Tâm huyết của giáo viên trẻ vùng cao Bắc Hà

          Giờ ngoại khóa của học sinh Trường THCS Nậm Đét.

Đã nhiều lần vào đây, nhưng lần này vẫn phải mất 3 tiếng đồng hồ trên con đường sỏi đá ngổn ngang, chúng tôi mới vào được Trường THCS xã Nậm Đét. Thế mới biết các thầy, cô giáo nơi đây vất vả thế nào. Vừa bước qua cổng đã thấy trên nóc tầng 2 khu nhà học chính của trường, các thầy giáo trẻ đang say mê trang trí, dán khẩu hiệu thi đua. Trong câu chuyện cởi mở, thầy giáo Đinh Mạnh Linh cho biết: Bình thường nếu thuê làm phải mất hơn 10 triệu đồng, trường học ở xã nghèo không có kinh phí. Vì vậy, nhà trường vận động tập thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đóng góp 5 triệu đồng và công lao động.

Đi thăm trường, chúng tôi thực sự ấn tượng trước khung cảnh trường lớp khang trang, khu ký túc xá, khu bếp ăn, nhà ăn dành cho học sinh bán trú ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp. Phía sau ngôi trường có một khu trồng rau rất rộng, xanh mơn mởn, là thành quả lao động của thầy - trò nhà trường. Qua tìm hiểu được biết, ngay từ ngày đầu thành lập năm học 2004 - 2005, nhà trường đã mạnh dạn tận dụng những lớp học cũ để tổ chức mô hình bán trú dân nuôi. Đến nay, mô hình này phát huy hiệu quả, thể hiện sự quan tâm đầu tư của nhà nước, các cấp, các ngành và hơn hết là tâm huyết của thầy, cô giáo. Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình học bán trú dân nuôi, 3 năm học gần đây, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt từ 95% trở lên, tỷ lệ chuyển lớp, tốt nghiệp lớp 9 luôn đạt 100%. Năm học này, nhờ thực hiện tốt mô hình học bán trú dân nuôi, phát động thực hiện hiệu quả phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tỷ lệ chuyên cần nhà trường đạt trên 95%, không có học sinh yếu kém, chất lượng giáo dục nâng lên, nhiều em giành được nhiều điểm 10 dâng tặng thầy, cô.

Chia sẻ bí quyết và hiệu quả mô hình học bán trú dân nuôi, thầy giáo Đinh Mạnh Linh, Hiệu trưởng Trường THCS xã Nậm Đét cho biết: Năm học này với hỗ trợ mới, số học sinh bán trú tăng lên 180 em (năm ngoái 139 em). Để huy động được đông các em ra học bán trú, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú thu hút các em và đặc biệt là công tác tổ chức ăn, ở, học tập cho các em là việc hết sức quan trọng. Ngoài ra, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các chuyên đề, như trồng rau xanh, tổ chức các hoạt động thể thao; đánh cầu, múa hát vào buổi chiều, chiếu các bộ phim hoạt hình, phim thiếu nhi vào tối thứ Bảy cho các em xem; tăng gia sản xuất; nuôi lợn, gà, ngan, vừa rèn kỹ năng sống và cải thiện bữa ăn cho các em.

Mấy năm trước, các thầy, cô giáo còn phải thay nhau đi bộ cả ngày  vào các thôn vận động các em học sinh đi học, vì khi đến thời vụ một số em trốn về giúp gia đình lao động. Điển hình là thôn Tống Thượng, học sinh người Phù Lá đi học không đều. Bước vào năm học này, các thầy - cô lên thôn vận động, các gia đình dân tộc Phù Lá hưởng ứng cho con đi học đều, có 30 em học sinh đều về bán trú ở.

                                   Hoạt động ngoài giờ.

Nậm Đét mới có điện lưới quốc gia được vài năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, đường sá đi lại khó  khăn, điều kiện sống và sinh hoạt thiếu thốn, vậy mà từ ngày thành lập trường đến nay, chưa có thầy - cô giáo nào bỏ trường. Họ vẫn âm thầm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở nơi đây… Với 20 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở lại trường, họ đều rất trẻ, quê  ở Bảo Nhai (Bắc Hà), thành phố Lào Cai, các tỉnh, thành miền xuôi như: Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội tình nguyện lên vùng cao Nậm Đét dạy học, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1989. Mỗi tuần họ chỉ được nghỉ chủ nhật và thay nhau ra chợ huyện mua sắm vật tư, thực phẩm cho các em học sinh bán trú. Tập thể các thầy, cô giáo luôn tự bảo nhau không để các em đói, bởi nếu đói các em sẽ bỏ về nhà. Ngay từ đầu năm học này, nhà trường đã tham mưu với xã vận động gia đình các em học sinh đóng góp gạo, rau nuôi các em. Đặc biệt, các thầy, cô đã tình nguyện nuôi gà, cung cấp trứng, thịt cho thầy, cô và các em học sinh bán trú; rồi thầy, cô còn nuôi cả lợn, ngan, cùng các em trồng rau xanh để bổ sung thức ăn cho các em. Không có tiền thuê cấp dưỡng, các thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường lại đảm nhiệm luôn việc nấu ăn cho học sinh.

Không chỉ vậy, trên lớp học, các thầy, cô giáo trẻ Nậm Đét say mê giảng dạy cho các em, buổi chiều và buổi tối quản lý các em tự học và dạy phụ đạo. Em Triệu Diễm Quỳnh, dân tộc Dao đỏ, lớp trưởng lớp 9a, học sinh giỏi và cũng là học sinh ở bán trú lâu nhất, chia sẻ: Ở bán trú, em và các bạn học sinh người Dao, Mông, Phù Lá  được các thầy, cô giáo quan tâm chăm lo đời sống, ăn, ở, kèm cặp, chỉ bảo như cha mẹ. Buổi tối về phòng ngủ, em và các bạn bảo nhau cố gắng học tốt, dành nhiều điểm 10 như những bông hoa tươi thắm dâng tặng thầy, cô, phấn đấu tu dưỡng thật tốt, không phụ lòng thầy, cô và gia đình.

Chia tay Trường THCS Nậm Đét, chúng tôi thêm cảm phục tấm gương những thầy, cô giáo trẻ nơi đây. Tâm huyết và tấm lòng yêu nghề, mến trẻ của họ là bí quyết nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao Nậm Đét, góp sức xây dựng quê hương vùng cao ngày càng đổi mới.

Tráng Xuân Cường 

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập