Xuôi về nơi dốc chữ

              Ngày hội đến trường của học sinh xã Tân Tiến.
Nói là trung tâm, nhưng thực ra, trường dựng ngay trên bờ suối, cạnh một đầu cầu nối liền với bản, phía trước là núi và phía sau là rừng. Thầy giáo Thào Seo Dùng, Hiệu trưởng cùng các thầy – cô giáo trong trường dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất. Được chứng kiến khu nhà lớp học của các em học sinh mới thấy đây là ngôi trường khó khăn biết nhường nào. Lớp học tạm bợ chỉ bằng tranh tre, nứa lá, những chiếc bàn gỗ cũ đã mọt đặt trên nền đất gồ ghề là nơi để cho những “mầm non” học tập. Trường cạnh suối, nên cứ sau mỗi trận mưa, sau mỗi mùa hè, giáo viên nhà trường và nhân dân phải dựng lại để lấy chỗ học.

Đoàn chúng tôi tiếp tục đi thăm khu bán trú của các em học sinh, chỉ là những nếp nhà gỗ lợp lá cọ mà xã và nhà trường dựng lên cho hơn 30 em học sinh ở xa đến trọ học. Hình như các em biết trước sự có mặt của chúng tôi, nên ra sân xếp hàng chào đón. Tặng quà các em bằng những quyển vở, chiếc bút và tấm chăn ấm, nhưng chúng tôi hiểu thật khó làm vơi đi cái nghèo khó, vất vả của các em trên vùng đất này. "Nhà em xa lắm, mãi trên Cán Chải cơ, đi bộ hai hôm mới tới". Đó là câu trả lời của một em lớn tuổi nhất trong khu bán trú.

Xa lắm những bàn chân đi tới trường, nghèo lắm những nhọc nhằn cõng chữ trên lưng. Các em học sinh ở đây là người Dao, Mông và Tày, chủ yếu sống ở trên núi cao, cách trường hàng chục cây số. Nhìn em nào, chúng tôi cũng thấy thoáng hiện một chút nắng gió, bởi cuộc sống vùng cao kham khổ, sự e thẹn đến ngoan ngoãn nhưng vẫn toát lên ánh mắt sáng của lòng ham học, niềm vui được cắp sách đến trường. Hỏi các em về ước mơ của mình sau này, các em đều trả lời rất thật. Có em ước mơ sau này được đi học THPT, có em ước thành cán bộ giao thông để mở đường, phá dốc. Nhưng có em lại ước muốn một điều rất giản dị mà cao đẹp, đó là được làm nông dân. Có lẽ chẳng ở đâu học sinh trả lời như vậy!

      Tặng quà học sinh Tân Tiến.
Nghe đến đó, chúng tôi cười mà trong ngấn mắt cứ muốn trào dâng. Những tấm phản được ghép liền với nhau, trên đó là những chiếc chăn đơn cùng manh chiếu đã sờn là nơi vừa học vừa ngủ của các em. Phía dưới, một mái cọ được lai ra bên ngoài là bếp ăn. Cũng có nồi, có bếp, có bát đũa, nhưng đều rất đơn sơ. Bếp nấu chỉ là ba viên gạch dựng lên, nồi cơm nhỏ có thêm vài lát sắn chỉ đủ cho 3 em ăn cùng một nhóm. Thức ăn của các em không gì ngoài măng đắng luộc, rau dớn, rau muống dài hàng gang tay trồng bên bờ suối. Thầy Vinh - quản lý khu bán trú cho biết, khi khan hiếm thức ăn, các em còn biết chế biến món ớt nướng dằm với muối ăn, thỉnh thoảng các thầy – cô giáo mua lạc, cá mắm để cải thiện bữa ăn cho các em.

Thầy Việt, phó hiệu trưởng nhà trường kể với chúng tôi: "Vất vả thế, xa thế, nhưng các em ham học lắm, không bỏ học buổi nào, học lại chăm chỉ và rất nghe lời".

Khó khăn như vậy, nhưng lòng ham học còn cao hơn những đỉnh núi chọc trời, ước mơ còn vươn hơn con đường xa. Và thầy - cô giáo nơi đây là những người khơi dòng cho con thuyền ước mơ ấy. Vào những ngày thực hiện công tác phổ cập hay đi vận động học sinh, các thầy - cô giáo của nhà trường tạm gác lại những công việc cá nhân để lặn lội đến những bản xa trên đỉnh núi như: Cán Chải, Nặm Phung, Nặm Chày cách trung tâm xã hơn 20 km (giáp Bắc Hà). Những con đường mòn nào đã in dấu chân các thầy giáo, những con suối nào đã từng lội qua, có lẽ không đếm được và cũng không nhớ được, chỉ có lòng yêu nghề nói lên tất cả hành trình ngược dòng ấy. Rồi đây, theo lời của thầy giáo Thào Seo Dùng, trường THCS của xã sẽ được xây dựng khang trang hơn, đầy đủ hơn, chỗ ở và điều kiện học tập của các em học sinh nơi đây sẽ tốt hơn bây giờ. Đó là tín hiệu vui của thầy và trò nhà trường trong những ngày gần nhất.

Tạm biệt thầy - cô giáo và các em học sinh Trường THCS Tân Tiến, trong lòng chúng tôi vui hẳn lên bởi qua những dịp như vậy, chúng tôi càng thấu hiểu hơn sự gian nan, sự nỗ lực của thầy và trò nơi đây, hiểu hơn những người đang ngược rừng để khơi dòng cho những con thuyền ước mơ vượt đỉnh mờ sương, xuôi về nơi dốc chữ...

Nguyễn Thế Lượng 

Tin nội bộ








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập