiều em nghỉ học giữa chừng, chưa đến trường, đến lớp, do vậy, song song với công tác chuyên môn, các thầy - cô giáo nhà trường vẫn phải thường xuyên thay phiên nhau lặn lội đến những thôn xa trên đỉnh núi để vận động từng em học sinh tới trường. Tạo cho các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui, dạy các em từ nếp ăn ở, cách ứng xử, tinh thần vươn lên trong học tập.

Với những tấm lòng nhiệt huyết của các thầy - cô giáo, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của nhà trường trong một vài năm trở lại đây luôn đạt 90 - 94%. Em Vàng Thị Tớ nhà ở tận thôn Pả Chư Tỷ cách trường học hơn 8km, được đón về ở nội trú từ đầu năm học, phấn khởi tâm sự: Các thầy - cô giáo thực sự là người cha mẫu mực, người mẹ hiền thứ hai của chúng em. Qua thực tế được học tập và sinh hoạt tại nhà trường đã giúp em càng thêm gắn bó với trường, với lớp, phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Tâm huyết với nghề, vượt lên những khó khăn đời thường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là điều dễ cảm nhận khi đến với thầy - cô giáo nơi đây. Để rồi lúc chia tay, chúng tôi cảm phục những người không quản ngại gian khổ, bám lớp, bám trường "gieo chữ" trên mảnh đất Hoàng Thu Phố.

Ngọc Thủy   

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập